Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 14)

06:12, 27/12/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Tháng 6-1985, Hội nghị Trung ương tám (Khóa V) bàn chuyên về giá - lương - tiền, đã đưa ra quyết định phải dứt khoát xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa mà khâu đột phá là xóa bao cấp qua giá và lương, thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa. Sau Hội nghị Trung ương tám, với kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia, ta đã tiến hành đợt điều chỉnh giá - lương - tiền lần thứ hai, thực hiện Nghị quyết Trung ương tám về chế độ một giá, song vẫn là giá thống nhất do Nhà nước quy định. Trên cơ sở giá thống nhất như thế, việc thực hiện chế độ lương mới trong một thời gian ngắn đã thúc đẩy việc biến động lớn về giá, tạo ra cú sốc lớn trong hoạt động kinh tế và đời sống toàn xã hội, gây đảo lộn lớn trong đời sống kinh tế - xã hội.

Đồng chí Trường Chinh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986.
Đồng chí Trường Chinh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, tháng 12-1986.

Trong tình hình khó khăn với những biến động lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, vẫn phải xúc tiến việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ VI. Bộ Chính trị cho công bố Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội. Bản Dự thảo chưa đáp ứng đúng yêu cầu của cán bộ và nhân dân, vì đánh giá tình hình chưa đúng, chưa thấy đúng sai lầm nghiêm trọng trong lãnh đạo và quản lý kinh tế - xã hội.

Bộ Chính trị chỉ đạo Tiểu ban chuẩn bị văn kiện tập trung nghiên cứu những quan điểm còn nhiều khác nhau về những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc. Lúc này, trên thế giới đã có nhiều nhận định không phải chỉ giới hạn trong việc đánh giá đúng sai trong hoạt động kinh tế - xã hội của mỗi nước mà đề cập chính những sai lầm về lý luận cơ bản của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong việc nhận thức học thuyết của Mác, về hàng hóa, tiền tệ, thị trường trước những thành tựu mới của chủ nghĩa tư bản. Về lý luận và thực tiễn, nội dung của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều do đó cũng phải được xem xét lại nghiêm túc trong những biến động mới của thế giới hiện đại.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc tranh luận về miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội cũng rất gay gắt, đặc biệt khi phát hiện những sai lầm về cải cách ruộng đất và chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ III. Song trước yêu cầu nóng bỏng về kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam ruột thịt, các cuộc tranh luận ấy đều phải đưa về thứ yếu. Đến nay, những nhận định và quan điểm khác nhau về kinh tế - xã hội ở nước ta đòi hỏi phải được nghiên cứu và xem xét không phải chỉ giới hạn trong việc nhận rõ sai lầm ở nước ta mà còn phải được đặt ra trong mối quan hệ chung với những biến đổi mới của tình hình thế giới, vừa khẳng định những giá trị cách mạng, những giá trị chân chính trong học thuyết của Mác, vừa phá vỡ những thiên kiến sai lầm về những khái niệm đã được định hình ở những điều kiện lịch sử đã qua, đến nay đã trở thành cứng nhắc, siêu hình và chủ quan, duy tâm trước tình hình đã thay đổi. Đặc biệt là những sai lầm không chấp nhận những khái niệm khoa học đúng đắn về hàng hóa, tiền tệ, thị trường, về khủng hoảng kinh tế - xã hội, trước hết là những quan niệm, hiểu biết của những người lãnh đạo không theo kịp được những thay đổi lớn lao trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta cũng như trên thế giới. Thay đổi những tư duy sai lầm ấy, xác định được những nhận thức khoa học đúng đắn trong việc xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thực tế đang là đòi hỏi của đông đảo những người cộng sản trung kiên của Đảng và nhân dân ta. Những năm 1984-1985 nhiều cán bộ trung kiên của Đảng cũng như Bộ Chính trị đã bắt đầu suy ngẫm về những vấn đề không dễ lý giải này.

Cuối năm 1985, Hội nghị Trung ương lần thứ chín bàn về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1986 đã nhận định "từ quý IV - 1985, do có những khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết tám của Trung ương và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về giá - lương - tiền, nên giá cả, thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt hoạt động kinh tế - xã hội". Sau Hội nghị Trung ương chín, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, chủ yếu là đồng chí Trường Chinh, Tiểu ban văn kiện đã đi sâu nghiên cứu các vấn đề lớn về kinh tế còn nhiều ý kiến khác nhau: cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư, về xây dựng quan hệ sản xuất mới với nền kinh tế nhiều thành phần, về cơ chế quản lý... Sau khi nghe báo cáo của Tiểu ban văn kiện, đặc biệt là những ý kiến khác nhau đối với các vấn đề lớn về kinh tế do Trường Chinh chủ trì, Bộ Chính trị thảo luận kỹ từng vấn đề và đi tới nhất trí cao về quan điểm đối với ba vấn đề lớn và ban hành bản "Kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị đối với một số vấn đề thuộc về quan điểm kinh tế". Bản kết luận này là sự đổi mới quan trọng về tư duy kinh tế của Đảng làm nội dung cho việc chuẩn bị Báo cáo chính trị của Trung ương trình ra Đại hội Đảng lần thứ VI.

Ngày 14-7-1986, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt bầu Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng.

Nhận rõ trách nhiệm ở vị trí mới trước sự chờ đợi của toàn Đảng cũng như toàn dân ở thời điểm thật ngặt nghèo của lịch sử đất nước và dân tộc, Trường Chinh đã làm hết sức mình chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ VI. Nhiều suy tính, quan điểm, khuynh hướng khác nhau đòi hỏi được quy về một mối. Trường Chinh tổ chức làm việc chặt chẽ với quỹ thời gian eo hẹp bảo đảm mở Đại hội, vừa nghe thêm nhiều thông tin khoa học, vừa nghe tình hình cụ thể của các ban, các ngành và các địa phương tìm ra những kết luận thỏa đáng, thích hợp.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com