Đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa

07:11, 24/11/2020

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, trong 9 tháng đầu năm 2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị tác động mạnh mẽ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Không ít doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng; không ít doanh nghiệp phá sản, rời bỏ thị trường. Chính vì thế, hỗ trợ DNNVV phục hồi sản xuất kinh doanh được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đồng hành cùng các giải pháp của các ngành, ngành Ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, trong đó chiếm đa số là đối tượng DNNVV. Thực hiện chủ trương đó, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng tích cực giải ngân để tiếp sức cho doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV qua nhiều cách làm mới như hỗ trợ dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp, sử dụng mạng lưới thông tin để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng và thị trường đầu ra để tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng trả nợ, tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp; hỗ trợ giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đáo hạn nợ...

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, Công ty Giày da xuất khẩu Hoàng Mỹ (Xuân Trường) đã giữ chân được lao động lành nghề, ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, Công ty Giày da xuất khẩu Hoàng Mỹ (Xuân Trường) đã giữ chân được lao động lành nghề, ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp.

Để hỗ trợ tốt hơn các DNNVV, các ngân hàng đã tăng cường đối thoại, tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tư vấn các dịch vụ tài chính điện tử, các giải pháp quản lý tài chính, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, quản lý chất lượng sản phẩm, đòn bẩy tài chính, quản lý dòng tiền… để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng được chiến lược sản xuất, kinh doanh dài hơi phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng đều cam kết phê duyệt hồ sơ nhanh chóng, tư vấn nhiều giải pháp tài chính phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, hỗ trợ khách hàng sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi và giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay. Từ đầu năm đến nay, NHNN Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với mức cắt giảm lên tới 2-2,5%/năm; trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được cắt giảm tương ứng. Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, phù hợp nhằm gỡ khó cho DNNVV cũng được các ngân hàng thương mại cổ phần tích cực tung ra để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Nam Định đã công bố giảm lãi suất chỉ còn từ 5,9%/năm cho DNNVV, áp dụng cho các khoản vay mới giải ngân từ ngày 13-10. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh tỉnh Nam Định và chi nhánh Bắc Nam Định đã giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa chỉ còn 4,5%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Từ nay đến hết ngày 30-6-2021, Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định và chi nhánh Bắc Nam Định cũng cho triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng DNNVV với tổng quy mô lên đến 30 nghìn tỷ đồng; lãi suất cho vay ưu đãi mức 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) chi nhánh Nam Định giảm sâu lãi suất gói tín dụng Swift SME 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng tiêu chuẩn DNNVV của ngân hàng này, lãi suất chỉ từ 6,2%/năm. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Nam Định cũng tung ra gói tín dụng ưu đãi 10 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,3%/năm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, hiện nay nhiều DNNVV cũng đã có sự chuyển dịch trong phương thức hoạt động kinh doanh, đó là sử dụng ứng dụng thương mại điện tử để tiếp cận các tiện ích số mà các ngân hàng đang cung cấp. Đây là lựa chọn tốt để thúc đẩy kinh doanh, giúp các DNNVV tăng trưởng nhanh, hiệu quả hơn đồng thời cũng góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng. Chị Trần Thị Như Hoa, đại diện Công ty Cổ phần May Nam Giao tại xóm 8, xã Giao Yến (Giao Thuỷ) cho biết: “Từ 4,1 tỷ đồng vốn vay ưu đãi của Vietinbank chi nhánh Bắc Nam Định, Công ty đã vượt qua khó khăn, giữ ổn định được lao động lành nghề, đơn hàng đảm bảo xuất khẩu sau dịch COVID-19 từ đầu năm”. Theo số liệu báo cáo của Chi nhánh NHNN tỉnh, tính đến ngày 30-10-2020, dư nợ cho vay DNNVV trên địa bàn tỉnh ước đạt 16.768 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ toàn hệ thống với 1.620 doanh nghiệp được tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc tiếp cận vốn vay của DNNVV cũng gặp nhiều khó khăn do quy mô doanh nghiệp nhỏ nên cơ cấu tổ chức, bộ máy tổ chức thường được tiết giảm tối đa về công tác quản trị, không có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Do đó việc thực hiện các dự án đầu tư, các phương án kinh doanh hoặc các cơ chế pháp lý của DNNVV còn nhiều bất cập. Việc xây dựng phương án kinh doanh khả thi, báo cáo tài chính vẫn còn thiếu, chưa rõ ràng. Tính minh bạch, thông tin không đảm bảo dẫn đến khó khăn trong công tác thẩm định, giải ngân vốn của ngân hàng. Tài sản đảm bảo có giá trị thấp hoặc không có tài sản đảm bảo cũng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ưu đãi, hỗ trợ của các ngân hàng.

Thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh giảm lãi suất huy động tiến tới tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận với chương trình vốn vay ưu đãi của các ngân hàng. Đồng thời, các ngân hàng thương mại cổ phần tích cực tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp DNNVV để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, rào cản về thẩm định, chứng minh tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ… Cùng với đó, các DNNVV cũng phải tích cực phát huy nội lực, chủ động tìm kiếm nguồn hàng, xây dựng phương án phục hồi sản xuất trước mắt và lâu dài đảm bảo ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, tăng cường tính minh bạch, thông tin. Có như vậy, các nỗ lực của ngân hàng “tiếp sức” cho doanh nghiệp mới có thể đạt mục tiêu vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng, vừa giữ an toàn chất lượng tín dụng trong các tháng cuối năm 2020./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com