Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 17)

06:10, 23/10/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Tình hình chuyển biến hơi phức tạp và điều đó đã làm cho ông phiền lòng. Ông cho rằng, chúng ta mở ra đột phá khẩu, nhưng chúng ta lại chưa sẵn sàng để đánh vào từng phần: các cơ sở, xí nghiệp chưa đủ điều kiện chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh, các ngành tổng hợp và chức năng, như kế hoạch, vật giá, vật tư, tài chính, ngân hàng chưa sẵn sàng trao cho xí nghiệp đầy đủ quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Ông thông báo tình hình cho Bộ Chính trị biết nhiều nơi phàn nàn rằng Nghị quyết Trung ương tám đã mở cổng, nhưng các chính sách, thể lệ, quy định hiện hành về kế hoạch, vật giá, vật tư, tài chính, ngân hàng, v.v., vẫn chưa được sửa đổi hoặc sửa đổi rất ít, đang tiếp tục trói buộc cơ sở, không cho họ đứng dậy để xung phong chiếm lĩnh sản xuất và làm chủ thị trường, cổng đã mở nhưng tay chân họ vẫn bị trói.

    Và cuối cùng, ông đề nghị Bộ Chính trị đưa ra hai kết luận như sau:

    "Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị sửa đổi phương án giá mà Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng và Ban Bí thư đã chuẩn bị và trình ra lần này. Song chúng ta chỉ có thể xem đó là những số liệu tạm thời để các cơ sở, xí nghiệp căn cứ vào đó mà tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh".

    "Nhanh chóng chuẩn bị một hội nghị để bàn và Nghị quyết của Bộ Chính trị về dành quyền chủ động cho cơ sở, xí nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Các ngành tổng hợp và chức năng có liên quan cần khẩn trương chuẩn bị sửa đổi những chính sách cũ, đề xuất những chính sách mới, nhằm thực hiện Nghị quyết đó của Bộ Chính trị"

    Phương án sửa đổi giá trong cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 12-9-1985 là hồi chuông báo tử cho vấn đề bù giá vào lương, báo hiệu sự bùng nổ của cuộc tổng điều chỉnh giá và lương và đi kèm theo là sự kiện đổi tiền ngày 14-9-1985, sự kiện chấn động và làm rung chuyển cả nước.

    Tôi xin trở lại vấn đề bù giá vào lương. Trước đổi tiền, bù giá vào lương được anh em miền Nam ví như cây gậy thần. Nhưng sau ngày 14-9-1985 được nhiều người xem đó là một trận bù đá vào lưng.

    Như trên đã nói, bù giá vào lương là một bước tập dượt, nằm trong khuôn khổ của việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương sáu, bảy, tám mở đầu bằng việc Nhà nước bán lẻ theo một giá, đồng thời chuyển từ chế độ tiền lương bao cấp bằng cung cấp hiện vật trực tiếp, hoàn toàn do ngân sách bù lỗ, sang trả lương bằng tiền, đưa tiền lương được trả bù vào giá thành sản phẩm. Mặc dù chưa hoàn toàn xóa bỏ bao cấp, nhưng đây là bước chuyển tiếp từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, có tác dụng rất tích cực, làm bộc lộ những bất hợp lý ẩn giấu tiềm tàng từ lâu trong hoạt động của nền kinh tế nước ta. Các địa phương, ngành, cơ sở, xí nghiệp, còn đang tìm cách khắc phục từng bước những bất hợp lý đó nhằm xác định mức lao động, định mức kỹ thuật hợp lý để giảm bớt biên chế, hạ giá thành sản phẩm, tháo gỡ dần những ràng buộc, thì đột nhiên bị cắt để chuyển nhanh sang bước sau. Như vậy "có bước đi vững chắc", "bảo đảm tính đồng bộ" mà Nghị quyết Trung ương tám cảnh báo trước, nay đã trở thành hiện thực.

    Đồng chí Trường Chinh dẫn lời đồng chí Phạm Văn Đồng phát biểu tại kỳ họp lần thứ 10 của Quốc hội khóa VII rằng, nếu như lúc đó ta tiếp tục bù giá vào lương, tức là xử lý phần V trước thì hay biết bao nhiêu! Ông rất tán thành ý kiến đó và nói rõ hơn ý của mình: cách làm đúng lúc đó là tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn về tiền đề mở rộng bù giá vào lương ra cả nước, đồng thời bảo đảm quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu đổi mới cơ chế quản lý, từ đó mà hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước hình thành giá đúng và tiền lương đúng. Chỉ có như vậy mới có cơ sở để làm tiếp các bước sau.

    Nhưng, chúng ta đã không làm như thế. Mới có 28 tỉnh, thành phố làm bù giá vào lương, hầu hết mới chỉ làm được 1-2 tháng, chưa kịp rút ra kinh nghiệm, chưa kịp xử lý các vấn đề xuất hiện qua bù giá vào lương, ta đã vội vàng bãi bỏ, không cần sơ kết, tổng kết kinh nghiệm mà đã chuyển ngay sang bước sau, bắt đầu bằng việc đổi tiền. Trường Chinh xem sự kiện đó ví như máy chưa kịp khởi động ta đã vội vàng sang số để tăng vọt tốc độ, rơi vào nguy cơ làm gãy các bánh xe và trên thực tế đã diễn ra như vậy.

    Ông nghiêm túc cảnh báo: Tôi thấy cần nhắc lại rằng, Nghị quyết tám vừa được Trung ương biểu quyết thông qua hôm trước, trong đó nêu rõ chủ trương bù giá vào lương, thì ngay hôm sau đã có ý kiến yêu cầu sửa ý đó trong Nghị quyết nhằm ngăn không để cho các địa phương làm. Trong thực tế, Nghị quyết đã bị sửa theo hướng hạn chế việc mở rộng bù giá vào lương. Ông nói: cái sai lớn nhất bắt nguồn ngay từ đó, sai cả về nhận thức, bước đi, cách làm; sai cả về nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, coi ý kiến của một số đồng chí cao hơn ý kiến của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương. Từ bước thứ nhất bù giá vào lương làm chưa đúng mức, chúng ta đã đi quá nhanh sang bước thứ hai trong tư thế chưa được chuẩn bị sẵn sàng, vì vậy mà bị động và rối ren, suốt từ đó đến nay.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com