Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 20)

06:11, 01/11/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

Nghị quyết 31 nhấn mạnh: Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng nghiêm khắc tự phê bình về những khuyết điểm, sai lầm vừa qua, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành cũng nghiêm khắc tự phê bình, nhận rõ trách nhiệm của mình, kiểm điểm rút kinh nghiệm để cùng nhau phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, ra sức thực hiện tốt hơn nữa các Nghị quyết sáu, bảy, tám, chín của Trung ương.

Riêng về phần mình, Trường Chinh cũng đã tự phê bình trước Bộ Chính trị, đồng thời nhắc nhở các đồng chí của mình rằng: chúng ta không sợ sai lầm, mắc sai lầm thì kiên quyết sửa chữa. Cái đáng sợ hơn là không thấy khuyết điểm, sai lầm do đó sẽ không sửa được. Riêng về Bộ Chính trị, trong đó có tôi, đã thông qua một số quyết định sai, đã bố trí cán bộ sai mà không kịp thời sửa, đã không thẳng thắn nói hết được ý kiến để cùng nhau thảo luận nhất trí, đã không kiên trì cái đúng, phân tích đầy đủ cái sai... thì đó là khuyết điểm của Bộ Chính trị.

Sự tự phê bình chân thành, khẩn thiết, đó mới chính là con người Trường Chinh, một con người sâu sắc về tư duy, lão luyện về chính trị, kiên trì về nguyên tắc, nhưng cũng rất tình người, một con người mà những năm tháng cuối đời, không chỉ là về tư duy chính trị mà còn về tư duy kinh tế cũng biểu hiện nổi trội hơn người.

Hãy nói về tư duy kinh tế của ông. Trước hết, tư duy của ông bao giờ cũng hướng tới một mục đích nhất định, và trên cơ sở đó xác định động lực của sự phát triển. Trong những năm đầu đổi mới, ông và Bộ Chính trị thấy rõ tính tất yếu phải xóa bỏ mô hình tập trung quan liêu, bao cấp để chuyển hẳn sang mô hình hạch toán, kinh doanh, mà sau này các Đại hội VII, Đại hội VIII xác định là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông cho rằng, mô hình và cơ chế mới ấy chính là động lực cơ bản của sự phát triển. Suốt từ Hội nghị Trung ương sáu, bảy, tám, chín cho đến Đại hội VI, ông kiên trì giữ vững mục tiêu chiến lược đó với lập trường nguyên tắc không gì lay chuyển nổi.

Đã nhìn rõ mục tiêu và động lực rồi, thì điều cốt yếu đối với ông lúc này là tìm ra điểm bắt đầu, xác định được khâu chính, khâu đặc biệt mà người ta cần phải nắm lấy để từ đó làm xoay chuyển tình thế. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta lại chọn giá - lương - tiền là khâu đặc biệt, là đột phá khẩu mà chúng ta cần phải mở ra, đúng như Trường Chinh đã nói: đánh trúng vào đó là đánh trúng vào nơi mà tệ quan liêu bao cấp đang ẩn náu; đồng thời cũng đánh trúng vào chủ nghĩa tự do, tình trạng vô tổ chức, vô kỷ luật, đánh trúng vào đó sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, lập lại trật tự trong nền kinh tế quốc dân và trong đời sống xã hội, khôi phục lại phẩm chất, đạo đức và lòng tin. Khi xác định giá - lương - tiền là khâu đột phá rồi, thì tư duy lôgích của ông là nắm vững mối quan hệ biện chứng giữa các khâu ấy, xem việc giải quyết các khâu ấy phải kiên quyết, khẩn trương, đồng bộ, nhưng phải có bước đi vững chắc, không chần chừ, do dự, cũng không nóng vội, chủ quan, đốt cháy giai đoạn. Và từ đó mà phát hiện ra một chuỗi các mối liên hệ khác để lần ra các đầu mối của từng khâu. Khi kiên trì chính sách một giá, ông phát hiện chính đó là đầu mối để giải quyết chính sách tiền lương và chính sách tiền tệ. Ông cho đó là đầu mối của mọi đầu mối chuyển hẳn sang cơ chế hạch toán, kinh doanh. Bởi vì, từ đầu mối của chính sách một giá mà lần ra được vấn đề bù giá vào lương, một khái niệm mới ra đời trong thời kỳ đầu đổi mới.

Điều đáng lưu ý là tại sao tư duy kinh tế của Trường Chinh và của Bộ Chính trị Đảng ta lại bắt đầu từ những vấn đề nóng bỏng nhất của lĩnh vực phân phối lưu thông, của cơ chế quản lý kinh tế, của việc mở rộng quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh. Đó đều là nội dung cốt lõi của quan hệ sản xuất, tức là bắt đầu từ quan hệ sản xuất.

Đây chính là mấu chốt của mọi vấn đề trong đổi mới tư duy kinh tế của chúng ta. Trong nhiều bài nói của Trường Chinh, tư tưởng cốt lõi của đổi mới mà ông nhấn mạnh là tư tưởng giải phóng: giải phóng mọi tiềm năng để phát triển lực lượng sản xuất, làm cho dân giàu, nước mạnh. Điểm xuất phát đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta rất thấp, do vậy nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là ra sức phát triển lực lượng sản xuất. Nhưng phát triển lực lượng sản xuất, như ông thường nói, không thể tách rời với củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất.

Không phải ngẫu nhiên mà Đảng ta đưa ra vấn đề đổi mới tư duy kinh tế lại bắt đầu từ quan hệ sản xuất. Làm như vậy là Đảng ta tuân theo quy luật phù hợp tất yếu giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đều phải tuân theo quy luật đó, chẳng qua là mục đích của hai bên hoàn toàn khác nhau. Là một nhà lý luận mácxít, Trường Chinh hiểu rất rõ điều mà C.Mác đã lưu ý, rằng những quan hệ sản xuất mới, cao hơn không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ sản xuất đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Cho nên, nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những vấn đề mà mình có thể giải quyết được vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân vấn đề chỉ nảy ra khi những điều kiện vật chất để giải quyết vấn đề đó đã có, hay ít ra cũng đang hình thành.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com