Xung quanh Chương trình dạy tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục

04:11, 09/11/2018

Chương trình dạy tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) được Sở GD và ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2013-2014 tại 100% trường tiểu học trong tỉnh. Mặc dù thời gian đầu khi mới đưa vào giảng dạy còn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác chuyên môn cũng như lo lắng từ phía phụ huynh học sinh song với sự nỗ lực của toàn ngành, việc dạy môn tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ mới đến nay đã đi vào nền nếp và đem lại kết quả tốt.

Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) trong một giờ học tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục.
Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) trong một giờ học tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục.

Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD và ĐT) cho biết: “Cùng với 42 tỉnh, thành phố trên cả nước, chương trình TV1-CNGD đã từng được dạy thí điểm tại một số trường học của tỉnh trước năm 2000 và đến năm học 2012-2013, tiếp tục được triển khai ở 58 trường tiểu học của 4 huyện là Vụ Bản, Nam Trực, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Nhận thấy đây là chương trình ưu việt, giúp học sinh nắm chắc kỹ năng đọc (đọc đúng và đọc tốt, rõ ràng), nghe và viết chính tả tốt hơn so với chương trình hiện hành, năm học 2013-2014, Sở GD và ĐT đã đề xuất với Bộ GD và ĐT cho địa phương tổ chức dạy TV1-CNGD tại tất cả 291 trường tiểu học trong tỉnh với tổng số 957 lớp và 29.983 học sinh. Đến nay sau 5 năm triển khai chương trình, qua đánh giá, học sinh tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm tiếng Việt, nắm chắc luật chính tả, đọc thông, viết thạo, phát âm tương đối chuẩn, qua thời gian nghỉ hè không quên chữ và hình thành các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tương ứng; chủ động chiếm lĩnh tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Hầu như không còn hiện tượng học sinh không biết đọc, nếu có chỉ là những trường hợp học sinh đọc chậm”. Để thực hiện chương trình, 100% số lớp 1 đã được ưu tiên các phòng học tốt nhất, được trang bị bàn ghế đúng quy cách. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường lựa chọn giáo viên nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm để dạy lớp 1. Hầu hết các giáo viên đều có đủ phẩm chất, năng lực, nhanh nhạy trong tiếp nhận những thay đổi về phương pháp giảng dạy để dạy lớp 1. Tất cả cán bộ quản lý cấp phòng, cấp trường và giáo viên trực tiếp đứng lớp, giáo viên dự trữ đều được tập huấn kỹ về nội dung và phương pháp dạy học theo tài liệu TV1-CNGD trước khi bước vào năm học mới. Ngành cũng đã xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán cấp huyện, thành phố và giáo viên cốt cán cấp tỉnh để hỗ trợ các đơn vị gặp khó khăn vướng mắc khi triển khai chương trình. Đồng thời phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ giáo dục tổ chức tập huấn, hỗ trợ cho các đơn vị và tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp huyện, hội thảo rút kinh nghiệm cũng như tổ chức khảo sát chất lượng học sinh khi triển khai thực hiện chương trình. Theo đánh giá, chương trình TV1-CNGD nhằm giúp học sinh phát triển năng lực nhận biết và phân tích cấu trúc ngữ âm tiếng Việt. Chương trình chú ý tới việc tự học thông qua hình thức tự luyện tập của học sinh; chú trọng cách viết chính tả qua việc đưa ra các luật chính tả, giúp học sinh phân biệt các hiện tượng chính tả thông qua các từ và cụm từ. Nội dung ngữ liệu phong phú, đa dạng và phù hợp, có tác dụng phân hóa học sinh, được trình bày rõ ràng trong sách TV1-CNGD. Tuy nhiên, thời gian đầu khi đưa vào triển khai, hầu hết các giáo viên đều rất lúng túng vì chương trình rất mới. Nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng về kết quả học tập của con em mình trong những tuần đầu năm học. Tuy nhiên, cùng với sự giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục, Sở GD và ĐT đã tổ chức tập huấn cho giáo viên của tất các các trường, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để rút kinh nghiệm, tháo gỡ từng bước những vướng mắc. Cô giáo Lê Thị Hạnh, Trường Tiểu học Nam Đồng (Nam Trực) cho biết, đây là chương trình hay, với điểm nổi bật là giúp học sinh nắm chắc cấu trúc ngữ âm của tiếng Việt. Bên cạnh đó các cháu còn được luyện chính tả ngay từ tiết đầu, nắm chắc tri thức cơ bản về tiếng Việt và hình thành đồng thời các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết một cách vững chắc. Các cháu cũng luôn được tham gia các hoạt động học tập một cách chủ động, tự tin; thông qua việc làm, các thao tác học, học sinh tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của mình. Đồng thời quá trình dạy học theo phương pháp CNGD không chỉ giúp giáo viên nâng cao trình độ và năng lực nghiệp vụ sư phạm mà cách tổ chức dạy học theo quy trình công nghệ giúp giáo viên đổi mới phương pháp một cách triệt để. Còn chị Minh Hồng có con học tại Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Nam Định) chia sẻ: Lúc đầu tôi rất lo vì thấy cháu đọc không đúng theo cách học trước kia, vì các chữ cái C, K, Q đều đọc là “cờ” trong khi cách đánh vần cũng khác trước. Nhưng khi bước vào năm học mới, cháu vẫn đọc tốt, viết chính tả chính xác, tôi rất yên tâm. Chương trình mới còn hay ở chỗ phụ huynh không cần phải dạy kèm con ở nhà. Cũng theo nhiều phụ huynh có con vào học lớp 1, thực sự ban đầu chương trình TV1-CNGD hơi phức tạp và khó đối với các em. Hơn nữa, trong quá trình đồng hành cùng các con học, các bậc phụ huynh thường dạy theo phương pháp truyền thống, cách phát âm theo CNGD lại khác nhiều so với trước, nên không có sự đồng nhất, dẫn đến nhiều phụ huynh lo lắng và mong muốn cho con được học theo chương trình cũ. Nhưng theo nhiều phụ huynh đã có con học xong lớp 1, thì hiệu quả của chương trình CNGD này là khá rõ: Học sinh viết đẹp, viết nhanh, đọc lưu loát hơn. Cùng với đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên còn hướng dẫn các em tham gia một số hoạt động như vỗ tay theo tiếng, vẽ hình theo tiếng, tạo cho các em sự hứng thú, thoải mái và tự tin, mạnh dạn trong quá trình học tập và vui chơi.

