Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 16)

06:10, 18/10/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Bốn là, thương nghiệp có điều kiện và buộc phải chuyển mạnh sang kinh doanh, nắm hàng, nắm tiền tốt hơn, tạo điều kiện vươn lên chiếm lĩnh và làm chủ thị trường. Xí nghiệp đưa tiền lương đã bù vào giá thành sản phẩm; làm cho công nhân, viên chức gắn bó với sản xuất và công tác quản lý lao động được tốt hơn; giá thành phản ánh chân thực hơn chi phí lao động để làm ra sản phẩm.

    Năm là, tiêu cực được khắc phục một bước đáng kể, bọn phe phẩy tem phiếu không còn nữa, tệ tuồn hàng từ thương nghiệp nhà nước ra ngoài để thu chênh lệch giá giảm bớt đáng kể; bầu không khí xã hội trở nên lành mạnh.

    Sáu là, việc bù giá vào lương không hề làm tăng sự bất hợp lý trong chế độ tiền lương trước đây, nó chỉ làm bộc lộ những bất hợp lý ẩn giấu tiềm tàng từ lâu của chế độ phân phối hiện vật. Tình hình đó đặt ra cho chúng ta yêu cầu phải xử lý đúng đắn khi giải quyết tiền lương kết hợp với việc giải quyết những vấn đề xã hội một cách hợp lý, hợp tình. Qua đây, chúng ta cũng khẳng định việc bãi bỏ cung cấp hiện vật trực tiếp, thay vào đó trả lương bằng tiền mới bảo đảm được công bằng xã hội, mới tạo điều kiện thật sự để thực hiện phân phối theo lao động.

    Tóm lại, vấn đề bù giá vào lương còn một số ý kiến chưa nhất trí. Có ý kiến cho rằng vì bù giá vào lương mà phải đưa nhiều tiền vào lưu thông, và tiền đưa ra nhiều thì giá cả tăng lên. Vậy phải làm thế nào?

    Ông cho đó là cách đặt vấn đề ngược. Với cách phân phối hiện vật trực tiếp theo giá thấp gần như cho không, Nhà nước vẫn phải thường xuyên phát hành thêm ngay từ vòng quay thứ hai, vì phải luôn luôn bỏ tiền ra để mua nông sản, hàng hóa về bán rẻ. Kết quả là tiền vẫn phải liên tục ném vào lưu thông để mua hàng đem về cấp phát thì hàng cũng mất mà tiền cũng mất. Với cơ chế đó, giá cả luôn tăng, bội chi ngân sách, lạm phát tiền mặt diễn ra triền miên, là căn bệnh trầm kha của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp không thể nào cưỡng nổi. Đó là một thực tế đanh thép, thế mà nay lại nói theo kiểu để cho người ta hiểu rằng những việc đó chỉ xảy ra khi bù giá vào lương. Như thế là ngụy biện: biến nguyên nhân thành kết quả. Không muốn biết rằng, bù giá vào lương tạo điều kiện đẩy mạnh kinh doanh của thương nghiệp, làm tốt việc đó sẽ tăng nhanh vòng quay của tiền, có tác dụng giảm dần, tiến tới chấm dứt lạm phát. Cho nên, với việc chủ động bù giá vào lương, chưa thể vội vàng kết luận là tiền đã phải phát hành nhiều hơn cách mua đắt bán rẻ của cơ chế bao cấp.

    Có ý kiến cho rằng khi bù giá vào lương, phần công nhân, viên chức mua ở thương nghiệp quốc doanh giảm bớt đáng kể, phần mua ngoài thị trường tăng lên rõ rệt. Như vậy chẳng phải là ta khuyến khích họ chạy theo cơ chế thị trường? Đây là những câu hỏi tổng hợp những ý kiến khác nhau và được báo cáo lên đồng chí Trường Chinh. Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Bộ Chính trị, ông đã nêu lại những ý kiến đó để phân tích. Ông nói:

    Về điều này, chúng ta không thể trách công nhân, viên chức được, mà phải đặt câu hỏi: vì sao có tình trạng đó? Nếu thương nghiệp quốc doanh không phấn đấu vươn lên kinh doanh để đáp ứng nhu cầu xã hội thì người tiêu dùng phải tìm cách tự đáp ứng nhu cầu của mình trên thị trường tự do, lỗi đó không phải ở họ mà là ở chúng ta. Bù giá vào lương và bán lẻ theo một giá không hề cản trở mà ngược lại là một yếu tố quan trọng thúc đẩy, tạo điều kiện cho thương nghiệp xã hội chủ nghĩa tiến công vào thị trường tự do nhằm chiếm lĩnh thị trường. Và ông kết luận: "Tiến công là cách phòng thủ tốt nhất".

    Nhưng, Nghị quyết Trung ương tám và Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị chưa thực hiện được bao lâu, vấn đề bù giá vào lương chưa được tổng kết rút kinh nghiệm thì đầu tháng 9-1985 lại có phương án sửa đổi giá, tức là hạ thấp giá vật tư, hạ thấp khấu hao cơ bản và hạ thấp tỷ giá kết toán nội bộ để cho sản xuất có thể chịu đựng nổi. Trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 12-9-1985 tức là hai ngày trước khi đổi tiền (14-9-1985) Trường Chinh đã nói: Như vậy là ta tiếp tục bù lỗ về Cl và C2 ngay ở đầu vào và còn phải tiếp tục bù lỗ ở đầu ra khi định giá bán lẻ đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng... Từ đó thấy rõ thực chất của vấn đề là từ bao cấp nhiều giảm xuống bao cấp ít, từ bao cấp tràn lan chuyển sang bao cấp một phần. Ông nói tiếp: Với cơ chế duyệt giá thành, định giá bán như thế này thì buộc chúng ta phải chấp nhận hạch toán vẫn còn sai, lỗ thật vẫn được ghi lãi giả.

    Nghị quyết Trung ương tám nói kiên quyết chuyển sang chính sách một giá, nhưng trong khi ta lùi về giá vật tư cho sản xuất thì lại không lùi về giá vật tư bán cho nhu cầu tiêu dùng xã hội, như xăng dầu, sắt thép xây dựng... thì có nghĩa là ta lùi về chính sách hai giá. Để tính giá thành, ta đã đưa tất cả những chi phí bất hợp lý vào. Rồi đem tất cả những chi phí bất hợp lý đó nhân với giá mới và tiền lương mới, thì theo ông, tất nhiên là giá thành sẽ vống lên rất cao, đội giá thị trường, đúng là không chịu đựng được nữa.

    Ta giải quyết bằng cách lùi về toàn tuyến để hạ thấp ở đầu vào, tức là ngắt bớt cái ngọn, chứ chưa tập trung lo đẩy mạnh sản xuất, định mức đúng, hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, nghĩa là ta chưa tập trung vun đắp cho vững vàng cái gốc.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com