Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 22)

06:11, 08/11/2018

 

Trần Nhâm

(tiếp theo)

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị thảo luận về các quan điểm kinh tế lớn của Đảng ta, Trường Chinh bắt đầu phân tích điểm xuất phát của nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội từ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế phổ biến là tiểu sản xuất, lại thêm đất hẹp, người đông, tốc độ tăng dân số nhanh; hàng triệu người chưa có việc làm, mỗi năm lại thêm hàng triệu thanh niên đến tuổi lao động cũng đang chờ công việc. Dù khu vực quốc doanh và tập thể có cố gắng tạo thêm việc làm cũng không có khả năng thu hút hết lực lượng dôi ra đó.

Ông khẳng định trong tình hình đó, không có con đường nào khác là chúng ta phải thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế dựa trên nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất. Đó là một thực tế khách quan chứ không phải là do chủ quan muốn hay không muốn. Bởi vì, theo ông, thì một hình thức kinh tế sẽ không bao giờ tự mất đi trước khi tiềm năng của nó còn đang phát huy tác dụng. Kích thích kinh tế hàng hóa phát triển và khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tồn tại là những chủ trương kinh tế đồng bộ, nhất quán trong tư duy kinh tế của ông. Cho nên cách đặt vấn đề của ông là kinh tế hàng hóa càng được kích thích, gây men dưới điều kiện đa dạng hóa các thành phần kinh tế, đa dạng hóa các hình thức sở hữu bao nhiêu thì nhiều thành phần kinh tế càng nảy nở, phát triển trong điều kiện đua tranh của kinh tế hàng hóa.

Thật ra, cách nói của chúng ta lâu nay là phân biệt thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa và thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa cũng gây ra sự phân biệt đối xử: coi trọng các thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể, kỳ thị đối với các thành phần kinh tế khác. Cách đặt vấn đề của Trường Chinh ở đây là các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể, cá thể, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước đều ở trong phạm trù kinh tế xã hội chủ nghĩa, tất nhiên vị trí, vai trò của mỗi thành phần có khác nhau, nhưng mục đích là giống nhau: làm cho dân giàu, nước mạnh.

Ông nhấn mạnh: cần phải thay đổi những quan niệm, định kiến tồn tại lâu nay trong xã hội ta: người lao động ở khu vực kinh tế tập thể hoặc kinh tế cá thể, hoặc kinh tế tư bản tư nhân... không được coi trọng, ít được Nhà nước chăm sóc, dễ bị nhân viên các cơ quan quản lý, các ngành, các cấp chèn ép, bắt nạt, coi thường. Do chế độ bao cấp tràn lan, do những định kiến đó mà ai cũng muốn "thoát ly" đi làm cán bộ nhà nước, bộ máy biên chế cứ phình ra mãi.

Ông cho rằng, nay phải thay đổi quan niệm đó, thể hiện trong chính sách của chúng ta. Dù là ở thành phần kinh tế nào, có đóng góp làm ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hạ, làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp và chính sách, đều phải được coi trọng một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử... Đó chính là thực hiện công bằng xã hội, mọi thành phần kinh tế, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực hiện quyền làm chủ của mình.

Trong vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, ông cũng mở ra một cách nhìn mới trong tư duy kinh tế của ông. Ông cho rằng: Sai lầm của chúng ta lâu nay là thường đối lập cải tạo với phát triển. Cứ mỗi lần mở chiến dịch cải tạo thì sản xuất lại giảm sút, lưu thông bị ách tắc, ngăn sông cấm chợ càng nhiều, làm cho chợ búa càng tiêu điều, hàng hóa lại trở nên khan hiếm, giá cả lại tăng vọt. Hậu quả là càng cải tạo thì tư thương, người buôn bán lại càng tăng thêm.

Do vậy, ông thấy cần thay đổi cách nghĩ, cách làm về cải tạo. Phải lấy phát triển làm mục đích, cải tạo làm biện pháp; gắn biện pháp với mục đích. Tiến hành cải tạo phải nhằm mục đích làm cho sản xuất nói chung phát triển hơn trước khi cải tạo, và khi sản xuất phát triển với mức độ cao hơn thì lại tiếp tục tiến hành cải tạo với bước đi và hình thức thích hợp để thúc đẩy sản xuất phát triển cao hơn nữa. Đó chính là vận dụng đúng đắn quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Và ông nhấn mạnh: "Về điểm này, chúng ta đã làm sai quy luật, nay cần sửa lại cho đúng".

Nhưng với cơ chế kinh tế nào, bằng cơ chế quản lý gì để nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động, phát triển một cách khách quan theo định hướng xã hội chủ nghĩa? Trường Chinh cho rằng, đó là cơ chế thị trường. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ Chính trị thông qua kết luận về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế (ngày 20-9-1986) ông quan niệm: cơ chế thị trường là sự hoạt động của thị trường theo các quy luật vận động của quan hệ hàng hóa - tiền tệ. Cơ chế thị trường không chỉ hoạt động trong lĩnh vực lưu thông mà còn tác động đến toàn bộ quá trình tái sản xuất xã hội. Có sản xuất hàng hóa thì có thị trường và có cơ chế thị trường, đó là tất yếu khách quan. Trong điều kiện sản xuất hàng hóa dưới chủ nghĩa xã hội, cơ chế thị trường không hoạt động biệt lập mà chịu sự chi phối của cơ chế kế hoạch hóa; các quy luật của quan hệ hàng hóa - tiền tệ không vận động một cách riêng rẽ mà trong sự thống nhất với các quy luật đặc thù của chủ nghĩa xã hội, cơ chế thị trường hoạt động trên toàn bộ thị trường xã hội, bao gồm thị trường có tổ chức và thị trường tự do.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com