Cơ cấu lại ngành kinh tế dịch vụ theo hướng hiện đại

07:06, 22/06/2020

Thời gian qua, tỉnh đã định hướng tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như công nghệ thông tin, truyền thông, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử. Mạng lưới thương mại và dịch vụ nhờ đó đã từng bước phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngành dịch vụ vẫn chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Các ngành dịch vụ mang tính “động lực” hay “huyết mạch”, có hàm lượng tri thức cao như: Tài chính - tín dụng, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế… còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GDP của nền kinh tế, phản ánh chất lượng tăng trưởng không cao.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để nâng cao giá trị gia tăng, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. UBND tỉnh lưu ý tập trung thu hút các nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh làm nền tảng tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển; Nâng cao chất lượng quy hoạch, chú trọng nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng của khu vực dịch vụ như công nghệ thông tin - truyền thông, giáo dục, y tế, logistics và vận tải, tài chính - ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vận hành và phát triển các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh, khu vực và cả nước.

Công ty TNHH một thành viên Dệt may Phương Lan, xã Yên Trị (Ý Yên) ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công việc.
Công ty TNHH một thành viên Dệt may Phương Lan, xã Yên Trị (Ý Yên) ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành công việc.

Để nhiệm vụ cơ cấu lại ngành dịch vụ đạt kết quả cao, các ngành, các địa phương phải chủ động tạo lập môi trường chung cho phát triển các ngành dịch vụ bằng các biện pháp: Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển tổng thể khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020; đẩy mạnh hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong gia nhập thị trường, phát triển sản xuất, kinh doanh; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới, cải tiến chất lượng và cách thức cung cấp các dịch vụ truyền thống, nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành dịch vụ để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện...

 Trong đó, lĩnh vực Tài chính, ngân hàng đẩy mạnh phát triển phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; Chú trọng phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đảm bảo nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trên cơ sở hiệu quả, an toàn, bảo mật; Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn dưới 3%. Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông tập trung ưu tiên phát triển, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, sức cạnh tranh, sáng tạo. Trong đó: phát triển dịch vụ bưu chính để làm hạ tầng chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử với mục tiêu tăng trưởng bình quân 30%/năm; phát triển dịch vụ viễn thông để làm hạ tầng kết nối cho nền kinh tế số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa hệ thống phân phối, đảm bảo sự cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và các kênh phân phối truyền thống; huy động nguồn lực để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống chợ, tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào tiêu thụ sản phẩm, tích cực triển khai quy trình bán hàng kết hợp với thanh toán trực tuyến, kết nối với các nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Đến năm 2025, tăng tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đạt khoảng 35%; tổng giá trị hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trên 4,0 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 đạt 12%/năm. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo và lao động, phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; tăng cường chất lượng giáo dục phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; hoàn thiện thể chế, đổi mới hệ thống quản lý nhà trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; hội nhập quốc tế về giáo dục. Phấn đấu đến năm 2025, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; bình quân hàng năm đào tạo nghề nghiệp cho khoảng 35 nghìn người, ít nhất 85% người học nghề có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Đối với lĩnh vực logistics và vận tải chú trọng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông (bao gồm: đường cao tốc, cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường sông) nhằm mục tiêu gắn kết giao thông vận tải trong sản xuất và lưu thông phân phối hàng hóa. Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics như các nền tảng giao dịch dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải hành khách, blockchain.. để đón đầu các xu thế mới của thị trường logistics quốc tế hướng tới phát triển logistics xanh, logistics thông minh. Đến năm 2025, phấn đấu đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành của vận tải hàng hóa là 8%/năm, vận tài hành khách là 5%/năm. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển một số ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách, thân thiện với môi trường, có tác động lan tỏa, xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất; Tích cực nghiên cứu làm chủ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm thương hiệu Việt Nam. Đến năm 2025, thông qua yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của hoạt động khoa học công nghệ đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học công nghệ tăng trung bình 20%/năm. Đối với lĩnh vực du lịch, khuyến khích khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương theo hướng liên kết vùng, gắn kết với các địa phương trong cả nước và khu vực; Phát triển các trung tâm vui chơi, giải trí để khai thác những điều kiện, lợi thế về cảnh quan, sinh thái, các giá trị văn hoá, tâm linh. Đến năm 2025 thu hút khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa, tổng thu nhập du lịch đạt khoảng 1.234 tỷ đồng. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở y tế với các trang thiết bị hiện đại để thực hiện việc tiếp nhận, chuyển giao các kỹ thuật y tế mới, kỹ thuật y tế chuyên sâu giữa các tuyến y tế từ Trung ương đến tỉnh, huyện, cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao; Chú trọng phát triển mạng lưới y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh lớn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế - dân số. Phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 31 giường bệnh và 10 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; Tỷ lệ chi tiêu tiền túi của hộ gia đình giảm còn 35% tổng chi cho y tế. Tỉnh phấn đấu, tốc độ tăng bình quân giá trị các ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) giai đoạn 2021-2025 khoảng 9%/năm; đến năm 2025 tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP (giá hiện hành) chiếm khoảng 38%. Tỷ trọng lao động các ngành dịch vụ qua đào tạo có chứng chỉ đến năm 2020 đạt khoảng 30%, đến năm 2025 đạt khoảng 40%./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com