Thúc đẩy phát triển mô hình cánh đồng lớn

08:11, 26/11/2020

Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đang được các địa phương và nông dân trong tỉnh tích cực thực hiện bởi những ưu thế như thuận lợi ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, HTX trong sản xuất bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản.

Nông dân xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy thu hoạch lúa mùa năm 2020.
Nông dân xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy thu hoạch lúa mùa năm 2020.

Từ mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ban đầu hình thành trong quá trình thực hiện các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay phong trào xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” đã phát triển mạnh mẽ, dần trở thành xu thế trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương. Theo số liệu thống kê của Sở NN và PTNT, năm 2020 toàn tỉnh xây dựng được 382 “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích 21.287ha, trong đó có 2.498ha được các doanh nghiệp, HTX nhận bao tiêu sản phẩm. Vụ xuân có 220 mô hình, diện tích là 12.274ha, gồm 203 mô hình lúa, diện tích 11.773ha; 17 mô hình cây màu, diện tích 501ha; vụ mùa có 162 mô hình gồm 159 mô hình lúa, diện tích 8.943ha; 3 mô hình cây màu, diện tích 70ha. Các huyện có phong trào phát triển cánh đồng lớn mạnh là: Nghĩa Hưng 116 mô hình, với diện tích 7.596ha; Nam Trực 63 mô hình, diện tích 4.214ha; Xuân Trường 59 mô hình, diện tích 2.493ha; Hải Hậu 51 mô hình, diện tích 3.293ha; Trực Ninh 32 mô hình, diện tích 1.392ha; Giao Thủy 25 mô hình, diện tích 971ha; Vụ Bản 16 mô hình, diện tích 969ha… Các mô hình tiêu biểu như: Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường thuê gom ruộng đất tập trung thành các cánh đồng lớn sản xuất lúa giống với quy mô sản xuất lúa lai F1 là 702 ha/vụ. Lợi nhuận của các mô hình này bình quân đạt 30-50 triệu đồng/ha/vụ, thu nhập của người nông dân/ha cao gấp trên 3 lần so với cách làm cũ. Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân với các hộ nông dân có diện tích đất sản xuất lớn, các HTX dịch vụ nông nghiệp trong tỉnh quy mô 500 ha/vụ, dự kiến sản lượng thu mua 4.000 tấn thóc, thu nhập của người dân từ 1ha/vụ tăng khoảng 8-10% so với sản xuất đại trà. Mô hình sản xuất rau công nghệ cao của Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh) mỗi tháng cung ứng ra thị trường trên 45 tấn rau các loại, giá trị sản lượng đạt trên 600 triệu đồng/tháng. Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khoai môn tại xã Đồng Sơn (Nam Trực) với diện tích 30ha, lợi nhuận đạt 100-120 triệu đồng/ha, cao gấp 5-6 lần trồng lúa. Mô hình sản xuất phân hữu cơ để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và theo công nghệ Nhật Bản của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) với quy mô 7ha, sản lượng rau đạt 150 tấn/năm, hiệu quả cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Nhiều mô hình tích tụ ruộng đất chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả để sản xuất thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt.

Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất theo mô hình cánh đồng lớn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã giúp nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới, các phương pháp tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước, gieo sạ là 69.396ha chiếm 47,7% diện tích, tăng 4.133ha so với năm 2019, trong đó vụ xuân gieo sạ 60% diện tích, vụ mùa gieo sạ 35% diện tích. Các huyện có tỷ lệ gieo sạ nhiều là Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng và Mỹ Lộc. Sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn còn thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại sản xuất theo hướng hữu cơ kết hợp giữa cây trồng với vật nuôi theo phương thức tuần hoàn gắn với thị trường theo chuỗi giá trị trong sản xuất hạt giống lúa lai F1, giống lúa thuần và lúa thương phẩm. Áp dụng kỹ thuật “đồng giống, đồng trà”, ưu tiên các cây màu có thị trường tiêu thụ ổn định, các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt với các loại sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời chủ động được cơ cấu thời vụ từ đó mở rộng diện tích trồng cây vụ đông, các loại rau màu trên đất 2 vụ lúa. Mặt khác, các biện pháp kỹ thuật về đất đai, năng suất, mật độ gieo trồng, bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh hiệu quả được triển khai áp dụng góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp trong khung thời vụ thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết có thị trường tiêu thụ ổn định. Việc cơ giới hóa nhiều khâu nặng nhọc trong quy trình sản xuất được đẩy mạnh vừa giúp bảo vệ sức khỏe người nông dân, vừa đảm bảo tiến độ, năng suất lao động. Các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Sản xuất rau, củ quả sạch; sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tưới nước tiết kiệm, sản xuất rau trong nhà kính; mô hình trồng hoa, cây cảnh… được tăng cường và nhân rộng. Việc tập trung đất đai và tổ chức sản xuất tập trung quy mô lớn theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa đã từng bước hạn chế khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, khí hậu, tranh thủ được thời vụ, giải quyết tình trạng thiếu lao động nông nghiệp và giảm giá thành, chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt.

Để tiếp tục thúc đẩy hình thành, phát triển các mô hình cánh đồng lớn hiệu quả, thời gian tới cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần tích cực đẩy mạnh xây dựng mô hình cánh đồng lớn; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất thuê đất, gom đất, liên kết với nông dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành mô hình cánh đồng lớn theo các hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc góp đất liên kết sản xuất. Tại các mô hình cánh đồng lớn, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xác định sản phẩm trồng trọt có lợi thế trên thị trường để định hướng phát triển sản xuất một cách hợp lý theo nhu cầu, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”; chú trọng phát triển các loại cây trồng sản xuất có hợp đồng để tránh tình trạng sản xuất dư thừa, gây thiệt hại cho người sản xuất. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu linh hoạt trên đất trồng lúa. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các loại vật tư nông nghiệp như: giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo sản phẩm được cung ứng chất lượng tốt, ngăn chặn hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho sản xuất và nông dân. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm và vật tư nông nghiệp. Đối với cánh đồng lớn cấy lúa, tiếp tục định hướng sản xuất lúa theo vùng tập trung cho từng giống lúa phù hợp với từng chân đất, xứ đồng để phát huy ưu điểm của giống, vừa quản lý, điều tiết nước, làm đất, gieo cấy, chăm sóc hiệu quả. Mỗi cánh đồng chỉ cơ cấu 1 giống lúa, mỗi xã, thị trấn nên cơ cấu 2-3 giống lúa chủ lực để tập trung chỉ đạo, gieo cấy, chăm sóc hiệu quả cao. Những diện tích ruộng cao hoặc trũng khó điều tiết nước tưới, năng suất không cao cần nghiên cứu chuyển đổi sang các giống cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trồng trọt của Trung ương, của tỉnh, các địa phương cần xây dựng chính sách khuyến khích tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, chính sách hỗ trợ cụ thể về giống cây trồng, vật tư nông nghiệp trong phát triển sản xuất ở những mô hình cánh đồng lớn trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com