Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 19)

07:10, 30/10/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    "Chúng ta có nhiều sơ hở trong vụ đổi tiền, gây nên những hậu quả bất lợi đáng quan tâm. Về thời điểm, việc đổi tiền thực hiện đồng thời với cải cách lương và điều chỉnh giá làm cho tình hình hết sức phức tạp, hiệu quả của việc cải cách lương có nguy cơ bị giảm, việc điều chỉnh giá thêm khó khăn, ngành thương nghiệp càng thêm lúng túng trong nỗ lực làm chủ thị trường. Nếu đổi tiền vào một thời điểm khác, áp lực đối với việc mua bán chắc là không ở mức độ này. Sự thiếu bảo mật đã làm cho hàng của nhà nước tuồn hết về người có tiền, tiền của các hộ buôn bán lớn chuyển hết cho các xí nghiệp, công ty nhà nước, và thương nghiệp bị rút hết hàng nhanh chóng, suy yếu khả năng chống đỡ trên thị trường...".

    "Thật đáng tiếc, chúng ta không được cân nhắc kỹ, tham mưu của chúng ta quá dở, chúng ta không thực sự chuẩn bị cho một vụ đổi tiền một đồng mới ăn 10 đồng tiền cũ, không chuẩn bị một cơ cấu giấy bạc của tiền mới thích nghi với nhu cầu thanh toán nhỏ. Giả dụ rằng chúng ta chỉ phát hành đến mức 50 đồng tiền mới và nhiều đơn vị tiền lẻ, tình hình có lẽ đỡ xấu hơn...".

    Đọc xong thư anh Sáu Dân, anh Năm nở nụ cười hồ hởi và nói với tôi: anh Sáu Dân đúng là một con người có trí tuệ. Nhận định đó phù hợp với nhận định của anh Năm trong thư ngày 29-8-1985 gửi cho anh Ba, anh Tô, đồng gửi anh Năm Công, anh Lành và anh Đỗ Mười. Qua hai bức thư được dẫn ra của anh Năm và anh Sáu Dân ở trên, chúng ta thấy những căn cứ thực tế cho việc đổi tiền là không đầy đủ, ngoài một căn cứ duy nhất được ngụy biện là vì bù giá vào lương mà tiền hết nên phải đổi tiền.

    Để bác bỏ lập luận đó, trong cuộc họp Bộ Chính trị từ ngày 20 đến 25-1-1986 để chuẩn bị ra Nghị quyết 31, Trường Chinh đã khẳng định rằng dự kiến đổi tiền đã có từ sớm (khoảng tháng 3-1985) trước khi tiến hành bù giá vào lương, không phải vì bù giá vào lương mới đẻ ra đổi tiền.

    Qua phân tích của ông, chúng ta thấy rằng theo tờ trình của Ngân hàng về dự kiến đổi tiền, thì số tiền trong lưu thông tính đến cuối năm 1984 đã gấp hơn 8,3 lần so với đầu năm 1981. Rõ ràng, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, lạm phát diễn ra triền miên, lúc nào cũng thấy thiếu tiền, hàng hóa đem về bán rẻ, nên tiền không thu lại được. Ông cho rằng, không dự kiến đầy đủ và chuẩn bị dự trữ tiền, để đến mức hết tiền là một khuyết điểm lớn không thể có lý do nào bào chữa được, càng không thể để cho vì bù giá vào lương nên mới phải đổi tiền. Khi đổi tiền lại mắc nhiều khuyết điểm sai lầm về kỹ thuật và nghiệp vụ, gây hậu quả tâm lý rất phức tạp kéo dài, địch triệt để lợi dụng để phá ta. Khi đổi tiền, đã không cắt góc tiền cũ để hủy. Lúc đầu tôi cho đó là sai về kỹ thuật. Đến khi Ngân hàng đề nghị Bộ Chính trị cho phát hành lại tiền cũ với giá trị mới, tôi mới vỡ lẽ đó là có chủ định từ đầu. Bộ Chính trị đã bác bỏ đề nghị này là đúng, nếu cho phát hành lại thì hiệu quả chính trị, kinh tế, tâm lý, xã hội sẽ ra sao?

    Cũng trong cuộc họp này, ông nhắc lại việc đổi tiền hoàn toàn không phải là biện pháp bắt buộc duy nhất trong tình hình vừa qua, có nhiều cách giải quyết như tôi đã nói lần trước. Hơn nữa, tinh thần Nghị quyết Trung ương tám không có yêu cầu bắt buộc phải đổi tiền. Đó là một việc ngoài dự kiến của Trung ương.

    Tình hình kinh tế - xã hội của nước ta sau đổi tiền diễn biến rất phức tạp: giá cả tăng vọt, nhất là từ giữa tháng 12-1985 đến đầu năm 1986, thị trường càng rối ren hơn; đồng tiền mất giá rất nhanh, bội thu ngân sách và tiền mặt ngày càng lớn; tiền lương thực tế của cán bộ, công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang giảm sút, cán bộ, đảng viên, nhân dân xao xuyến, lo lắng, thiếu tin tưởng vào chính sách và sự chỉ đạo kinh tế của Đảng và Nhà nước. Bọn phá hoại, bọn đầu cơ buôn lậu lợi dụng thời cơ hoạt động ráo riết, làm cho thị trường, giá cả càng thêm rối loạn.

    Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Việc đổi tiền đã phạm nhiều sai lầm, tiếp đó lại làm ngay cuộc tổng điều chỉnh giá và lương với mức độ rất cao (nâng giá thu mua, tỷ giá kết toán, giá bán và quỹ lương lên nhiều lần) trong tình hình kinh tế - xã hội còn rất khó khăn và phức tạp (sản xuất còn kém lại bị mất mùa, quỹ hàng hóa mỏng, tài chính quốc gia và lưu thông tiền tệ không lành mạnh, thị trường tự do còn rộng và nạn đầu cơ buôn lậu còn nghiêm trọng; việc sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh và chấn chỉnh tổ chức, giảm nhẹ biên chế hành chính chưa làm được bao nhiêu; cơ chế quản lý còn nặng tập trung quan liêu, bao cấp, kỷ luật và trật tự trong hoạt động kinh tế còn kém; kẻ địch tăng cường phá hoại ta về nhiều mặt) đã dẫn đến những biến động lớn về thị trường, giá cả, những chấn động lớn về tư tưởng, tâm lý trong các tầng lớp nhân dân, gây thêm khó khăn cho sản xuất và đời sống.

    Nghị quyết 31 còn ghi rõ: Để xảy ra những khuyết điểm về chủ trương và về chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết Trung ương tám và Nghị quyết 28 Bộ Chính trị với những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ở Trung ương đồng thời các ngành và các địa phương cũng có phần trách nhiệm.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com