Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp

07:11, 17/11/2020

Thời gian qua, tỉnh ta đã tích cực đẩy mạnh đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) theo hướng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch xây dựng, phát triển chung của cả nước và quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện xây dựng các khu, CCN theo quy hoạch còn nhiều bất cập.

Một số khu, CCN phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch: giảm diện tích KCN Dệt may Rạng Đông từ 600ha xuống 550ha; bổ sung KCN Bảo Minh mở rộng với diện tích 50ha tại các xã Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái (Vụ Bản) và KCN Hồng Tiến với diện tích 114ha tại các xã Yên Hồng, Yên Bằng, Yên Tiến (Ý Yên) vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020; đưa KCN Hồng Tiến với diện tích 150ha tại các xã Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020...

Thi công xây dựng Cụm công nghiệp Yên Dương (Ý Yên).
Thi công xây dựng Cụm công nghiệp Yên Dương (Ý Yên).

Hầu hết các KCN, CCN vừa quy hoạch, vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng hạ tầng nên chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp và hạn chế tính đồng bộ, khó bố trí dự án đầu tư theo phân khu chức năng. Một số khu, CCN đã có quy hoạch nhưng việc tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng hạ tầng còn khó khăn nên chưa triển khai được. Còn tình trạng KCN đã triển khai nhưng năng lực nhà thầu còn hạn chế nên không đảm bảo tiến độ xây dựng, phải thay đổi chủ đầu tư. Hầu hết các CCN chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, mới chỉ có hệ thống thu gom nước mặt, nước thải sinh hoạt. Công tác quản lý các CCN còn hạn chế, bất cập, chưa thể hiện rõ vai trò đầu mối, kết nối các hoạt động và quản lý doanh nghiệp trong CCN. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư thứ cấp quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, chủ yếu thực hiện công đoạn gia công có giá trị gia tăng thấp, thâm dụng đất đai, ít sử dụng nguyên liệu địa phương nên hầu như không có tác động hỗ trợ đến các ngành nghề khác. Vẫn còn một số doanh nghiệp trong các khu, CCN cố tình vi phạm, xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Để khắc phục các bất cập trên, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương liên quan tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư xây dựng các khu, CCN. Trong đó, tập trung quản lý, giám sát hoạt động xây dựng của các khu, CCN có điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, sắp và đang triển khai đảm bảo thực hiện đúng yêu cầu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, CCN, không để xảy ra các tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch. Giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các khu, CCN, đảm bảo phần diện tích điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch KCN được sử dụng đúng mục đích. Việc xây dựng nhà ở công nhân và người lao động tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan; thực hiện đồng bộ việc quy hoạch, phát triển các KCN với các công trình nhà ở công nhân, các công trình xã hội và văn hóa thể thao cho người lao động trong KCN; đảm bảo việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài hàng rào phục vụ cho hoạt động của KCN.

Đẩy nhanh tiến độ thu hút các dự án thứ cấp đối với phần diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của các doanh nghiệp thứ cấp, kiên quyết thu hồi đất của các dự án cố tình không triển khai để giữ đất quá thời gian quy định; xử lý các dự án đã ngừng hoạt động và các trường hợp chây ỳ, trốn  tránh nghĩa vụ tài chính, chuyển giá và các hành vi gian lận vi phạm khác. Siết chặt quản lý hoạt động xây dựng của các nhà đầu tư thứ cấp ngay từ giai đoạn triển khai đầu tư. Cụ thể, yêu cầu khi triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư trong các khu, CCN doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc bản vẽ tổng mặt bằng (gốc hoặc điều chỉnh) của dự án đã được phê duyệt, chấp thuận về vị trí, quy mô công trình, các chỉ tiêu quy hoạch… và phải đảm bảo các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18-6-2014. Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu điều chỉnh về quy hoạch chi tiết xây dựng, tổng mặt bằng hoặc tổng mặt bằng điều chỉnh của dự án đầu tư, doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng của đơn vị mình để cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt điều chỉnh trước khi thực hiện. Trường hợp doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, đơn vị chức năng sẽ không xem xét, giải quyết các thủ tục khác có liên quan đến quy hoạch xây dựng theo quy định; đồng thời sẽ xử lý nghiêm theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Thời gian tới, các ngành, các địa phương, tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN, hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư hạ tầng; các dự án công nghiệp thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, đem lại hiệu quả cao về ngân sách; sử dụng tiết kiệm đất đai, tiêu hao ít năng lượng, sử dụng nhiều nguyên liệu đầu vào ở địa phương. Tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phát triển các CCN tại các vị trí thuận lợi về giao thông hoặc khu vực có làng nghề phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com