Chủ động giảm thiểu tác động của thiên tai đối với hệ thống đê, kè biển

07:06, 24/06/2020

Với hệ thống đê biển dài 91km, việc đảm bảo an toàn hệ thống đê, kè, cống trên tuyến đê biển trong mùa mưa bão luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Việc tìm giải pháp để giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan lên tuyến đê biển đang được ngành chức năng, các địa phương ven biển đặc biệt quan tâm, góp phần bảo đảm an toàn đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân sẽ góp phần bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè biển (ảnh trên); Thiên tai làm sạt, sập mái kè, tường kè, đường giao thông tuyến kè Sinh Thái, huyện Nghĩa Hưng (ảnh bên).
Nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân sẽ góp phần bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè biển.

Trong 91km đê biển thuộc 3 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng có trên 50km đê đi qua khu vực nền cát, đất đắp đê là cát và cát pha; khoảng 45km đê trực diện với biển, mái kè thường xuyên chịu tác động của thủy triều và bị bào mòn bởi các đợt sóng dâng cao do triều cường, gió mạnh, áp thấp nhiệt đới và bão; phía trong đồng là thùng đào, đê thường xuyên chịu tác động gây hại của các hình thái thời tiết trên biển. Phần lớn bờ biển của tỉnh thuộc vùng biển lấn, bãi thoái nghiêm trọng… Trên tuyến đê biển huyện Giao Thủy, nền và thân đê từ K2,50-K31,161 có rất nhiều ao, đầm sát chân đê; mái đê phía biển thuộc khu vực các xã Giao Hương, Giao Thiện bị sạt lở do ảnh hưởng của bão số 10 và áp thấp nhiệt đới năm 2017; toàn tuyến có 14 cống, trong đó cống Hoành Lộ đã xuống cấp cần được sửa chữa. Trên tuyến đê biển huyện Hải Hậu có 34 mỏ kè thì ở 4 mỏ kè thuộc tuyến kè Hải Thịnh II, thân mỏ bị mất ổn định, cánh mỏ bị sụt lún cần được tu sửa; 4 mỏ kè Trùng Tu bằng đá lát khan xây dựng từ lâu, hiện nay đã bị hủy liệt; cống 1-5 đã xuống cấp nặng cần được xây mới. Nền và thân đê biển thuộc huyện Nghĩa Hưng do ảnh hưởng của mưa bão đã làm sạt trượt một số đoạn; kè Nghĩa Thắng đoạn từ K7,825-K7,845 cấu tạo bằng đá xây đang bị bong xô; kè Nghĩa Phúc đoạn từ K8,920-K9 thủy triều đã gây sạt lở, hạ thấp cao trình bãi lấn gần chân đê. Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, năm nay toàn tuyến đê biển của tỉnh có 6 vị trí xung yếu được xác định là trọng điểm chống lụt, bão cấp huyện, đó là: Cống 1-5, kè Cồn Tròn, kè Hải Thịnh III (Hải Hậu); cống Thanh Hương, đê biển xã Nghĩa Hải và đê, kè, cống Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). Những năm gần đây, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành và phát triển trên Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn nhưng cường độ mạnh hơn, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng, rõ rệt hơn đến sự an toàn tuyến đê biển của tỉnh. Năm 2019, bão số 2, 3, 4 kết hợp triều cường đã làm sập mái kè Hải Thịnh II, Hải Thịnh III, sạt sập mái kè Cồn Tròn, mỏ kè số 5; gây sạt sập tại nhiều vị trí mái kè bãi tắm Quất Lâm… Các đợt triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh, sóng lớn làm sạt lở mái kè bảo vệ khu vực chứng tích biến đổi khí hậu nhà thờ đổ xã Hải Lý; đánh sập toàn bộ tấm bê tông cơ, mái kè và cuốn trôi một số cấu kiện bê tông trên tuyến đê biển Hải Hậu; làm sạt sập và phá hủy toàn bộ tường kè, đường giao thông tuyến kè sinh thái huyện Nghĩa Hưng với tổng chiều dài trên 300m…

Thiên tai làm sạt, sập mái kè, tường kè, đường giao thông tuyến kè Sinh Thái, huyện Nghĩa Hưng.
Thiên tai làm sạt, sập mái kè, tường kè, đường giao thông tuyến kè Sinh Thái, huyện Nghĩa Hưng.

Năm 2020 tỉnh đã ban hành Chỉ thị mới xác định phòng chống, giảm thiểu tác động của thiên tai đối với tuyến đê biển, qua đó giảm thiệt hại cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Các ngành chức năng của tỉnh cần tích cực phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, nhất là các xã, thị trấn khu vực ven biển, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh, huyện về bảo đảm an toàn tuyến đê biển; tăng cường thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ các tuyến đê, kè biển. Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành; chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện phương án PCTT và bảo vệ toàn tuyến đê biển phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao. UBND các huyện ven biển tổ chức giao án phận đê cho các xã, thị trấn; chỉ đạo tổng kiểm tra đánh giá chất lượng đê, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê biển để xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp và hộ đê toàn tuyến đối với từng tuyến đê, từng khu vực, vị trí trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn, chấn chỉnh, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng quản lý đê nhân dân bảo đảm hoạt động hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê theo phương án và kế hoạch được duyệt. Tổ chức tập huấn, diễn tập phương án hộ đê, kiểm tra việc chuẩn bị vật tư, lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, chỉ huy và thông tin hai chiều để bổ khuyết kịp thời những thiếu sót, tồn tại. Phổ biến kinh nghiệm, bổ túc nâng cao kiến thức về phòng, chống và bảo vệ an toàn đê biển cho lực lượng làm công tác PCTT và TKCN. UBND các cấp và các sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, chủ động triển khai các biện pháp thực hiện và phối hợp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê và phương án chống tràn trong điều kiện có bão, siêu bão, áp thấp nhiệt đới. Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác đê theo cấp báo động thiên tai để phát hiện và xử lý kịp thời sự cố ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho đê, kè, cống; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi công trình xảy ra sự cố. Phát quang mái đê, chân đê trong phạm vi bảo vệ đê điều để phục vụ công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý sự cố trên đê trong mùa mưa lũ. Về lâu dài cần tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng rừng ngập mặn để giảm thiểu tác động của gió, sóng, triều cường lên hệ thống đê, kè biển; có những nghiên cứu, phân tích, đánh giá chuyên sâu để đưa ra các giải pháp căn cơ, phù hợp bảo đảm an toàn hệ thống đê biển. Lắp đặt thêm các thiết bị giám sát đê, kè; các trạm khí tượng, thủy văn để đo mưa, gió, độ mặn, mực nước để phục vụ công tác dự báo thiên tai chính xác, kịp thời đáp ứng công tác lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, khắc phục sự cố khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Triển khai các biện pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực của thiên tai lên hệ thống đê biển cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt để bảo đảm an toàn cho cả hệ thống, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com