Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 12)

06:12, 25/12/2018

Hồng Long

(tiếp theo)

Nói chuyện với các đảng viên đại biểu Quốc hội đã trúng cử do Trung ương triệu tập, chuẩn bị cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (6-1976), ông phân tích về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, khắng định: "xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân. Chỉ khi nào hàng triệu quần chúng nhân dân đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình, phát huy quyền làm chủ tập thể của mình, ra sức xây dựng xã hội mới bằng hành động tự giác và sôi nổi, có tổ chức, có lãnh đạo đúng thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mới thành công tốt đẹp". Ông nhấn mạnh: "Nhà nước là biểu hiện cao nhất của quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Nhân dân quản lý xã hội, quản lý kinh tế, quản lý đời sống của mình bằng một tổ chức mạnh mẽ, sắc bén: tổ chức nhà nước. Nhưng Nhà nước và nhân dân phải được Đảng lãnh đạo chặt chẽ. Đảng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp công nhân, giai cấp cách mạng nhất. Đảng được trang bị bằng khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, nắm vững các quy luật khách quan của sự phát triển của lịch sử. Cho nên sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng". Ông dành thì giờ phân tích rõ về Quốc hội: "Quốc hội ta là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất do Đảng ta lãnh đạo, là cơ quan đại diện chân chính của nhân dân, do nhân dân ta trực tiêp bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội ta là một bộ phận trong cơ cấu của Nhà nước ta do giai cấp công nhân lãnh đạo".

Đồng chí Trường Chinh tại buổi khai mạc kỳ họp thứ hai Hội đồng bầu cử toàn quốc, ngày 7-5-1976.
Đồng chí Trường Chinh tại buổi khai mạc kỳ họp thứ hai Hội đồng bầu cử toàn quốc, ngày 7-5-1976.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Báo cáo tại kỳ họp đầu tiên Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 24-6-1976, ông phân tích rõ những yếu tố thắng lợi của sự nghiệp thống nhất đất nước về mặt nhà nước, bầu cử đủ 492 đại biểu, không nơi nào phải bầu lại hay phải bầu thêm. Quốc hội đã nhất trí với báo cáo và đề nghị của Tổng Bí thư Lê Duẩn, trong khi chưa có Hiến pháp mới, Nhà nước dựa trên cơ sở Hiến pháp 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để hoạt động. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội đã quyết định xây dựng Hiến pháp mới, bầu ra ủy ban dự thảo Hiến pháp, quyết định đổi tên nước là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, quyết định khóa Quốc hội này là khóa thứ VI và chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Chinh được Bộ Chính trị phân công trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng Hiến pháp.

Báo cáo tại hội nghị dự thảo Hiến pháp ngày 26-9-1976, Trường Chinh nói: "Hiến pháp năm 1959 được xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch và của Bộ Chính trị trong tình hình miền Bắc hoàn toàn giải phóng đã chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng miền Nam còn dưới ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và của bọn phong kiến và tư sản mại bản, quan liêu quân phiệt tay sai, nhân dân ta cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược: chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa và chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hiến pháp năm 1959 là Hiến pháp xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phục vụ đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và làm căn cứ vững mạnh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Hiện nay, nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành; nước Việt Nam độc lập và thống nhất đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra đời. Một bản hiến pháp cho nước Việt Nam thống nhất và xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết. Đó là bản Hiến pháp mới của cả nước. Chúng ta không chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà dựa vào Hiến pháp năm 1959, đồng thời xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ cụ thể của cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay mà thảo ra bản Hiến pháp mới". Ông đã vạch rõ hoàn cảnh xây dựng Hiến pháp với kinh nghiệm phong phú của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, với 31 năm xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nêu lên những nội dung cơ bản cần được nghiên cứu để xây dựng Hiến pháp lần này. Trải qua nhiều năm xây dựng trong tình hình đất nước gặp rất nhiều khó khăn của những năm 1976- 1980, với một tập thể tận tụy dưới sự chỉ đạo trực tiếp và chặt chẽ của Ông qua nhiều lần công bố lấy ý kiến của các cấp, của đông đảo cán bộ và cuối cùng công bố để toàn dân thảo luận rộng rãi, Bản dự thảo Hiến pháp được báo cáo tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa VI (12-1980) và được Quốc hội thông qua, chính thức công bố thành Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com