Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 23)

06:11, 13/11/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

Những luận điểm trên của ông cho ta thấy rõ sự cần thiết tất yếu của thị trường và cơ chế thị trường đối với kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, cũng giống như không khí đối với sự sống của con người. Như vậy, cơ chế thị trường là cơ chế kinh tế khách quan của sản xuất và trao đổi hàng hóa, là môi trường sống của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần.

Đúng như Trường Chinh đã nói: "Chúng ta không thể né tránh, kiêng kỵ cơ chế thị trường, vì đó là sự vận động của quy luật khách quan ngoài ý muốn của ta". Ông còn nói: "Trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chúng ta đã bác bỏ cơ chế thị trường, làm trái quy luật khách quan, gây ra những hậu quả nghiêm trọng kéo dài; rốt cuộc vẫn phải bị động chạy theo tính tự phát của thị trường tự do. Đó là sai lầm cần phải khắc phục". Đã từ lâu, chúng ta kiêng kỵ nói đến thị trường và cơ chế thị trường. Hậu quả là đã chia cắt thị trường, ngăn sông cấm chợ, mỗi địa phương là một "vương quốc", có hàng rào quan thuế riêng, làm cho sản xuất đình đốn, kinh tế tiêu điều, khủng hoảng gay gắt vào kéo dài.

Quan niệm về thị trường và cơ chế thị trường của Trường Chinh thật sự là một sự giải tỏa tư duy kinh tế lỗi thời trước đây, đã mở ra cho chúng ta một nhận thức mới về mối quan hệ gắn bó giữa thị trường và cơ chế thị trường với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, khắc phục định kiến xấu về thị trường và cơ chế thị trường. Tôn trọng sự tồn tại khách quan của thị trường, sử dụng đúng đắn cơ chế thị trường là tôn trọng quan hệ hàng hóa, tôn trọng nền kinh tế nhiều thành phần trên thực tế.

Ở đây, có một vấn đề cần lưu ý. Trường Chinh có nói đến cơ chế thị trường hoạt động trên toàn bộ thị trường xã hội, bao gồm thị trường có tổ chức và thị trường tự do. Và trong kết luận của Bộ Chính trị về các quan điểm kinh tế cũng có ghi: "Coi thị trường tự do là lực lượng đối địch, muốn xóa bỏ ngay, hoặc buông lỏng quản lý và chạy theo tính tự phát của thị trường tự do đều là khuynh hướng sai lầm".

Như vậy, tư duy kinh tế của chúng ta lúc này vẫn chưa vượt qua quan niệm về hai thị trường. Đã từ lâu, ta thường phân ra làm hai thị trường: thị trường có tổ chức và thị trường tự do. Cần thấy rằng, sự phân chia này có thể thích ứng với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, khi vẫn còn tồn tại chính sách nhiều giá, hoặc chính sách hai giá, vẫn tồn tại chính sách trả lương bằng hiện vật, nhưng khi đã chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh của một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thực hiện chính sách một giá và chính sách trả lương bằng tiền, thì cả nước hình thành một thị trường thống nhất, không còn cái gọi là thị trường có tổ chức và thị trường tự do nữa. Do vậy, chúng ta cần chấp nhận thực tế có một thị trường thống nhất toàn xã hội, đoạn tuyệt quan niệm về hai thị trường.

Thật vậy, trong tư duy kinh tế của Trường Chinh thấy rõ quan niệm của ông về cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước là một cơ chế thống nhất giữa khách quan và chủ quan. Một mặt, phải thừa nhận kinh tế thị trường là một thực tế khách quan, nó có quy luật riêng của nó; mặt khác, Nhà nước phải có cơ chế quản lý đúng đắn không để cho kinh tế thị trường trôi nổi, tự phát triển mà không có sự chỉ đạo.

Như vậy, ngay từ những năm đầu đổi mới, tư duy kinh tế của Trường Chinh đã phác họa những đường nét cơ bản của một mô hình kinh tế mà sau này được Đại hội VII khái quát, Đại hội VIII nâng cao và Đại hội IX phát triển thêm. Đó là mô hình: nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đó còn là lôgích phát triển của tư duy kinh tế của Đảng ta vận động từ thấp đến cao, từ nông đến sâu, mà Trường Chinh là người có công đầu đưa tư duy kinh tế của Đảng ta phát triển từ một mặt đến nhiều mặt ngày càng hoàn chỉnh hơn.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com