Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 11)

06:12, 20/12/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Hội nghị Trung ương lần thứ 24 (Khóa III) nhận định: Thống nhất đất nước tạo ra sức mạnh mới, những thuận lợi mới để phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng. Thống nhất đất nước càng tăng cường ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, thống nhất càng sớm thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của Tổ quốc. Bộ Chính trị phân công Trường Chinh thực hiện kế hoạch thống nhất nước nhà bao gồm cả ba việc lớn: Hội nghị hiệp thương thống nhất Tổ quốc, tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của cả nước và họp Quốc hội chung của cả nước.

Tại Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc ngày 15-11-1975, Trường Chinh, Trưởng đoàn đại biểu miền Bắc đã thay mặt Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản báo cáo đầy xúc động Về thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Có người suy nghĩ đơn giản, tưởng rằng việc này chỉ là hình thức, song thực tế đó là sự việc rất trọng đại trong lịch sử đất nước, không những đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc xây dựng kiểu Nhà nước mới của người lao động được mở đầu với Cách mạng Tháng Tám, thực tế với thắng lợi trọng đại mùa xuân 1975 mới có điều kiện thực hiện trọn vẹn. Nó còn đánh dấu bước chuyển mình cơ bản của toàn dân tộc, của cả nước thực hiện bước chuyển biến cơ bản từ việc hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trường Chinh nêu rõ: "Nếu trước đây, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai, khi toàn bộ đất nước chưa được giải phóng, chúng ta giương cao ngọn cờ thống nhất Tổ quốc để đoàn kết toàn dân trong mọi miền đất nước, nhằm tập trung lực lượng đấu tranh vì độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân, thì ngày nay trong tình hình miền Bắc nước ta đã được giải phóng từ trước và đã tiến lên xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp thống nhất nước nhà được đặt trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cơ sở cao hơn thể hiện một bước phát triển mới trong sự nghiệp thống nhất Tổ quốc". Phân tích về sự giống nhau và khác nhau giữa hai miền Nam, Bắc trong lịch sử bị chia cắt, Trường Chinh nêu rõ: "Những chỗ thống nhất và giống nhau giữa hai miền có được là vì cách mạng hai miền đều tiến hành theo đường lối cách mạng của Đảng. Những chỗ giống nhau là cơ bản, là quyết định, những chỗ khác biệt là có điều kiện và tạm thời. Vấn đề đặt ra cho chúng ta lúc này là phải tăng cường và hoàn thiện những chỗ đã thống nhất và giống nhau giữa hai miền; đồng thời từng bước xóa bỏ những chỗ chênh lệch, khác nhau giữa hai miền trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước là cái khâu chính cần phải nắm lấy mà làm, và phải làm cho tốt". "Trong toàn bộ sợi dây chuyền của sự nghiệp hoàn thành thống nhất Tổ quốc hiện nay, thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước là khâu then chốt, nó tạo điều kiện để hoàn thành thống nhất nước nhà về các mặt khác một cách thuận lợi".

Hội nghị hiệp thương đã nhất trí về tổ chức ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước vào ngày 25-4-1976. Đây là cả quá trình thực hiện nhiều cuộc gặp mặt và thảo luận. Trường Chinh là người chủ chốt chịu trách nhiệm dẫn dắt đi đến nhất trí cao về nhiều điều quan trọng trong đó có nhiều luận điểm cơ bản về chính cuộc cách mạng Việt Nam.

Ngày 21-2-1976, phát biểu tại Hội nghị hội đồng bầu cử toàn quốc, Trường Chinh nói: "Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội lần này phải là một cuộc động viên các tầng lớp nhân dân trong nước ta ra sức xây dựng lại nước nhà, ổn định đời sống, phục hồi và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, làm cho cả nước ta từng bước trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, quốc phòng vững mạnh, văn hóa và khoa học tiên tiến. Đặc biệt, đối với miền Nam, đây là một dịp tốt để giáo dục nhân dân về ý nghĩa và tác dụng to lớn của việc bầu cử thật sự dân chủ, phát huy quyền làm chủ của mình. Cuộc bầu cử Quốc hội là ngày hội lớn của nhân dân cả nước".

Ngày 22-4-1976, phát biểu tại cuộc mít tinh hoan nghênh các vị ứng cử đại biểu Quốc hội chung cả nước, ông nói: "Cuộc tổng tuyển cử là một biện pháp dân chủ quan trọng để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, thiết lập nhà nước chuyên chính vô sản trong cả nước làm công cụ sắc bén xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, một xã hội có nền kinh tế mới, chế độ chính trị mới và con ngưòi mới. Nền kinh tế mới là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, trong đó quyền sở hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc về toàn dân hoặc thuộc về tập thể nhân dân lao động. Chế độ chính trị mới là chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, chế độ của dân, do dân, vì dân. Trong chế độ đó nhân dân lao động thật sự có quyền làm chủ tập thể trong xã hội, đồng thời phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với xã hội. Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người hiểu biết về nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong xã hội xã hội chủ nghĩa con người yêu nước và có tinh thần quốc tế vô sản, con người yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động và quý trọng của công, con người lao động, có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao, con người sống có đạo đức, có văn hóa, có ý thức tập thể, thực hiện đúng nguyên tắc mọi người vì mỗi người, mỗi người vì mọi người".

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com