Những mô hình “thư viện” hiệu quả ở Vụ Bản

06:05, 31/05/2013

Những năm qua, hoạt động thư viện và phong trào đọc sách ở huyện Vụ Bản luôn được duy trì và phát triển. Hằng năm, trước kỳ nghỉ hè, Thư viện huyện đều tổ chức sắp xếp lại kho sách, đầu tư bổ sung sách, truyện; tổ chức tuyên truyền trên Đài phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn để thu hút thiếu nhi đến đọc sách. Ngoài thư viện trung tâm, ở các xã, thị trấn đã tổ chức và duy trì hoạt động các tủ sách pháp luật, tủ sách CLB, tủ sách của các làng văn hóa. Nhiều năm qua, xã Minh Tân đã phát huy hiệu quả tủ sách ở làng Hoàng, làng Thượng. Tủ sách làng Thượng được hình thành từ năm 2003 do bác Phạm Sinh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ khởi xướng. Trong quá trình xây dựng làng văn hóa, chi bộ làng Thượng đã đặt ra mục tiêu phải xây dựng được mô hình văn hóa tiêu biểu cho quê hương.

Người cao tuổi làng Thượng, xã Minh Tân đọc sách tại
Người cao tuổi làng Thượng, xã Minh Tân đọc sách tại "Tủ sách dùng chung".

Trước đây, vào mỗi buổi sinh hoạt của CLB cờ tướng thôn, bác Sinh thường mang sách báo của gia đình đến cho mọi người đọc. Nhận thấy nhu cầu đọc tìm hiểu kiến thức của nhân dân trong thôn, bác đã bàn bạc với cán bộ thôn xây dựng tủ sách cho mọi người. Bác Sinh đã chủ động tìm gặp những người có uy tín trong thôn và con em quê hương đang công tác tại các thành phố, đề nghị hỗ trợ sách cho tủ sách của thôn. Nhờ đó, nhiều con em quê hương làng Thượng ở khắp nơi, tiêu biểu như các anh Phạm Văn Liên, Phạm Khải Hoàn đã gửi sách, báo, tạp chí về ủng hộ. Bác Sinh còn đến gặp các cán bộ chủ chốt của xã, đăng ký mượn các loại báo về đọc. Đến nay, tủ sách của làng Thượng đã có hàng chục đầu báo, tạp chí và 200 cuốn sách, trong đó có nhiều cuốn sách hay được nhiều người chọn đọc như: “Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của bà mẹ Nga”, “Miếng da lừa”, “Hồng lâu mộng”, “Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Chữa bệnh bằng cây thuốc nam”... Các cụ cao tuổi của làng đã viết thư mục, phân loại sách theo các thể loại thơ, truyện, sách khoa học, lịch sử, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… để mọi người dễ dàng tra cứu, tìm sách. Tổ phụ trách tủ sách đã duy trì lịch mở cửa phục vụ mọi người đến mượn sách vào các ngày 10 và 20 âm lịch hằng tháng. Mỗi người được mượn 1-2 tập/lần theo nguyện vọng và ký nhận vào sổ theo dõi của tổ phụ trách, đồng thời thực hiện tốt quy định giữ gìn, bảo quản sách. Thư viện thôn Cao Phương, xã Liên Bảo cũng là đơn vị phục vụ tốt nhu cầu đọc sách của nhân dân địa phương. Từ năm 1996, thôn đã có CLB Người cao tuổi sinh hoạt thường xuyên với các hoạt động đọc sách, báo, kể chuyện dân gian, có ngày thu hút 70-80 cụ tham gia. Nắm bắt được nhu cầu của người cao tuổi thích sách, báo, 5 năm nay, thôn đã tổ chức được phòng đọc sách tại nhà văn hóa do ban chủ nhiệm CLB nhà văn hóa quản lý, phục vụ. Hiện thư viện của thôn có khoảng 200 cuốn sách các loại, phù hợp với mọi lứa tuổi. Nguồn sách báo luôn dồi dào do các ông, bà Bùi Văn Tham, Trường Giang, Trần Thị Bàn, Bùi Nam Quỳnh, Đặng Ngọc Minh, Dương Văn Dật… trong hội đồng hương Liên Bảo ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cung cấp cho địa phương. Ngoài ra, hằng năm, thôn đều trích ra từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng từ quỹ của CLB Người cao tuổi hoặc nhà văn hóa để mua sách bổ sung cho thư viện.

Điều ghi nhận ở một số mô hình thư viện tại Vụ Bản đó là tâm huyết, nhiệt tình của những người đứng ra khởi xướng, thành lập và duy trì tủ sách, từ đó dựng dã, phát triển được phong trào đọc sách, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân vùng nông thôn. Bằng việc tích cực đọc và làm theo sách, báo, người dân đã thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com