Tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

07:06, 06/06/2013

Trong chương trình phòng chống HIV/AIDS, công tác thông tin giáo dục truyền thông là một trong những hoạt động then chốt, góp phần ngăn chặn kiểm soát tốt và giảm đến mức thấp nhất số người nhiễm HIV/AIDS.

Những năm qua, ngành Y tế đã cùng các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai các chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư và nhóm hành vi nguy cơ cao tại 10 huyện, thành phố. Các hình thức thông tin bao gồm: thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, tư vấn trực tiếp cho các đối tượng nghiện chất ma tuý (NCMT), người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, người nhiễm HIV, gia đình người nhiễm HIV, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các nhóm nguy cơ khác với số lượt người được truyền thông trên 300 nghìn lượt người mỗi năm; truyền thông qua các hoạt động của phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS ở cộng đồng dân cư”; trên các phương tiện thông tin đại chúng truyền thông lưu động, biểu diễn văn hóa văn nghệ, pa-nô, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp… Hoạt động thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi đã và đang được triển khai trên diện rộng, góp phần cung cấp thông tin và nâng cao hiểu biết của nhân dân, đặc biệt nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao song song với việc xây dựng các mô hình truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong năm 2012, đã truyền thông cho 135.384 lượt người NCMT, 21.542 lượt người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, 24.995 lượt người bị nhiễm HIV, 23.675 lượt người trong gia đình người nhiễm HIV, 47.455 lượt người thuộc nhóm di biến động, 71.395 lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 76.953 lượt người thuộc nhóm từ 15-24 tuổi. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2013 đã truyền thông cho 105.492 lượt người thuộc các đối tượng. Bên cạnh đó, ngành Y tế còn phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh Đoàn Thanh niên… tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS. Sở Y tế, Sở VH, TT và DL và Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” với các hoạt động như tiếp cận truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, tổ dân phố, cụm dân cư. Đến nay, phong trào được triển khai tại 80 khu dân cư, với 80 nhóm nòng cốt được hình thành ở 40 xã, phường tại 10 huyện, thành phố với 433 thành viên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến HIV/AIDS. Qua hoạt động của nhóm nòng cốt, đến nay đã có 1.900 hộ gia đình ký cam kết tham gia phong trào, 20.926 lượt người được tiếp cận truyền thông trực tiếp và 3.567 tờ rơi được phát, đã tổ chức 12 buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Bên cạnh đó, việc tổ chức lựa chọn địa bàn xây dựng mô hình điểm cũng được triển khai nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và huy động sự tham gia của người dân, đặc biệt là sự tham gia của người nhiễm HIV, người NCMT, người bán dâm và người di biến động vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Vào tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh nhằm cung cấp các thông tin rộng rãi về cách dự phòng lây nhiễm HIV, quảng bá các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT), phòng khám ngoại trú tới cộng đồng dân cư. Cùng với các hoạt động truyền thông, ngành Y tế tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các xã, phường trọng điểm. Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã được tiếp nhận, sản xuất và cấp phát hàng vạn tờ rơi, tờ gấp, áp phích, hàng trăm pa-nô, băng rôn, băng đĩa truyền thông; mỗi năm cung cấp 3.000 tạp chí “AIDS và cộng đồng” cho các xã, phường, các ban, ngành trên toàn tỉnh. Riêng năm 2012, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã xuất bản và cấp phát 175 nghìn tờ rơi, tranh gấp, 2.000 áp phích, 14 pa-nô, 75 nghìn cuốn sách mỏng, sách nhỏ và gần 4.000 tài liệu khác phục vụ công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS.

 Tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS. (ảnh minh họa/Internet).
Tuyên truyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS. (ảnh minh họa/Internet).

Hoạt động truyền thông trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đã giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ về nguy cơ, sự lan truyền của HIV, để có các biện pháp phòng chống HIV/AIDS và duy trì các hành vi an toàn. Qua nghiên cứu về kiến thức, thái độ thực hành của người dân ở độ tuổi 15-49 tuổi về phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cho thấy: gần 60% người dân hiểu biết đúng và đầy đủ về HIV; 46,8% hiểu đúng cả 3 đường lây truyền HIV từ mẹ sang con; 60,5% biết có thuốc điều trị cho mẹ nhiễm HIV để giảm lây truyền HIV cho con; 83,1% biết có thuốc điều trị đặc hiệu cho người nhiễm HIV/AIDS; 96,7% người dân sẵn sàng chăm sóc thành viên trong gia đình bị nhiễm HIV. Tuy nhiên chỉ có 38,4% người dân có thái độ tích cực với người nhiễm HIV. Nghiên cứu trên nhóm NCMT tại 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh và Xuân Trường cho thấy: tỷ lệ người dân có kiến thức đúng về cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS tăng từ 37,8% năm 2007 lên gần 60% năm 2013; tỷ lệ nhận biết được các dấu hiệu, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục tăng từ 21,9% năm 2007 lên trên 60%. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2013, đã có trên 64 nghìn người có nguy cơ cao được tiếp cận truyền thông tư vấn; 2.077 người được tư vấn tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí; 39 bệnh nhân mới được điều trị thuốc kháng vi rút ARV, nâng tổng số bệnh nhân đang điều trị ARV lên là 1.012 người; 191.503 bơm kim tiêm và 28.801 BCS đã được cấp phát miễn phí tới nhóm người có nguy cơ cao.

Trong kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 của tỉnh đặt mục tiêu: “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”. Để đạt được mục tiêu trên,  cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông để mọi người dân hiểu rõ về tác hại bệnh HIV, từ đó điều chỉnh hành vi và biết cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm; biết cách chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS. Bên cạnh đó, nâng cao giáo dục truyền thông góp phần thay đổi hành vi cá nhân, xã hội, không còn kỳ thị với người bệnh; bảo đảm các đối tượng nghiện ma túy, hoạt động mại dâm cũng ý thức hơn trong việc sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để cùng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com