Nhiều giải pháp tăng cường giảm phát thải khí nhà kính

07:11, 30/11/2020

Nam Định là tỉnh ven biển, chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, con người, thể hiện qua hiện tượng bão, lũ, nhiễm mặn, xâm thực, nước biển dâng, tăng số đợt không khí lạnh với mật độ dày hơn, nhiệt độ thấp và có những ngày nắng bất thường với nhiệt độ cao trong thời gian dài. Vì vậy, thời gian qua các ngành, các địa phương của tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK); trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động tiềm ẩn nguy cơ phát thải KNK cao gồm: giao thông, nông nghiệp, xử lý rác thải.

Quản lý việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường là biện pháp Sở Xây dựng tăng cường thực hiện nhằm giảm phát thải khí nhà kính. (Trong ảnh: Thi công xây dựng tuyến tỉnh lộ 487B).
Quản lý việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường là biện pháp Sở Xây dựng tăng cường thực hiện nhằm giảm phát thải khí nhà kính. (Trong ảnh: Thi công xây dựng tuyến tỉnh lộ 487B).

Theo Sở TN và MT, để giảm phát thải KNK trong hoạt động sản xuất công nghiệp của các nhà máy, làng nghề, các ngành chức năng đã yêu cầu, hỗ trợ các cơ sở sử dụng lò hơi đốt than phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường và quan trắc khí thải định kỳ theo quy định; các cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn bắt buộc phải đầu tư hệ thống quan trắc tự động, liên tục. Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Sản xuất nông nghiệp là một trong những ngành thế mạnh chủ lực của tỉnh song cũng là nguồn phát thải KNK lớn. Cụ thể khí CH4 phát sinh từ trồng lúa nước, phân thải của vật nuôi và từ quá trình lên men thức ăn trong dạ dày của động vật nhai lại (trâu, bò); khí CO, CO2 phát sinh từ hoạt động đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Vì vậy, ngành NN và PTNT đã hướng dẫn, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi đầu tư hệ thống hầm biogas xử lý chất thải của gia súc, gia cầm tận dụng khí để phục vụ sinh hoạt; hướng dẫn bà con nông dân tiến hành cày lật ngay tại ruộng giúp giảm tình trạng đốt rơm rạ sau các vụ thu hoạch. Để giảm khí CH4, CO, CO2… trong hoạt động chôn lấp hợp vệ sinh và đốt rác thải, Sở TN và MT đã yêu cầu các địa phương, đơn vị đầu tư hệ thống xử lý khí thải tạo các khu xử lý rác theo quy định. Theo Sở GTVT, để giảm phát thải KNK do sử dụng động cơ đốt cháy nhiên liệu xăng, dầu sinh ra nhiều khí độc hại gây hiệu ứng nhà kính như Hydrocacbon, CO, CO2, NOx... trong sử dụng các phương tiện giao thông, ngành GTVT đã chủ động quy hoạch, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng. Đến nay, đã phát triển các tuyến xe bus từ thành phố Nam Định đến thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) và các huyện nội tỉnh; khuyến khích người dân dần thay đổi chuyển sang sử dụng xăng sinh học thay thế xăng dầu truyền thống để giảm ô nhiễm môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên không tái tạo…

Tuy nhiên, việc giảm phát thải KNK của tỉnh còn nhiều hạn chế, cần lưu tâm trong điều kiện BĐKH ngày càng diễn biến bất thường. Cụ thể: Đối với các cơ sở sản xuất, hộ gia đình trong làng nghề (cơ khí, thực phẩm…) có sử dụng than nhưng việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm khí thải còn hạn chế. Ngoài ra, việc đốt than tổ ong tại các hộ gia đình vẫn còn nhiều, thường tập trung ở những hộ có thu nhập thấp. Trong sản xuất nông nghiệp, hoạt động đốt rơm rạ gần đã giảm nhưng vẫn còn tình trạng sau vụ thu hoạch, nông dân đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng gây phát thải bụi, các khí CO2, CO, NOx, hợp chất Anđêhit, bụi mịn khiến môi trường không khí khu vực nông thôn và thành phố Nam Định bị ô nhiễm cục bộ. Số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều nhưng tỷ lệ đầu tư hầm biogas còn thấp. Ngoài ra, phát thải khí nhà kính còn do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất làm giảm diện tích đất cây xanh, chuyển đất trồng lúa sang công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hoạt động xây dựng các loại công trình với nhiều chất thải gia tăng KNK phát sinh do tiêu thụ nhiều nguyên liệu khi vận hành các thiết bị xây dựng, phương tiện vận chuyển vật liệu; hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng phát sinh bụi lơ lửng, bụi PM10, các khí độc hại SO2, NOx, CO, nước thải, chất thải rắn ô nhiễm môi trường không khí nhưng thời gian qua các ngành, các địa phương còn thiếu kiểm soát. Đặc biệt, trong khi nguồn và lượng chất thải gây tác động KNK ngày một gia tăng thì nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về giảm nhẹ phát thải KNK còn hạn chế.

Trước thực trạng này, ngày 7-10-2020 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 826 /UBND-VP3 yêu cầu các sở, ngành, các địa phương tập trung giải quyết mọi thách thức đặt ra, hướng tới mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với BĐKH theo nội dung Việt Nam cam kết tại đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật cho Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH. Theo đó, các sở, ngành liên quan, các địa phương đã bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, biện pháp giảm phát thải KNK. Trong đó, Sở KH và ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép các cập nhật và triển khai thực hiện nội dung giảm thải KNK cùng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương giai đoạn 2021-2030. Sở Công Thương tiếp tục ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các phân ngành công nghiệp năng lượng, sản xuất công nghiệp, gia dụng và dịch vụ thương mại thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong sản xuất và sử dụng năng lượng; đẩy mạnh hướng dẫn, quản lý việc áp dụng các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, hoá chất và quản lý việc tiêu thụ các chất HFCs. Sở NN và PTNT đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm giúp giảm bớt lượng rơm rạ, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ; thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải và hấp thụ KNK trong quản lý đất rừng, đất trồng trọt, đất ngập nước và các loại đất khác; phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon, bảo tồn đất. Sở Xây dựng phối hợp với các ngành, các địa phương tăng cường công tác kiểm soát bảo vệ môi trường, giảm phát thải KNK trong hoạt động thi công các công trình xây dựng. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK trong sản xuất vật liệu xây dựng. Sở TN và MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về giảm nhẹ phát thải KNK, thích ứng với BĐKH; tăng cường quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn đặc thù nhằm hạn chế phát thải KNK./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com