Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 15)

04:01, 01/01/2019

Hồng Long

(tiếp theo)

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X (10-1986), ông đã nói: "Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, tiểu sản xuất là phổ biến có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, song nhất thiết không thể bỏ qua sản xuất hàng hóa" và khẳng định luận điểm "Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại". Đó là luận điểm đi sâu vào tình cảm và suy nghĩ của nhiều người đang băn khoăn lo lắng.

Đồng chí Trường Chinh thăm Trại hè Cháu ngoan Bác Hồ ở Hà Nội, tháng 6-1986.
Đồng chí Trường Chinh thăm Trại hè Cháu ngoan Bác Hồ ở Hà Nội, tháng 6-1986.

Vào Đại hội Đảng lần thứ VI, qua nhiều hội nghị tạo ra sự nhất trí cao của Bộ Chính trị, với đội ngũ cán bộ giúp việc tận tụy cùng với năng lực vốn có và nếp làm việc cụ thể, sâu sát, Trường Chinh đã thay mặt Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa V đọc báo cáo chính trị sôi động, thiết tha và rành mạch, dứt khoát đối với nhiều vấn đề gay gắt được đặt ra để khẳng định sự nghiệp đổi mới và mở ra bước phát triển mới trong lịch sử Đảng và dân tộc sau một thời gian dài cố gắng và gian truân tìm tòi và sáng tạo. Trong nhiều rối rắm của tình hình, ông đã gỡ rối và làm cho tình hình trở nên sáng tỏ bằng nhiều luận điểm khoa học có giá trị lịch sử, có thể nêu ra ba điểm vắn tắt như sau:

Thứ nhất, ông đã đặt trước Đại hội, trước những người cộng sản đang băn khoăn về nhiều khó khăn rất khó gỡ. Trước hết về việc đánh giá tình hình: "Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Cùng với việc đánh giá đúng những thành tích đã đạt được, ở Đại hội này, chúng ta chú trọng kiểm điểm những mặt yếu kém, phân tích sâu sắc những sai lầm và khuyết điểm, vạch rõ nguyên nhân, nêu ra biện pháp khắc phục, xác định nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ". Điều có ý nghĩa và làm nội dung sâu sắc cho chính thái độ đúng đắn của Đảng ở thời điểm này là ông đã từ tình hình diễn ra qua 5 năm có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, trước hết là do những sai lầm của Đảng, rút ra bốn bài học thiết thực. Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Hai là, Đảng phải luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, khẳng định những vấn đề mới trong đổi mới tư duy kinh tế, ông đã đưa được vào Báo cáo chính trị những quyết định đổi mới quan trọng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế nước ta ở thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội:

Dứt khoát sắp xếp lại nền kinh tế quốc dân theo cơ cấu hợp lý, sửa chữa những sai lầm trong việc bố trí cơ cấu kinh tế, trước hết là cơ cấu sản xuất và đầu tư thường chỉ xuất phát từ lòng ham muốn đi nhanh, không tính đến điều kiện và khả năng thực tế, không kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu công nghiệp với nông nghiệp thành một cơ cấu hợp lý, chưa sử dụng có hiệu quả quan hệ kinh tế với nước ngoài, thiên về xây dựng công nghiệp nặng và những công nghiệp quy mô lớn, không tập trung giải quyết về căn bản vấn đề lương thực, thực phẩm, phát triển sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế, xác định đúng cơ cấu thành phần kinh tế, sửa chữa những khuyết điểm trong việc chưa xác định rõ ràng, nhất quán những quan điểm, chủ trương và chính sách chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, nóng vội, muốn xóa bỏ ngay các thành phần phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh, nhấn mạnh việc thay đổi quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà không coi trọng giải quyết các vấn đề về tổ chức quản lý và chế độ phân phối.

Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, sửa chữa những khuyết điểm do thiếu hiểu biết và ít kinh nghiệm quản lý, khắc phục cả hai khuynh hướng bảo thủ trì trệ không muốn đổi mới và nóng vội giản đơn, muốn giải quyết xong mọi vấn đề trong một thời gian ngắn. Suốt 5 năm qua, lĩnh vực phân phối lưu thông luôn luôn căng thẳng và rối ren, hậu quả tổng hợp của nhiều yếu tố cùng tác động trong nền kinh tế và đời sống xã hội, tác hại của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tồn tại nhiều năm trong quản lý kinh tế, chưa có chính sách cơ bản về tài chính gắn liền với chính sách đúng đắn về giá cả, tiền tệ, tín dụng, tiền lương, giải quyết vấn đề giá - lương - tiền đã phạm sai lầm, thiếu biện pháp đồng bộ có hiệu quả để Nhà nước nắm được hàng và tiền.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com