Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng và nhân dân ta (kỳ 16)

04:01, 03/01/2019

Hồng Long

(tiếp theo)

Thứ ba, về đổi mới tư duy, trong phần "nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng", Trường Chinh viết: "Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Nhiều năm nay, trong nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội có nhiều quan niệm lạc hậu, nhất là những quan niệm về công nghiệp hóa, về cải tạo xã hội chủ nghĩa, về cơ chế quản lý kinh tế, về phân phối lưu thông. Vì vậy, phải đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, chúng ta có thể vượt qua khó khăn, thực hiện những mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra. Đổi mới tư duy, không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy". Ông còn viết: "Đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời là việc thường xuyên lâu dài. Tính bảo thủ, sức ỳ của những quan niệm cũ là trở ngại không nhỏ, nhất là những quan niệm ấy là gắn chặt với những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và đầu óc thủ cựu. Cần tạo những điều kiện xã hội thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học, tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý; hệ thống thông tin chính xác; tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc. Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy".

Từ chiều sâu của lịch sử, từ những biến đổi lớn của đất nước và dân tộc ở thế kỷ XX, từ sự trưởng thành của những thế hệ nối tiếp nhau trở thành người chủ của đất nước và dân tộc, Trường Chinh nổi bật lên là một trong những nhà lãnh đạo cách mạng vững vàng, nhà lý luận sắc sảo, đầy tâm huyết.

Ở ông, đã hình thành một hệ thống lý luận về cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, lý luận về mục tiêu của cách mạng, lý luận về xây dựng và tổ chức lực lượng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, lý luận về chiến lược và sách lược xác định trong đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước, xây dựng những giá trị tinh thần và văn hóa của người lao động làm chủ đất nước, lý luận về xây dựng đảng cộng sản, bộ tham mưu và đội tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân.

Kết thúc Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng, ông nói những câu tâm huyết như những lời nhắn nhủ đối với những người cộng sản kế tục sự nghiệp của thế hệ những người cộng sản đi trước: "Hãy giữ gìn và nâng cao danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản. Mọi người hãy suy nghĩ và hành động vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì lợi ích cách mạng chứ không phải vì địa vị và tư lợi. Lý tưởng ấy phải được thể hiện cụ thể trong lao động, chiến đấu, học tập và trong lối sống của mỗi đảng viên. Trung thực, không giả dối, nói ít làm nhiều, lời nói đi đôi với việc làm, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, không giấu giếm khuyết điểm - phẩm chất ấy phải được thường xuyên nhấn mạnh và rèn luyện".

ĐỨC ĐỘ, TÍNH CÁCH VÀ VĂN PHONG

Là người cách mạng đầy nhiệt huyết, là người cộng sản kiên định, Trường Chinh có những đặc sắc về đức độ, tính cách và văn phong trong tư duy và hoạt động lý luận. Đức độ, tính cách và văn phong ấy được sinh ra và được rèn rũa từ chính cuộc sống cách mạng đầy sóng gió của đất nước và dân tộc.

Ở Trường Chinh, đức độ trong tư duy và hoạt động lý luận chính là cái tâm, cái đức hòa quyện với nhau làm nên bản chất của người cách mạng, người cộng sản có hiểu biết sâu rộng, có lý luận vững vàng, sắc sảo, ngày đêm tìm tòi, suy tính đường đi nước bước giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng người lao động, giải phóng quần chúng cần lao.

Sớm đến với sách báo cách mạng, năm 1923, khi mới 16 tuổi, Trường Chinh đã suy ngẫm sâu các bài báo của Nguyễn Ái Quốc viết trên báo Người cùng khổ (Le Paria), các bài của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh; năm 19 tuổi (1926) ông đã là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khóa rộng lớn của học sinh Nam Định đòi được truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 20 tuổi (1927) khi theo học Trường Cao đẳng Thương mại, ông tham gia vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (tức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội), được tiếp cận với tác phẩm của Mác, Lênin và được vào Đảng (1929), trở thành người cộng sản ở thời kỳ đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là người cộng sản, không thể không có lý luận, không thể không hoạt động lý luận. Nghị quyết Trung ương lần thứ sáu (Khóa I) viết: "không có lý luận cách mạng, không có vận động cách mạng. Là đội quân cách mạng, chúng ta cần phải có võ trang lý luận cách mạng, cần phải hiểu rõ những luật vận động và phát triển của xã hội, hiểu rõ đường lối của mình đi, biết tiến biết thoái thì mới có thể làm tròn vai trò lãnh đạo. Phải tranh đấu chống đầu óc thực hành hẹp hòi, cho rằng cách mạng chỉ có thực hành không cần lý luận, chống cái xu hướng của một vài đồng chí không biết tìm cách nâng cao trình độ chính trị và lý luận của các đồng chí trong lúc công tác, không biết rèn đúc cán bộ trong trường tranh đấu cách mạng".

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com