Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 17)

06:01, 08/01/2019

 

Hồng Long

(tiếp theo)

Nhưng không phải ai cũng có thể hoạt động lý luận, đề xuất ra được lý luận cách mạng, sẵn có trí thông minh và năng khiếu, lại có điều kiện học đến Cao đẳng Thương mại, Trường Chinh sớm phát huy được năng khiếu lý luận, say mê nghiên cứu lý luận và hoạt động lý luận. Năm 21 tuổi (1928), Trường Chinh đã làm chủ bút tờ báo Dân Cày ở Nam Định. Sau khi ra tù và hoạt động bán công khai ông đã làm chủ bút tờ báo Lao Động (Le Travail), viết nhiều bài báo có tiếng. Năm 1935, Trường Chinh viết Chống chủ nghĩa cải lương, năm 1937 - 1938 viết chung với Võ Nguyên Giáp cuốn sách Vấn đề dân cày. Như thế, chỉ có là người cách mạng chân chính mới có thể làm lý luận cách mạng được. Chính vì vậy, khi nói về đức độ của Trường Chinh về hoạt động lý luận, trước hết đó là cái tâm, cái bản chất của người cách mạng, người cộng sản.

Từ đức độ tôi luyện lên bản tính của người cộng sản kiên định ở vị trí đứng đầu của Đảng Cộng sản, của tổ chức cách mạng, nung nấu trong chiều sâu của tâm hồn và hiểu biết về cách mạng, về chủ nghĩa cộng sản ở thời điểm đổi thay lịch sử quan trọng của đất nước và dân tộc, Trường Chinh có những tính cách đặc thù làm nên sức mạnh của tư duy và hoạt động lý luận trong hoạt động thực tiễn.

 

Thứ nhất, ông là con người mẫu mực về tổ chức và ý thức tổ chức, luôn luôn rèn rũa và nhắc nhở những người làm việc với ông phải tôn trọng tổ chức, suy nghĩ và hoạt động trong tổ chức, theo tổ chức và có tổ chức. Khi là Tổng Bí thư, người đứng đầu của Đảng, của các tổ chức cách mạng, Trường Chinh không bao giờ cho phép mình tùy tiện mà trái lại, luôn luôn khẳng định vị trí quyết đoán của mình từ chính sự tôn trọng tổ chức, bàn bạc, tham khảo ý kiến của các thành viên của tổ chức. Ông thường nói, càng ở vị trí cao, quyết định chỉ có thể có sức mạnh làm nên những biến động xã hội khi nó thực sự là quyết định của tổ chức. Khi không giữ vị trí Tổng Bí thư mà chỉ với vị trí uỷ viên Bộ Chính trị, ông luôn luôn tôn trọng Tổng Bí thư, bảo vệ sự thống nhất, nhất trí của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương, bộ não của toàn Đảng, của các tổ chức cách mạng.

Thứ hai, ông luôn luôn nhắc nhở lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Không thể là lý luận suông, luôn luôn theo dõi tin tức thời sự để từ đó tìm ra những sự kiện tác động đến toàn cục, và đặc biệt luôn luôn cụ thể. Ngay từ tuổi trẻ, ông đã gắn liền những suy nghĩ tìm tòi của mình với cuộc sống cụ thể của nông dân, của người lao động. Được học hỏi và có hiểu biết, tiếp thu truyền thống yêu nước và trí tuệ Đông Tây, tiếp cận với Nguyễn Ái Quốc, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, Trường Chinh tìm thấy vũ khí lý luận trong hoạt động cách mạng của mình, không phải như những sáo ngữ mà là những lẽ phải cách mạng và hoạt động cách mạng, những tình cảm và cuộc sống cao đẹp của tâm hồn cách mạng. Từ đó, ông truyền cảm những hiểu biết ấy như những lẽ phải cụ thể của cuộc sống. Ông nói: "Học thuyết Mác là một khoa học. Nó giúp cho các chiến sĩ văn hóa hiểu biết được những quy luật khách quan cai quản vũ trụ và xã hội, thấu suốt được lẽ tiến hóa của vũ trụ và xã hội. Nó giúp cho người ta một phương pháp vô cùng mầu nhiệm để tìm tòi và hiểu biết sự vật và con người. Nó làm cho thiên tài phát triển mạnh. Học thuyết Mác mà những thiên tài trên thế giới hiện nay đã công nhận là đúng và tự hào được làm môn đệ. Học thuyết ấy đang hướng dẫn cả loài người cần lao và tiến bộ phấn đấu cho một ngày mai tươi sáng hơn". Ông còn nói: "Chủ nghĩa Mác - Lênin vũ trang cho ta thế giới quan cách mạng, làm cho ta "sáng mắt sáng lòng", giúp cho ta tìm ra lý tưởng của đời mình, mục đích của cuộc sống. Nó giúp ta nắm được quy luật phát triển của tự nhiên, của xã hội và của tư duy. Nó đặt ta vào trung tâm của cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập của những mâu thuẫn để ta nhìn thấy mọi khía cạnh của sự vật, nhìn thấy chân lý. Nó giúp ta nắm được cái bản chất nhất và nổi bật nhất trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Chủ nghĩa Mác - Lênin không làm cho trái tim của ta trở nên cằn cỗi, hết rung động trước cái hay, cái đẹp như có người lầm tưởng; trái lại nó làm cho ta tha thiết yêu cuộc sống, tha thiết yêu con người, nó nâng cao tâm hồn chúng ta, chắp cánh cho chúng ta mơ ước; nó nhen trong lòng chúng ta ngọn lửa bất diệt của lý tưởng cộng sản chủ nghĩa vĩ đại".

