Kho bạc Nhà Nước Nam Định tập trung cải cách hành chính theo hướng chuyển đổi số

07:06, 24/06/2020

Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Chính phủ đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Kho bạc Nhà nước (KBNN) là đơn vị trực tiếp và thường xuyên giao dịch với các cơ quan, tổ chức của bộ máy hệ thống chính trị và cá nhân thì nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, tập trung nguồn thu, thanh toán kiểm soát thu, chi ngân sách Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng là yêu cầu ngày càng bức thiết.

Cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuyển đổi số giúp Kho bạc Nhà nước Nam Định giảm lượng khách giao dịch tại quầy, thúc đẩy mạnh mẽ nền hành chính công điện tử.
Cải cách thủ tục hành chính theo hướng chuyển đổi số giúp Kho bạc Nhà nước Nam Định giảm lượng khách giao dịch tại quầy, thúc đẩy mạnh mẽ nền hành chính công điện tử.

Để hiện thực hoá mục tiêu chiến lược phát triển Kho bạc điện tử đến năm 2030, thời gian qua, KBNN Nam Định đã không ngừng rà soát, cải cách hành chính, bỏ bớt các thủ tục rườm rà, tránh gây phiền hà, sách nhiễu khách hàng; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá các quy trình quản lý thu chi ngân sách Nhà nước. Từ đầu năm 2020 đến nay, KBNN Nam Định đã rà soát triển khai một thủ tục hành chính mới, thay thế 10 thủ tục và bãi bỏ 3 thủ tục hành chính cũ, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho các đơn vị đến giao dịch. Đối với khách giao dịch, KBNN tiên phong tổ chức bộ máy tinh gọn, thống nhất đầu mối kiểm soát chi, thực hiện “một cửa, một cán bộ” trong kiểm soát chi ngân sách Nhà nước; quy trình và thời gian giải quyết hồ sơ được thực hiện đúng, đủ theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân đến giao dịch. Các thủ tục liên quan đến quá trình giải quyết hồ sơ đều được niêm yết công khai và cập nhật thường xuyên tại nơi giao dịch. Qua khảo sát và lấy ý kiến đóng góp bằng phiếu cho kết quả tỷ lệ khách hàng hài lòng đối với việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và chất lượng phục vụ của KBNN ở mức độ cao, chiếm trên 95%.

Nhằm tập trung các khoản thu ngân sách Nhà nước nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, phục vụ khách hàng thuận lợi và phân chia cho các cấp ngân sách đúng tỉ lệ theo quy định; KBNN tỉnh đã triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thu nộp thuế bằng tiền mặt và trao đổi dữ liệu thu nộp ngân sách Nhà nước giữa cơ quan Thuế - Kho bạc - Tài chính. KBNN đã cùng với cơ quan thuế chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách Nhà nước với 5 ngân hàng thương mại cùng địa bàn tại 12 điểm thu trải đều khắp các xã, phường và các điểm đông dân cư, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt. Việc thống nhất và đối chiếu được đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu về thu ngân sách Nhà nước giữa KBNN - cơ quan Thuế, hải quan - ngân hàng thương mại đã khắc phục được cơ bản tình trạng chứng từ thu ngân sách Nhà nước chuyển từ ngân hàng về KBNN và cơ quan Thuế bị thiếu/hoặc sai thông tin. Qua đó, giúp cơ quan Thuế theo dõi tình trạng thu, nộp (tính thuế, đốc thuế…) và việc hạch toán thu ngân sách Nhà nước của KBNN được nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Thông qua việc tổ chức phối hợp thu ngân sách đã góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công nói riêng và trong nền kinh tế nói chung; đồng thời, việc thu, nộp ngân sách Nhà nước đã được phát triển hiện đại hơn, nộp trực tiếp vào tài khoản của KBNN tại ngân hàng, tiến tới toàn bộ các khoản thu ngân sách Nhà nước đều được nộp bằng chuyển khoản qua ngân hàng.

Đối với công tác chi ngân sách, KBNN Nam Định đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến tới các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước. Các khoản chi ngân sách Nhà nước được giao dịch qua dịch vụ công đã đem lại nhiều lợi ích như hạn chế việc đi lại của khách hàng, rút ngắn thời gian thanh toán. Các khoản thanh toán được phê duyệt bằng chữ ký số có tính bảo mật cao, đem lại sự an toàn trong khâu kiểm soát, thanh toán góp phần hạn chế rủi ro, được các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước tích cực hưởng ứng tham gia. Nhất là trong dịp dịch bệnh COVID-19 vừa qua, khách hàng giao dịch chỉ cần gửi hồ sơ đến KBNN để thanh toán kịp thời các khoản chi ngân sách Nhà nước trực tuyến. Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến cũng hỗ trợ KBNN kiểm soát các khoản chi bằng tiền mặt nhằm giảm dần tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN; đồng thời mở rộng thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. 5 tháng đầu năm 2020, KBNN Nam Định đã tập trung triển khai chi trả cho công tác phòng chống dịch COVID-19; các khoản chi đảm bảo an sinh xã hội, trợ cấp người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội và chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh. Hiện tại, KBNN đang triển khai phủ sóng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đến các đơn vị xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số 1.208 đơn vị thuộc đối tượng tham gia. Đến nay đã có 1.200 đơn vị triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, chỉ còn một số địa phương như: Thị trấn Cổ Lễ, Trung Đông, Trực Hùng, Trực Hưng, Trực Khang, Trực Mỹ, Trực Tuấn (Trực Ninh) chưa tham gia dịch vụ công do chờ kiện toàn chức danh chủ tịch UBND xã. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, KBNN Nam Định đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với 4 thủ tục hành chính gồm: Thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước qua Kho bạc; thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua Kho bạc; thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước; thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp. 

Để đạt được mục tiêu trong năm 2020 có 100% các đơn vị xã, phường, thị trấn triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, Kho bạc sẽ tiếp tục tập huấn và hướng dẫn trực tiếp cho các đơn vị bằng văn bản, video hướng dẫn, ứng dụng powerpoint, thường xuyên cập nhật các khó khăn vướng mắc phản ánh với Bộ Tài chính để kịp thời giải đáp khó khăn của từng đơn vị cũng như của toàn hệ thống. Phối hợp với các UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, con người để lắp đặt hệ thống đường truyền kết nối internet, máy tính, máy scan… Các chủ tài khoản, kế toán trưởng và người được uỷ quyền theo danh sách đăng ký mở tài khoản tại Kho bạc làm thủ tục đề nghị cấp chứng thư số để đăng ký và ký số trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN Nam Định. Tiến tới hiện đại hoá quy trình nghiệp vụ và xây dựng cơ quan văn minh, văn hoá nghề kho bạc tăng cường cải cách hành chính, KBNN Nam Định tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ, các kiến thức về lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ; nâng cao tính chuyên nghiệp và trình độ quản lý tiên tiến của đội ngũ cán bộ, công chức. Với chiến lược bài bản, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt hệ thống, chắc chắn KBNN Nam Định sẽ hoàn thành sớm mục tiêu trở thành Kho bạc điện tử vào năm 2030./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com