Theo đánh giá của Sở GD và ĐT, việc triển khai chương trình TV1-CNGD đến nay đã được 5 năm học và đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, giáo viên và các trường tiểu học trong tỉnh. Cho dù phải thay đổi nhưng giáo viên các nhà trường vẫn phấn khởi, quyết tâm thực hiện vì hiệu quả của chương trình được thể hiện rất rõ ở kết quả học tập môn tiếng Việt mà học sinh đạt được theo từng giai đoạn học tập. Học theo tài liệu TV1-CNGD, học sinh thấy thoải mái, học mà chơi, chơi mà học, mạnh dạn và năng động khi tham gia các hoạt động học tập. Tiến trình giờ dạy nhẹ nhàng, dễ thực hiện, học sinh được thực hành các kỹ năng nhiều hơn. Sau một thời gian triển khai chương trình cho thấy, học sinh tiếp thu ngữ âm tiếng Việt nhanh hơn, phát âm chuẩn hơn, đọc, viết chính tả cũng chắc hơn; chất lượng đọc, viết tiếng Việt được nâng cao hơn. trung bình đọc 60 tiếng/1 phút, tốc độ viết trung bình 45 chữ/15phút. Tỷ lệ học sinh hoàn thành môn tiếng Việt tăng cao so với các năm học trước, với trên 99% học sinh hoàn thành tốt môn tiếng Việt. Từ đó tạo tiền đề để các em học tốt các môn học khác, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục.

Bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ của chương trình TV1-CNGD, chương trình cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập: Đây là bộ sách giáo khoa được triển khai ở các tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng lại dùng quá nhiều từ địa phương; nhiều từ láy gây khó với cả người lớn. Nhiều câu thành ngữ, tục ngữ học sinh không hiểu mà chỉ học vẹt. Mặt khác, chương trình yêu cầu học sinh phải viết chính tả ngay từ khi bắt đầu học âm là rất khó khăn. Ở một số vần chưa thống nhất cách viết dẫn tới việc học sinh viết sai chính tả… Với những lớp có số học sinh đông và có học sinh yếu, giáo viên rất vất vả trong quá trình giảng dạy. Để chương trình phát huy hiệu quả và khắc phục những hạn chế, Sở GD và ĐT yêu cầu đội ngũ giáo viên phải bám sát chặt chẽ phương pháp giảng dạy, thực hiện đúng quy trình, có phát hiện, đóng góp những ý kiến để khắc phục, sửa chữa. Các bậc phụ huynh học sinh cần phối hợp với giáo viên và các nhà trường trong việc tổ chức giảng dạy và học tập nhằm phát huy tối đa hiệu quả phương pháp dạy học này trong các trường tiểu học./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com