Nâng cao chất lượng công tác dược trong các cơ sở khám chữa bệnh

07:06, 06/06/2013

Những năm qua, Sở Y tế đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điều trị triển khai các hoạt động công tác dược. Chủ trương cử dược sĩ trung cấp đi đào tạo dược sĩ đại học tại các trường đại học y, dược bước đầu phát huy tác dụng. Đến nay, số dược sĩ đại học về công tác tại các cơ sở điều trị trên địa bàn Thành phố Nam Định đã đáp ứng chỉ tiêu. Tình trạng thiếu cán bộ dược trung cấp tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được giải quyết. Đa số các thủ kho dược có trình độ dược sĩ trung cấp. Từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nhiều cơ sở, khoa dược được nâng cấp, xây dựng khang trang, có đủ trang thiết bị tiêu chuẩn như tủ lạnh, nhiệt kế, ẩm kế, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm để bảo quản thuốc, vắc xin, sinh phẩm.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc chấn chỉnh công tác cung ứng, sử dụng thuốc trong bệnh viện, hằng năm Sở Y tế đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại đơn vị trên cơ sở danh mục thuốc chủ yếu của Bộ Y tế ban hành để lập kế hoạch đấu thầu mua thuốc. Danh mục thuốc chủ yếu của các bệnh viện đã được bổ sung nhiều loại thuốc mới, đáp ứng yêu cầu áp dụng các tiến bộ về thuốc và kỹ thuật vào công tác khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng điều trị. Về cơ bản, thuốc cho yêu cầu phòng và chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh tới trạm y tế xã được đảm bảo kịp thời, đầy đủ. Về triển khai công tác dược lâm sàng, hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, các đơn vị đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ và kịp thời thông tin thuốc mới, những phản ứng có hại của thuốc, thuốc bị đình chỉ lưu hành, tổ chức mạng lưới theo dõi phản ứng có hại của thuốc tới các khoa lâm sàng. Công tác tập huấn kiến thức sử dụng thuốc và điều trị một số bệnh có nhiều tiến bộ. Cùng với việc triển khai Đề án 1816, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa đã có nhiều phương thức để cập nhật thông tin mới về thuốc và phương pháp điều trị tới đội ngũ thầy thuốc, góp phần nâng cao chất lượng điều trị như: Cập nhật thuốc theo chuyên đề, tổ chức bình đơn, bình bệnh án, góp phần sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Qua chỉ đạo triển khai công tác dược ở các cơ sở hành nghề y tư nhân, đa số bệnh viện và các phòng khám đa khoa tư nhân đã có cơ sở dược phục vụ khám và điều trị tại đơn vị.

Nhà thuốc Bệnh viện Nhi tỉnh đã đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) từ năm 2010.
Nhà thuốc Bệnh viện Nhi tỉnh đã đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) từ năm 2010.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, vẫn còn một số tồn tại như: Tình trạng đội ngũ cán bộ dược "vừa thiếu, lại vừa thừa". Một số bệnh viện có số cán bộ dược trung cấp trong biên chế và hợp đồng vượt chỉ tiêu, nhưng lại thiếu cán bộ dược có trình độ đại học để đảm nhận công tác dược lâm sàng. Bên cạnh đó, chính sách hiện hành chưa thu hút được sinh viên tốt nghiệp đại học dược về công tác tại các bệnh viện tuyến huyện. Đa số các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chưa đủ nhân lực để tổ chức hoạt động công tác dược theo Thông tư 22/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định tổ chức và hoạt động công tác dược của khoa dược bệnh viện. Hiện Bệnh viện đa khoa Mỹ Lộc vẫn chưa có dược sĩ đại học. Việc triển khai thực hành tốt nhà thuốc tại các bệnh viện chưa đạt lộ trình Bộ Y tế đề ra do đội ngũ cán bộ làm công tác dược hạn chế về kiến thức nên nhiều đơn vị không thể đề nghị công nhận dù có đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị. Trong 39 kho thuốc được khảo sát, mới có 24 kho có đủ trang thiết bị theo dõi và điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm. Bên cạnh đó, hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị ở một số bệnh viện còn mang tính hình thức, coi đó là nhiệm vụ riêng của khoa dược. Nội dung của công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc nghèo nàn, nhiều năm không có nội dung chuyên sâu về thuốc và kỹ thuật điều trị mới. Hệ thống theo dõi phản ứng có hại của thuốc tại một số đơn vị không hoạt động. Công tác bình đơn, bình bệnh án ở một số đơn vị còn nặng về thủ tục hành chính, chưa đi sâu phân tích về chuyên môn trong dùng thuốc chưa hợp lý, an toàn. Một số cơ sở dược tại đơn vị hành nghề y tư nhân chưa tách biệt giữa thuốc cấp phát BHYT và thuốc bán; một số đơn vị nhập thuốc từ cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc.

Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, Sở Y tế tiến hành rà soát, bồi dưỡng, tuyển dụng xây dựng đội ngũ cán bộ dược đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng để tổ chức biên chế, hoạt động theo Thông tư 22 của Bộ Y tế. Tiếp tục củng cố hội đồng thuốc và điều trị, đơn vị thông tin thuốc để làm tốt công tác dược lâm sàng. Các cơ sở điều trị thực hiện phổ cập các kiến thức cơ bản về dược lâm sàng tới đội ngũ thầy thuốc. Tiếp tục làm tốt công tác theo dõi phản ứng có hại của thuốc, nâng cao chất lượng của công tác bình đơn, bình bệnh án. Trước mắt, trong năm 2013, sẽ mở lớp đào tạo cảnh giác dược cho các bác sỹ, dược sỹ và điều dưỡng, phấn đấu tất cả các đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt công tác theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Xây dựng danh mục, cải thiện phương thức đấu thầu thuốc tân dược và đấu thầu vị thuốc y học cổ truyền, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc có chất lượng với giá cả thống nhất và hợp lý. Các đơn vị khám chữa bệnh củng cố cơ sở vật chất, thiết bị, bồi dưỡng kiến thức về thực hành tốt bảo quản thuốc cho cán bộ, xây dựng các quy trình thao tác chuẩn để báo cáo đề nghị thẩm định, công nhận “Thực hành tốt bảo quản thuốc”. Củng cố hệ thống nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện. Thực hiện tốt việc quản lý về quy chế chuyên môn và giá thuốc tại nhà thuốc, quầy thuốc bệnh viện./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com