Công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý từng bước đi vào nền nếp

07:10, 04/10/2019

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về chiến lược cán bộ trong thời kỳ mới tiếp tục khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và của chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt”. Trong công tác cán bộ thì khâu đánh giá cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khâu mở đầu, trọng yếu, có ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ bởi vì chỉ có nhận xét đánh giá đúng cán bộ thì sẽ lựa chọn đúng cán bộ.

Cán bộ, công chức Phòng Tổ chức - Cán bộ (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) nghiên cứu văn bản liên quan đến công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Thu
Cán bộ, công chức Phòng Tổ chức - Cán bộ (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) nghiên cứu văn bản liên quan đến công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Thu

Xác định việc đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, là việc làm khó, nhạy cảm và có ảnh hưởng đến tất cả các khâu khác của công tác cán bộ do vậy từ nhiều năm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn quan quan đến lĩnh vực này. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, công tác đánh giá, phân loại cán bộ các cấp của tỉnh nói chung, công tác đánh giá, phân loại cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy nói riêng đã có nhiều chuyển biến cả về nhận thức, phương pháp và chất lượng, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục. Căn cứ các quy định, hướng dẫn của Trung ương về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị như Quy định số 132-QĐ/TW ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị; Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 24-9-2018 của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các quy định về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng bộ tiêu chí chấm điểm đánh giá đối với các chức danh cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp quản lý; cụ thể là Quy định số 605-QĐ/TU, Quy định số 606-QĐ/TU ngày 17-11-2017; Quy định số 03-QĐ/TU ngày 15-11-2018. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời xem xét và quyết định gợi ý cụ thể những nội dung cần kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có vấn đề nổi cộm, có dư luận gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân liên quan đến đất đai, đơn thư, khiếu nại, tố cáo; có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ chính và trách nhiệm cá nhân đối với cơ sở mà mình được phân công theo dõi, phụ trách… Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị gợi ý kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân có dấu hiệu vi phạm theo phân cấp quản lý cán bộ.

Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ dựa trên nguyên tắc: Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đánh giá đối với các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh; bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND huyện, thành phố. Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân phải tương đồng với kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tập thể mà cá nhân cán bộ đó là thành viên lãnh đạo. Đề cao vai trò trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các ngành trong các khâu công tác cán bộ nói chung; nhận xét, đánh giá cán bộ nói riêng. Ngoài kiểm điểm đánh giá, phân loại cán bộ hàng năm thì những cán bộ khi được xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, giới thiệu ứng cử đều được cấp uỷ, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị nơi quản lý cán bộ nhận xét, đánh giá một cách công khai, dân chủ, khách quan trước khi đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Quy trình đánh giá cán bộ của tỉnh được quy định cụ thể từng bước, từng đối tượng lấy ý kiến chấm điểm, đánh giá. Cụ thể, bước 1 cán bộ tự kiểm điểm; tự chấm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ. Bước 2, lấy ý kiến chấm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ của các đảng viên trong chi bộ nơi cán bộ công tác và sinh hoạt đảng; lấy ý kiến chấm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng của hội nghị cán bộ chủ chốt. Bước 3, trên cơ sở tổng hợp kết quả tự chấm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ; kết quả chấm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng của chi bộ (hoặc tổ đảng) nơi cán bộ công tác và sinh hoạt đảng; kết quả xếp loại chất lượng đảng viên của tổ chức cơ sở đảng có thẩm quyền; kết quả chấm điểm đánh giá, xếp loại chất lượng của các tập thể, cá nhân có liên quan được xin ý kiến.

Với những phương pháp, giải pháp đồng bộ nêu trên, công tác đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã có nhiều thay đổi, dần đi vào thực chất hơn. Năm 2016, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong số 65 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá có 54/65, bằng 83,07% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 11/65, bằng 16,93% hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2017, trong tổng số 91 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá có 17/91, bằng 18,7% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 72/91, bằng 79,1% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 1/91, bằng 1,1% hoàn thành nhiệm vụ; 1/91, bằng 1,1% xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2018, trong tổng số 89 đồng chí cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đánh giá có 15/89, bằng 16,85% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 71/89, bằng 79,77% hoàn thành tốt nhiệm vụ; 2/89, bằng 2,25% hoàn thành nhiệm vụ; 1/89, bằng 1,13% không hoàn thành nhiệm vụ. Từ kết quả trên cho thấy công tác đánh giá, phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã dần đi vào thực chất hơn. Sau đánh giá, phân loại, trách nhiệm và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý được nâng lên, tinh thần làm việc nhất là trước những việc khó, việc lớn quyết liệt, hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế, chậm được khắc phục. Đó là ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, việc đánh giá vẫn chưa phản ánh đúng thực chất mối quan hệ giữa mức độ hoàn thành chức trách nhiệm vụ của cá nhân với tập thể; chưa gắn việc đánh giá kết quả xếp loại thi đua của chính quyền, đoàn thể với việc đánh giá phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm; còn hiện tượng nể nang, né tránh, chưa nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình. Cấp ủy, lãnh đạo một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời kiểm tra, gợi ý kiểm điểm và kết luận đối với những sai phạm của cấp dưới; chưa chỉ đạo làm tốt quy trình lấy ý kiến tham gia của các cơ quan tham mưu giúp việc, các tổ chức đoàn thể trước khi cấp có thẩm quyền nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý theo phân cấp, vì vậy kết quả đánh giá cán bộ có nơi chưa phản ánh đúng thực chất. Đối tượng xin ý kiến đánh giá tuy được mở rộng nhưng hiệu quả lấy ý kiến còn hạn chế; kết quả đánh giá, phân loại của cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa được công khai rộng để các tổ chức và cá nhân được biết.

Đánh giá và sử dụng cán bộ là hai việc quan trọng của công tác cán bộ. Đánh giá chính xác cán bộ là cơ sở để đào tạo và sử dụng hợp lý cán bộ, tạo ra động lực mạnh mẽ, động viên cán bộ cống hiến sức lực, tài trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đánh giá cán bộ không đúng, không chính xác dẫn đến sử dụng cán bộ một cách tùy tiện, làm mất đi động lực phấn đấu của từng cá nhân, thậm chí có khi làm xáo trộn tâm lý của cả một tập thể, gây nên sự trầm lắng, trì trệ trong công việc. Bởi vậy, đánh giá và sử dụng cán bộ phải được xem xét, thực hiện thống nhất trên nền tảng những quan điểm và phương pháp đúng đắn, khoa học. Trong thời gian tới, nếu khắc phục được những hạn chế, tồn tại và thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất định công tác đánh giá cán bộ của tỉnh sẽ ngày càng đi vào thực chất hơn, đúng với chính họ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Phòng Tổ chức - Cán bộ
(Ban Tổ chức Tỉnh ủy)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com