Gỡ khó cho hợp tác xã kiểu mới

07:07, 06/07/2020

Phát triển kinh tế tập thể, HTX kiểu mới là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn; là phương thức để nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Luật HTX năm 2012 đã tạo bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, giúp các HTX đổi mới bộ máy tổ chức, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, HTX kiểu mới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được tháo gỡ.

Kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng của tỉnh về cơ bản vẫn nằm trong tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, công nghệ lạc hậu. Năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực HTX còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chưa được chú trọng nên sản phẩm làm ra thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Tiềm lực tài chính của HTX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp hạn chế, do vậy chưa đủ khả năng để mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ và phát triển sản xuất, kinh doanh. Không ít HTX kiểu mới vẫn loay hoay với bài toán thiếu quỹ đất và nguồn vốn để mở rộng sản xuất, khó khăn trong việc liên kết, tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Một số HTX hoạt động cầm chừng, sau một năm hoạt động chỉ đủ trang trải các chi phí hoạt động thường xuyên, thu nhập của thành viên và người lao động rất thấp, không trích lập được các quỹ và không có tích luỹ cho kinh tế tập thể. Quá trình chuyển đổi từ HTX cũ sang HTX mới trước đây, do một số nơi nhận thức chưa đầy đủ về bản chất và mô hình HTX kiểu mới, hoạt động không đúng với nguyên tắc, chưa thực sự tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật HTX nên việc chuyển đổi còn mang tính hình thức, chạy theo phong trào dẫn đến nhiều hạn chế cũ chưa được khắc phục lại nảy sinh những mâu thuẫn mới và không xác định được đúng định hướng kinh doanh và chiến lược phát triển.

HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ địa phương.
HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy) tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ địa phương.

Để hỗ trợ các HTX kiểu mới phát triển bền vững, tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho HTX. Xác định HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp của tỉnh, góp phần trực tiếp tạo việc làm nâng cao đời sống người dân nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến khu vực HTX nông, ngư, diêm nghiệp. Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, UBND tỉnh đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới thủ tục cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi giúp các HTX tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Nam Định trực tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: miễn, giảm lãi suất, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ… và khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể. Đối với việc tiếp cận nguồn quỹ của Trung ương, năm 2019, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Quỹ hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam cùng hướng dẫn và thẩm định hồ sơ cho vay từ Quỹ Trung ương với số vốn 8 tỷ đồng để các HTX đầu tư hạ tầng, thiết bị, công nghệ cho phát triển sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX được đẩy mạnh. Riêng giai đoạn 2013-2018, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX với tổng kinh phí hỗ trợ trên 6 tỷ đồng cho 8.860 lượt cán bộ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN và PTNT về kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã đưa 5 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở 5 HTX nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh ta còn có nhiều chính sách hỗ trợ các HTX ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Hàng năm, tỉnh đã bố trí kinh phí từ chương trình khuyến công, khuyến nông, từ quỹ khoa học công nghệ cho nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án hỗ trợ HTX đưa giống mới, công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản; xây dựng mô hình trình diễn tại HTX, hỗ trợ HTX sản xuất lúa lai. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Sở Công thương tổ chức và hỗ trợ các HTX tham gia các gian hàng tại hội chợ xúc tiến thương mại thường niên cho khu vực kinh tế tập thể, HTX toàn quốc tại Hà Nội. Trong khuôn khổ hội chợ, các HTX đã được tham dự các cuộc hội thảo, các diễn đàn kinh tế quốc tế, thiết thực đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh của HTX. Qua đó một số HTX đã phát triển và xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp lớn, gắn sản xuất với xây dựng chuỗi giá trị thông qua các hoạt động này. Năm 2018, tỉnh đã thành lập Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch và Hiệp hội Nông sản tỉnh, hàng năm tổ chức các hội nghị kết nối giữa các HTX nông nghiệp với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất. Đến nay đã có một số HTX đã xây dựng và có thương hiệu sản phẩm như: HTX Nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái (Trực Ninh); HTX Tiến Đạt, xã Hải Triều; HTX Nấm Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu); HTX nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường; HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên); HTX sản xuất chế biến nông sản Giao Thủy, xã Giao Châu (Giao Thủy), trong đó HTX Nấm Linh Phát và HTX nông nghiệp Nam Cường đã giới thiệu thương hiệu và đưa sản phẩm giao dịch tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã có chính sách khuyến khích việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất hàng hóa tập trung. Đây là cơ hội tốt để các HTX nông nghiệp giải quyết bài toán về quỹ đất mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh cùng với hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tích cực tham gia xây dựng chính sách về kinh tế tập thể; thường xuyên tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các HTX với Trung ương, với tỉnh và các cơ quan có liên quan. Tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX của tỉnh; tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện Luật HTX, các chính sách pháp luật liên quan tới kinh tế HTX; tư vấn hỗ trợ thành lập HTX; tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ, phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh cho cán bộ và thành viên HTX; phối hợp theo dõi, nắm bắt kết quả hoạt động của các HTX.

Với việc tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho các HTX kiểu mới về nguồn vốn, nhân lực, quỹ đất, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, góp phần để các HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com