Phát huy hiệu quả mô hình Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên

07:11, 02/11/2018

Sau gần một năm thực hiện chuyển đổi các Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) theo tinh thần Thông tư liên tịch giữa Bộ GD và ĐT, Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB và XH, các Trung tâm GDNN-GDTX ở tỉnh ta đã từng bước tạo sự chuyển biến tích cực ở cả công tác giáo dục văn hóa và đào tạo nghề.

Học viên Trung tâm GDNN-GDTX Trực Ninh thực hành nghề may công nghiệp.  Bài và ảnh: Hồng Minh
Học viên Trung tâm GDNN-GDTX Trực Ninh thực hành nghề may công nghiệp.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Giao Thủy sau khi chuyển đổi với chức năng, nhiệm vụ đã tiếp tục thực hiện tốt việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT, góp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Trung tâm đã phối hợp với 14 trường THCS tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 9 đạt tỷ lệ gần 64% và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để động viên khuyến khích các em tham gia học nghề. Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, xem xét tính đặc thù nghề nghiệp của từng vùng; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài huyện tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các KCN, làng nghề để người lao động có việc làm sau đào tạo... Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là các lao động thuộc đối tượng chính sách, lao động nông thôn thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp để phát triển các KCN, CCN, Trung tâm liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp nghề để giảng dạy và truyền nghề cho người học những kiến thức mới phù hợp với đối tượng học viên; tổ chức đào tạo các lớp học nghề tại Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn. Năm học 2017-2018, Trung tâm đã liên kết với Trường Cao đẳng nghề LILAMA I Ninh Bình, Trường Cao đẳng Công nghệ thực phẩm Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định mở 9 lớp đào tạo các nghề hàn công nghệ cao, lắp đặt ống công nghệ, điện lạnh, điện công nghiệp và dân dụng, may thời trang và tổ chức kỳ thi nghề phổ thông cho học sinh khối 11, khối 12. Đã có 154/156 học viên hoàn thành chương trình với 153 học viên đạt loại giỏi và 1 học sinh loại khá, đưa tổng số học viên được đào tạo nghề trong 3 năm gần đây lên trên 500 học viên với các nghề như: may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, lắp đặt ống công nghiệp, hàn công nghiệp... Học viên sau khi học xong đều có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 3-7 triệu đồng/người/tháng. Năm học 2018-2019, Trung tâm kết hợp với Trường Cao đẳng nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) đào tạo nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô cho các học viên. Cùng với đào tạo nghề, Trung tâm GDNN-GDTX Giao Thủy luôn quan tâm đến dạy văn hóa cấp THPT. Trong năm vừa qua, chất lượng thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 12 cấp tỉnh, Trung tâm đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích, toàn đoàn đoạt giải nhì. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Trung tâm đã có 76 học viên đỗ tốt nghiệp, chiếm 98,7%.

Sau gần một năm thực hiện việc sáp nhập, đến nay Trung tâm GDNN-GDTX huyện Trực Ninh đã đi vào ổn định và thực hiện tốt cả nhiệm vụ GDNN-GDTX. Để làm tốt công tác đào tạo nghề, Trung tâm đã liên kết với các trường lựa chọn những nghề mà thị trường đang thiếu để dạy cho học viên trên cơ sở hướng nghiệp và đăng ký theo nguyện vọng, sở thích. Hiện tại, Trung tâm đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề và công nghiệp thực phẩm Hà Nội mở các lớp điện, kỹ thuật sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí, nấu ăn; phối hợp với Trường Trung cấp GTVT Nam Định mở các lớp hàn, máy lạnh điều hòa không khí và công nghệ ô tô; phối hợp với Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định mở các lớp điện dân dụng; phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định mở các lớp may công nghiệp, may thời trang... Với 3 cơ sở đặt tại Thị trấn Cát Thành, Thị trấn Cổ Lễ và xã Trực Đại, Trung tâm hiện có 15 lớp với tổng số 384 học viên; 100% học viên khi vào học tại trung tâm đều được đăng ký học nghề theo nguyện vọng và được dạy nghề miễn phí. Các lớp dạy nghề được phân bố đều ở các cơ sở với đầy đủ trang thiết bị, máy móc được các trường liên kết chuyển về trung tâm. Đặc biệt, đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mặc dù là lĩnh vực hoàn toàn mới song hiện tại Trung tâm đã chuẩn bị tốt cho công tác này. Bước đầu, Trung tâm đã được Sở LĐ-TB và XH cấp kinh phí 300 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho lao động nông thôn. Với số giáo viên có bằng cấp nghề theo quy định, thời gian tới Trung tâm sẽ tham mưu với UBND huyện trong việc tuyển giáo viên để đào tạo nghề sơ cấp cho lao động theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; trước mắt mở nghề may và nghề hàn tiến tới thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia đào tạo nghề cho người lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ; đồng thời tiếp tục làm tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp và làm tốt việc hướng nghiệp, phân luồng thông qua Phòng LĐ-TB và XH, Phòng GD và ĐT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, phụ huynh và học sinh; mở rộng, đa dạng hoá các ngành nghề, phối kết hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên kết đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.

Sau gần một năm thực hiện việc chuyển đổi, các Trung tâm GDNN-GDTX trong tỉnh đều đã ổn định và có những thành quả bước đầu về một mô hình đào tạo mới. Hầu hết các Trung tâm đã chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về những bước đi trong thời gian tới, đặc biệt là có sự chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn. Tích cực đổi mới phương pháp đào tạo, mở rộng chương trình liên kết, hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để liên kết đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động. Công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của các Trung tâm cũng được chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học để thu hút ngày càng nhiều học sinh, nhất là đối tượng lao động nông thôn./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com