Lắng nghe, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động

07:11, 30/11/2020

Để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chủ động tham mưu, tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với công nhân lao động (CNLĐ) trong các khu, cụm công nghiệp; chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường tổ chức các hoạt động đối thoại giữa chính quyền địa phương với CNLĐ, hướng dẫn công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Qua đó, nhiều vấn đề bức thiết trong đời sống công nhân và những khúc mắc trong quan hệ lao động được tháo gỡ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và chăm lo tốt hơn đời sống người lao động (NLĐ).

Sản xuất tại Công ty TNHH Kiara Garments, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).
Sản xuất tại Công ty TNHH Kiara Garments, thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).

Ngày 24-11-2020 vừa qua, tại Trung tâm văn hóa huyện Hải Hậu đã diễn ra hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành chức năng với đại diện CNLĐ trong tỉnh. Tại đây, các ý kiến kiến nghị của CNLĐ tập trung vào các vấn đề như: Chế độ chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình đời sống, việc làm của CNLĐ; an toàn giao thông trong các khu công nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và NLĐ; bảo đảm tình hình an ninh trật tự; xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, nhà trẻ mẫu giáo, mở rộng hệ thống trường học, đáp ứng nhu cầu của CNLĐ ở xa… Cụ thể, nhiều CNLĐ tiếp tục phản ánh, kiến nghị về vấn nạn doanh nghiệp nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm cho NLĐ. Anh Lê Văn Công (Công ty TNHH Điện tử MSL) nêu hiện trạng: Hiện nay việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Hải Thanh (Hải Hậu) tự ý chuyển đổi mục đích sản xuất kinh doanh, cho đơn vị khác thuê lại mặt bằng để sản xuất nhôm đúc, quá trình sản xuất không xử lý chất thải theo quy định, gây ô nhiễm môi trường; không thực hiện đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Anh Công đề nghị chính quyền tỉnh phải có những biện pháp cứng rắn để xử lý vấn đề trên. Một nữ công nhân đến từ Công ty TNHH SINHWA (Xuân Trường) cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chủ công ty người Hàn Quốc đã về nước từ tháng 2-2020 hiện vẫn chưa quay lại. Đến nay, công ty đã nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ số tiền 1,2 tỷ đồng và đề nghị tỉnh có biện pháp can thiệp, yêu cầu công ty nộp tiền bảo hiểm cho NLĐ, nhất là trong trường hợp chủ công ty không quay lại. Một số CNLĐ, đặc biệt là lao động nữ phản ánh, hiện nay họ đang đi làm xa nhà, nhiều người lại đang nuôi con nhỏ. Đề nghị tỉnh có chính sách xây dựng nhà trông trẻ trong các khu, cụm công nghiệp; có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá rẻ để NLĐ yên tâm làm việc… Trước những ý kiến phản ánh, kiến nghị của đại diện CNLĐ, tại cuộc đối thoại, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp giải đáp những quy định liên quan đến chính sách bảo hiểm hiện hành; cơ chế chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng dịch COVID-19; cơ chế chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách, kế hoạch của tỉnh trong triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu, cụm công nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường làm việc, an toàn tại bếp ăn công nhân…

Chia sẻ sau cuộc đối thoại, chị Nguyễn Thị An, Công ty TNHH Smarts Hải Hậu bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng dưới chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự quan tâm, sát cánh của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNLĐ, những khó khăn, vướng mắc của NLĐ sẽ được xử lý, tháo gỡ. Chị Nguyễn Thị Giang, công nhân làm việc tại Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) chia sẻ niềm xúc động trước sự quan tâm của thành phố trước nhu cầu bức thiết là có một trường mầm non dành cho con em công nhân. Chị Giang kể, chị có hai con nhỏ, trước đây, do trường mầm non công lập trên địa bàn đã quá tải, chị lại chưa nhập hộ khẩu để cho con theo học trường công lập nên đành gửi con ở nhà trẻ tư với chi phí khá cao so với thu nhập. Không “gánh” được chi phí, vợ chồng chị đành mang con về quê nhờ ông bà nội nuôi dưỡng. Mỗi tuần một lần, vợ chồng chị tranh thủ về thăm con vào ngày chủ nhật. “Nhớ con, việc đi lại vất vả, tôi chỉ ước gần chỗ làm có trường mầm non với học phí phù hợp để tôi có thể vừa gửi cháu, vừa yên tâm đi làm”. Mong muốn của chị Giang đã được lãnh đạo thành phố Nam Định lắng nghe, thấu hiểu. Từ năm 2019, UBND phường Mỹ Xá đã cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng học, bếp ăn đạt chuẩn cho Trường Mầm non Mỹ Xá (cơ sở 2), tạo điều kiện cho đông đảo con em công nhân đang làm việc tại Cụm công nghiệp An Xá theo học với mức học phí phù hợp.

Ngoài việc tham mưu tổ chức các hội nghị đối thoại cấp tỉnh, LĐLĐ tỉnh còn chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường tổ chức đối thoại tại cơ sở cũng như hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, hàng năm, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở đã phối hợp tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại giữa Công đoàn, người sử dụng lao động và NLĐ để nắm bắt tư tưởng và giải quyết kịp thời những kiến nghị liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công nhân, viên chức, lao động. Ngay từ đầu năm 2020 toàn tỉnh có 99,6% các đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, 77,7% khối doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, có 234 bản thỏa ước lao động tập thể được sửa đổi, bổ sung và tổ chức ký kết gửi cơ quan quản lý Nhà nước, 95,75% các đơn vị tiến hành bầu mới hoặc kiện toàn ban thanh tra nhân dân. Đa số các đơn vị thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh về tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc với 303 doanh nghiệp xây dựng và ban hành quy chế đối thoại định kỳ; 138 doanh nghiệp tổ chức đối thoại với 231 cuộc đối thoại, trong đó có 5 cuộc đối thoại đột xuất với hình thức phong phú, đa dạng, như: Hội nghị NLĐ, giám đốc doanh nghiệp gặp gỡ công nhân tại xưởng sản xuất để trao đổi thông tin, giải quyết yêu cầu của tập thể NLĐ… Tại đây, những vấn đề NLĐ quan tâm chủ yếu là về việc thực hiện các nội dung trong chế độ tiền lương, thưởng, ăn ca, BHXH, điều kiện làm việc và nhà ở cho CNLĐ…  được đề cập đầy đủ, công khai biện pháp giải quyết./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com