Nâng cao chất lượng cán bộ ngân hàng đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghệ 4.0

05:11, 27/11/2020

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang có tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề và ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. Trong tương lai, hệ quả rõ ràng nhất bởi tác động của cuộc cách mạng 4.0 đến lĩnh vực ngân hàng chính là các hệ thống ngân hàng truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các ngân hàng công nghệ hiện đại. Vấn đề phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển ngân hàng bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh.

Với việc chuyển đổi số hoá mạnh mẽ tại các ngân hàng, đa số các dịch vụ trên ngân hàng sẽ được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số. (Trong ảnh: Hướng dẫn khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ VCB Digibank).
Với việc chuyển đổi số hoá mạnh mẽ tại các ngân hàng, đa số các dịch vụ trên ngân hàng sẽ được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số. (Trong ảnh: Hướng dẫn khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ VCB Digibank).

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, những thách thức lớn và hiện hữu của ngành Ngân hàng trước cuộc cách mạng 4.0 là khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố quyết định hội nhập thành công trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Dễ dàng nhận thấy tác động của kỷ nguyên 4.0 đến lĩnh vực ngân hàng chính là xu hướng ứng dụng ngân hàng số ngày càng phát triển; do đó, rất cần nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đáp ứng được xu hướng công nghệ thay đổi, phát triển từng ngày. Hệ thống ngân hàng với phương thức nghiệp vụ truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi các ngân hàng hiện đại, sự thu hẹp của các văn phòng giao dịch sẽ làm giảm một số vị trí việc làm tại ngân hàng như: giao dịch viên, bán lẻ… Thậm chí, một số nhân lực trong các nhóm nghề này có khả năng bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hóa, robot... Điều này dẫn đến việc cắt giảm nguồn nhân lực ở nhiều khâu hoặc chuyển dịch vị trí sang công việc mới phù hợp hơn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực ngành Ngân hàng cũng đang tồn tại tình trạng “vừa thừa lại vừa thiếu”; trong đó, rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên sâu gắn với nghiệp vụ ngân hàng như chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế và công nghệ. Thực tiễn này, đòi hỏi cần quan tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đủ khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến trong điều kiện số hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định chia sẻ: “Tại Chi nhánh, chúng tôi thường xuyên tạo điều kiện bố trí cán bộ, nhân viên tham gia các lớp, lượt tập huấn tập trung và trực tuyến chuyên sâu về dự án xây dựng chương trình phần mềm quản lý nhân sự (HRM) mới; dự án E-learning; dự án xây dựng khung năng lực, thương mại điện tử, marketing số hoá… của Vietcombank tổ chức. Bình quân hàng năm, Chi nhánh có hơn 100 cán bộ, nhân viên được đào tạo, tập huấn” về tác động của cách mạng công nghệ 4.0 đến hệ thống, sự vận hành của ngân hàng, vị trí việc làm, nhân sự và hướng chuyển dịch của các dịch vụ trong thời đại 4.0 như marketing, thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán tiếp cận với “số hoá” nhiều hơn. Thông qua đó, Vietcombank Chi nhánh Nam Định hướng tới xây dựng một đội ngũ có chất lượng cao không chỉ về trình độ nghiệp vụ ngân hàng mà cả kỹ năng vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường công nghệ thông tin. Hiện tại, Chi nhánh đang tiến hành giảm tải nhân sự tại vị trí kho quỹ, tiến tới bổ sung 2-3 chuyên viên chính về công nghệ thông tin để phục vụ vận hành hệ thống VCB Digibank, quản lý ATM, các dịch vụ internet, giao dịch, thanh toán trực tuyến… Theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay song song với công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cán bộ hiện hữu, nhiều ngân hàng cũng tập trung tuyển dụng bổ sung các vị trí việc làm mới với tính chất công việc đáp ứng tốt hơn yêu cầu về công nghệ thông tin, xu thế tự động hoá và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, đổi mới chính sách tuyển dụng với các quy định khắt khe hơn về tính cách, đạo đức của ứng viên nhằm bảo mật thông tin một cách tuyệt đối, tránh tình trạng tiếp tay trong các vụ vi phạm pháp luật như trong những năm gần đây. Với sự phát triển số hoá mạnh mẽ của các ngân hàng hiện nay, nhân sự về công nghệ phụ trách an ninh thông tin bảo mật luôn được các ngân hàng quan tâm tuyển dụng mới để đảm bảo an toàn trước rủi ro tấn công mạng, đánh cắp tiền, tài khoản… Cùng với đó, các ngân hàng cũng tập trung tuyển dụng thêm nhân sự đa năng có chuyên môn kết hợp phát triển các dịch vụ kinh doanh mới như bảo hiểm, kinh doanh ô tô, bất động sản, thương mại điện tử…

Để tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức từ cách mạng công nghệ 4.0, các ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược, thực hiện quá trình chuyển đổi số hướng tới ngân hàng số dựa trên ứng dụng công nghệ số, công nghệ và mô hình sáng tạo của thời đại 4.0 với mục tiêu các ngân hàng có thể kinh doanh, quản trị, điều hành ngân hàng, cung ứng sản phẩm - dịch vụ trên nền tảng số, tăng doanh thu, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành, cung cấp trải nghiệm khách hàng vượt trội và tăng sự gắn kết khách hàng. Theo đó, ngành Ngân hàng cần tiếp tục tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong đó, tập trung vào hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia. Các tổ chức tín dụng tập trung xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có tính chất dự báo trong từng thời kỳ để có kế hoạch; xây dựng chương trình đào tạo khung trên cơ sở chuẩn mực quốc tế; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ viên chức ngành Ngân hàng. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kinh doanh điện tử cơ bản cho cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường kinh doanh. Chú trọng việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý để điều hành hệ thống ngân hàng đã được số hoá./.

Bài và ảnh: Đức Toàn


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com