Sau 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

08:10, 22/10/2018

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, tỉnh ta đã xây dựng Chương trình hành động, trong đó tập trung tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD và ĐT. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chất lượng GD và ĐT của tỉnh đã được nâng cao, luôn dẫn đầu toàn quốc trong phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) trong một buổi thực hành môn Vật lý.
Thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Nam Định) trong một buổi thực hành môn Vật lý.

Thực hiện Nghị quyết 29, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Qua 5 năm triển khai thực hiện, quy mô, mạng lưới trường, lớp các cấp học ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Công tác phổ cập giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường được thu hẹp. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học nâng cao về trình độ đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Các nhà trường đã tích cực đổi mới mô hình, phương pháp giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục mở, thân thiện, phù hợp với từng môn học, lớp học, cấp học. Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh được thực hiện tốt theo hướng tích cực, ngày càng có nhiều học sinh theo học nghề. Việc đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Tỉnh đã chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo, bắt kịp với việc đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Chất lượng giáo dục phát triển cả về giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà. Hằng năm, ngành GD và ĐT tỉnh tích cực tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước về đổi mới GD và ĐT. Trong đó chú trọng công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên trong các trường học; kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở GD và ĐT. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, trên tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã tiến hành sắp xếp lại các Trung tâm GDTX và Trung tâm dạy nghề. Theo đó 13 Trung tâm GDTX được sáp nhập thành 9 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên và dạy nghề cho học viên dưới sự quản lý của UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở các đơn vị giáo dục trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực, bước đầu chuyển từ cơ chế “chỉ huy và kiểm soát” đối với các cơ sở giáo dục sang “giao quyền và giám sát”. Các nhà trường chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục trên cơ sở phát huy tinh thần dân chủ, sáng tạo của đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học. Với tổng số 266 trường mầm non, 292 trường tiểu học, 327 trường THCS, 57 trường THPT, đến nay, tỉnh đã từng bước bảo đảm kinh phí hoạt động chuyên môn cho các cơ sở GD và ĐT công lập, đẩy mạnh xã hội hoá một số dịch vụ sự nghiệp công. Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục công lập và có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập theo luật định. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao. Thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học, mở rộng diện tích trường học theo đúng tiêu chuẩn quy định, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật. Đồng thời thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí, chính sách tín dụng sinh viên nhằm đảm bảo học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật có khả năng học tập đều được đi học. Mở rộng đối tượng cho vay là các giáo viên, giảng viên trẻ tự học cao học, nghiên cứu sinh. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách và cơ chế tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay để học. Tỉnh cũng khuyến khích và thực hiện thành lập các quỹ học bổng, khuyến học khuyến tài, giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi; tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc và đóng góp nổi bật cho sự nghiệp GD và ĐT. Tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, mua trang thiết bị dạy học, đã đầu tư xây dựng 12 nhà học đa năng với số tiền gần 90 tỷ đồng, xây dựng 10 nhà công vụ với số tiền gần 30 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa hàng trăm phòng học, phòng học bộ môn, thư viện với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Hiện tại, toàn tỉnh có 289 thư viện tiểu học, 174 thư viện trường THCS và 20 thư viện trường THPT đạt chuẩn. Trong những năm học vừa qua, tỉnh đã trang bị gần 500 phòng học ngoại ngữ chuyên dụng và thông dụng cho các nhà trường đáp ứng việc dạy và học ngoại ngữ. Trong năm học tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo trang bị phòng học tiếng thông dụng và phòng học thông minh cho các trường THPT và một số trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 nhằm thực hiện tốt yêu cầu đổi mới tổ chức dạy và học. Đến nay, các nhà trường đã bố trí sắp xếp đủ mỗi lớp 1 phòng học, đảm bảo 100% các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; trang thiết bị dạy học, bàn ghế được đầu tư, thay mới. Cùng với hệ thống các trường công lập, việc phát triển giáo dục ngoài công lập được duy trì ở cấp mầm non và THPT. Hiện toàn tỉnh có 4 trường mầm non tư thục và 323 nhóm lớp mầm non độc lập tư thục, trong đó 218 nhóm lớp đã được cấp phép. Tỷ lệ trẻ ở độ tuổi nhà trẻ huy động đến cơ sở giáo dục mầm non tư thục, nhóm trẻ độc lập tư thục chiếm 32,7%. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo huy động đến các cơ sở giáo dục mầm non tư thục chiếm 5,3% so với tổng số trẻ mẫu giáo ra lớp. Số lượng các trường mầm non tư thục ngày càng phát triển, nhất là loại hình nhóm lớp tư thục độc lập. Ở cấp THPT có 12 trường tư thục, hằng năm huy động được khoảng 5.600 học sinh chiếm tỷ lệ 11%. Cơ chế tuyển sinh giữa các trường công lập và ngoài công lập thực hiện công bằng. Học sinh học tại các trường ngoài công lập được tham dự thi THPT quốc gia, công bằng trong lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội việc làm. Chất lượng đào tạo ở các trường ngoài công lập xứng với chất lượng chung của GD và ĐT tỉnh. Đặc biệt, thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tỉnh đã triển khai dạy tiếng Anh tại 100% trường tiểu học, THCS và THPT; đồng thời triển khai xây dựng Đề án ngoại ngữ 2020 và Đề án thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông với giáo viên nước ngoài. Trong đó tập trung vào việc bồi dưỡng năng lực giáo viên, triển khai giảng dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm tại 48 trường THCS và 23 trường THPT; tăng cường dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại có 59 trường, gồm 12 trường THPT, 13 trường THCS và 34 trường tiểu học với số lượng 17.389 học sinh theo học; hợp tác với Hội đồng Anh bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho giáo viên và đã có trên 400 lượt giáo viên tham dự. Đến nay, tỉnh ta đã được Bộ GD và ĐT đánh giá là một trong 9 tỉnh điển hình Triển khai Đề án ngoại ngữ 2020, kết quả thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của tỉnh đứng thứ 9 toàn quốc và đứng thứ 2 miền Bắc. Ở cấp học mầm non, tỷ lệ trẻ ở nhà trẻ ra lớp đạt 45,9%, trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 98,9%, tỷ lệ trẻ nuôi ăn bán trú đạt 97,1%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi đều giảm cả ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Các nhà trường đang tích cực đổi mới mô hình, phương pháp giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục mở, thân thiện. Từ năm học 2013-2014, 100% các trường tiểu học thực hiện dạy học theo tài liệu Tiếng Việt - CGD. 147 trường tiểu học, 22 trường THCS thực hiện mô hình trường học mới. Từ năm 2013-2018, tỷ lệ học sinh vào học các trường nghề, tăng bình quân 10-15%. Trước năm 2013 toàn tỉnh có trên 3.000 người mù chữ mức độ 1 và mức độ 2, đến nay số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi chỉ còn 1.103 người (0,1%). Toàn tỉnh duy trì kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi năm 2013, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, xoá mù chữ đạt mức độ 2. Từ năm 2014 tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh, do vậy các trường xây dựng kế hoạch, mời chuyên gia tham gia giảng dạy; tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, kinh doanh…, góp phần tích cực trong việc phân luồng học sinh. So với năm 2013, tỷ lệ học sinh sau THCS vào học THPT, sau THPT vào học đại học, cao đẳng đều giảm; tỷ lệ học sinh sau THCS và THPT đi học nghề tăng.

Những kết quả trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD và ĐT sẽ là tiền đề để ngành GD và ĐT cùng các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giáo dục Nam Định hội nhập và đạt trình độ tiên tiến trong khu vực./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com