Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 13)

06:12, 26/12/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Đổi mới tư duy trước hết là tư duy kinh tế

Sau Đại hội IV (1976), toàn dân ra sức xây dựng đất nước sau chiến tranh theo đường lối Đại hội đã vạch ra.

Song tình hình kinh tế - xã hội ngày càng gặp nhiều khó khăn. Đất nước lại phải đối phó với hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc.

Với Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ sáu khóa IV (1979), đã xuất hiện những tìm tòi mới về khoán hộ và để sản xuất "bung ra". Song cũng còn nhiều vấn đề nan giải với nhiều ý kiến rất khác nhau.

Đại hội Đảng lần thứ V dự định mở ra đúng thời gian là năm 1980 song phải lùi đến năm 1982. Trước hết, trong việc chuẩn bị Đại hội, việc đánh giá tình hình rất khác nhau giữa Trung ương và các cấp cho đến cơ sở. Cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề: Có sai lầm không và sai lầm ở mức độ như thế nào? Có sai lầm về đường lối không hay chỉ là sai lầm về chỉ đạo thực hiện? Cuối cùng các văn bản chuẩn bị cho Đại hội cũng hoàn thành và Đại hội V được triệu tập (3-1982).

Được Bộ Chính trị phân công khai mạc Đại hội, Trường Chinh nêu rõ: "Đại hội lần thứ V này của Đảng ta sẽ kiểm điểm việc chấp hành đường lối mà Đại hội lần thứ IV đã vạch ra, đánh giá đúng những thành tựu và khuyết điểm, thấy rõ thực trạng kinh tế - xã hội hiện nay,... giải quyết đúng đắn những vấn đề quan trọng và cấp bách về xây dựng chủ nghĩa xã hội... Với sức mạnh của truyền thống đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng, sự dày dạn trong đấu tranh cách mạng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, sức mạnh của tình đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới, nhất định Đảng ta sẽ làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình".

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội và vào Đại hội, Bộ Chính trị cũng như Trung ương đã có tinh thần tích cực thực hiện tự phê bình. Báo cáo chính trị tại Đại hội đã vạch rõ "khuyết điểm sai lầm của các cơ quan Đảng và Nhà nước, chủ quan, nóng vội, bảo thủ, trì trệ, quan liêu xa thực tế, không nhạy bén với cuộc sống". Và Đại hội đã điều chỉnh việc xây dựng cơ cấu kinh tế, tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, xác định "trong một thời gian nhất định, ở miền Nam còn 5 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư nhân). Song, về cơ bản, Đại hội nhận định: "Đại hội lần thứ IV của Đảng ta, xuất phát từ những đặc điểm lớn của đất nước, đã đề ra đường lối chung và đường lối kinh tế đúng đắn, phản ánh những quy luật của thời kỳ quá độ từ sản xuất nhỏ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhưng trong 5 năm (1976-1980), việc nắm và hiểu tình hình thực tế, việc cụ thế hóa đường lối và chấp hành đường lối của Đảng có những khuyết điểm sai lầm. Đồng thời, chúng ta có khuyết điểm, sai lầm rất lớn về tổ chức và chỉ đạo thực hiện, bao gồm cả công tác kế hoạch và điều hành quản lý".

Ở thời điểm này, cùng với những cố gắng của Bộ Chính trị và Trung ương đi sát với tình hình, Trường Chinh cũng suy nghĩ, tìm tòi đến với những nhân tố mới. Ông đã có lúc trao đổi với những người gần gũi: Tư bản đã tìm đến công cụ của họ là tài chính, tiền tệ, giá cả, tiền lương (gọi tắt theo tiếng Pháp là Fimoprisa), ta có thể có công cụ như thế không? Sai lầm là ở mức độ nào? Trong đó về lý luận có vấn đề gì không? Có nói thật không, thực tế có nói sai và giấu giếm sự thật không? Ông để nhiều thì giờ nghe tình hình thực tế khi có điều kiện, nhất là những khi đi thăm Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Vũng Tàu, Sơn La, Tây Nguyên... Có lần gặp một cán bộ của Vụ Kế hoạch Bộ Nội thương, ông dành cả ngày hỏi cụ thể về công việc, về lưu chuyển hàng hóa và tình hình cán bộ của Bộ Nội thương. Gặp một số cán bộ nghiên cứu về cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp, ông hỏi chuyện, và được biết vướng mắc nhất của việc nghiên cứu này là ở khâu tài chính, tiền tệ, ông cũng khuyến khích nên đi sâu nghiên cứu. Ở thời điểm những năm đầu 80 thế kỷ XX, tình hình Đông Âu càng sôi động, đặc biệt là những biến động ở Ba Lan, Hunggari... Ông thường gặp các đại sứ để hỏi sâu về những điều cần suy nghĩ về kinh tế.

Sau Đại hội Đảng lần thứ V, các cuộc hội nghị Trung ương phải tập trung bàn nhiều về kinh tế với nhiều vấn đề nóng bỏng, đặc biệt trên mặt trận lưu thông phân phối. Ông cũng phải tập trung cùng Bộ Chính trị và Trung ương tìm hiểu về những vấn đề ấy, vừa để tìm hiểu sâu thêm, vừa để hoàn chỉnh các văn bản của Trung ương và Bộ Chính trị. Như thường lệ, những văn bản này đều do ông sửa chữa cuối cùng trước khi công bố. Tình hình thực tế khó khăn về kinh tế - xã hội vẫn gay gắt. So với năm 1976, đến 1980, giá bán lẻ hàng hóa thị trường xã hội tăng lên 189,5%, lạm phát tác động nhiều đến sản xuất và đời sống. Từ những năm 1981 - 1985, giá cả tăng vọt lên 313,7%. Năm 1981 - 1982, ta tiến hành cải cách giá và lương lần thứ nhất, thực hiện việc chuyển đổi từ cơ chế một giá do Nhà nước quy định sang cơ chế hai giá đối với cả giá hàng tiêu dùng, giá bán vật tư và giá mua sản phẩm theo hợp đồng, giảm mặt hàng cung cấp theo tem phiếu, chuyển phần lớn giá cung cấp qua giá kinh doanh thương nghiệp. Nhưng lạm phát vẫn trầm trọng.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com