Thứ ba, ông luôn nhắc những cán bộ lý luận: làm lý luận không nên tròn như hòn bi, bởi cuộc sống luôn gai góc và không bằng phẳng. Đồng thời, nói lẽ phải lại phải luôn nhìn thấy những mặt trái, ngang ngửa và phải đấu tranh, phê phán những sai trái. Có thế mới làm cho lý luận thật sự đi với cuộc sống.

Trong hoạt động lý luận, tư duy, nói và viết, tuy mỗi lĩnh vực đều là một chuyên ngành riêng, có nội dung, quá trình rèn luyện và hình thành riêng biệt song lại thống nhất với nhau và hỗ trợ cho nhau tạo nên sức mạnh của lý luận. Ở Trường Chinh, trong quá trình hoạt động của ông, đó là ba lĩnh vực thống nhất và có cái đặc sắc riêng là rành mạch, rõ ràng với văn phong mẫu mực trong hoạt động lý luận mà ông tự rèn luyện mình từ khi còn ở trên ghế nhà trường và thường nhắc nhở những người cộng sự với ông là suy nghĩ, nói và viết phải luôn luôn mạch lạc, chặt chẽ.

Ông đã viết: "Hãy gây một phong trào làm trong sáng lời và văn của chúng ta". Trong "Mười bảy điều tự răn trong khi viết văn", ông nhắc mọi người: không dùng một chữ thừa, trừ trường hợp cố ý nhắc đi nhắc lại để nhấn mạnh, không viết một câu mà người đọc có thể hiểu lầm hoặc hiểu làm hai cách; không làm cho văn của ta và lời nói của nhân dân xa cách nhau.

Làm đề cương để giảng bài ở lớp đào tạo cán bộ làm báo của Mặt trận dân tộc thống nhất (6-1949), ông viết: "Khi viết xã luận nên để tất cả tâm hồn say sưa, để tất cả nhiệt tình và tư tưởng vào bài viết. Có thể bài xã luận mới cảm được người đọc, không những cảm về lý trí mà cả về mặt tình cảm nữa. Văn xã luận của ta phải kết hợp được sự phân tích khoa học với nhiệt tình cách mạng cao".

Tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), ông trình bày ở Đại hội bản Báo cáo chính trị đầy tâm huyết về sức vươn lên của đất nước, dân tộc, của toàn Đảng, toàn dân trước những khó khăn từ chính những hạn chế về hiểu biết, về nhận thức có tính lịch sử của Đảng, của tổ chức, của bản thân mình, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế. Cũng tại Đại hội Đảng lần thứ VI, ông đề nghị cho được "làm công việc nhẹ, vì tuổi cao, sức yếu".

Năm 1988, ông thanh thản ra đi, bằng lòng "vì Đảng ta có lực lượng cán bộ đông đảo, có nhiều đồng chí đủ đức, đủ tài đảm nhiệm trọng trách của Đảng và Nhà nước", "vì Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ - trí tuệ và năng lực sáng tạo của Đảng ta là của tập thể".

Ông ra đi, để lại cho đất nước, dân tộc, cho Đảng Cộng sản, cho nhiều thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau cả một sự nghiệp tổ chức toàn Đảng, toàn dân tộc đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, để lại trong kho tàng lịch sử trí tuệ Việt Nam những đóng góp trí tuệ sáng chói sinh ra từ chính tâm đức sâu lắng của đời ông vì dân, vì nước, vì quần chúng cần lao quyết đứng lên giành quyền làm chủ của mình, vì độc lập và chủ nghĩa xã hội./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com