Đồng chí Trường Chinh – Người học trò xuất sắc, ý hợp tâm đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kỳ 4)

04:01, 05/01/2017

[links()]

Đại tướng Văn Tiến Dũng

(Tiếp theo)

    Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là thành viên trong Bộ thống soái tối cao, đồng chí đã góp phần không nhỏ vào những quyết sách chiến lược lớn đưa đến những bước ngoặt của chiến tranh và thắng lợi cuối cùng.

    Tôi còn nhớ như in lời khẳng định và dự kiến sáng suốt của đồng chí về chiều hướng phát triển tất yếu của cuộc chiến tranh cách mạng: "Phải có những đòn tiêu diệt chiến lược lớn như Điện Biên Phủ, và cũng chỉ cần vài ba đòn như vậy kẻ địch sẽ sụp đổ ngay. Phải nắm chắc quyền chủ động, đánh vào những chỗ buộc địch phải đổ, khi đó chúng sẽ rơi vào cạm bẫy của ta".

Tổng bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội VI.
Tổng bí thư Trường Chinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội VI.

    Một trong những công tích to lớn nhất của đồng chí Trường Chinh là góp phần quan trọng vào việc khởi xướng công cuộc đổi mới, một sự nghiệp vĩ đại đánh dấu bước ngoặt trong tư duy của Đảng ta. Với đường lối đổi mới đúng đắn, độc lập tự chủ, sáng tạo, được phát triển và hoàn chỉnh để phù hợp với tình hình đất nước và bối cảnh thế giới hiện nay, Đảng ta đã từng bước đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nguy hiểm, thu được những thành tựu to lớn, quan trọng trong hơn 10 năm qua, tìm đúng con đường và mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Tên tuổi đồng chí Trường Chinh mãi mãi gắn với công cuộc đổi mới của cách mạng nước ta.

    Nói đến đồng chí Trường Chinh, không thể không nhấn mạnh vai trò của một trong những nhà lý luận chủ yếu của Đảng, một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

    Từ khi bắt đầu tham gia Đảng Cộng sản cho đến cuối đời, đồng chí đã phấn đấu không mệt mỏi để xác lập địa vị thống trị của hệ tư tưởng Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đồng chí đã chiến đấu không khoan nhượng chống bọn tờrôtkít và các hạng tay sai khác của đế quốc, thực dân xuyên tạc chủ nghĩa Mác, bôi nhọ lịch sử dân tộc, chống lại văn hóa suy đồi của thực dân, phát xít, các khuynh hướng tư sản cải lương hoặc bi quan, bế tắc xoay lưng với thực tại.

    Đồng chí đã có công lớn trong việc đào tạo, giáo dục cả một thế hệ cán bộ cách mạng, góp phần hình thành những con người mới của thời đại Hồ Chí Minh.

    Về mặt văn hóa, năm 1943, đồng chí thay mặt Đảng đưa ra bản Đề cương Văn hóa Việt Nam, một cương lĩnh cách mạng văn hóa dân tộc dân chủ nhân dân, vừa xây dựng nền văn hóa cách mạng nước ta, vừa nhằm đánh thắng văn hóa phản động của thực dân, phát xít Pháp - Nhật, có tác dụng tập hợp giới văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng văn hóa.

    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhận rõ vai trò của mặt trận văn hóa, Đảng đã mở Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ II (7-1948). Tại Đại hội này đồng chí Trường Chinh đã đọc bản Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam nêu rõ tính chất và nhiệm vụ của văn hóa cách mạng, phê phán và đấu tranh chống các quan điểm văn hóa phản động, xác định thái độ đúng đắn của những người làm công tác văn hóa, "cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt" một lòng một dạ phục vụ nhân dân, tham gia mọi hoạt động kháng chiến và kiến quốc.

    Dưới khẩu hiệu "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến", nền văn hóa mới của ta đã góp phần tích cực động viên nhân dân tham gia kháng chiến, ca ngợi những gương anh hùng, những con người mới trong chiến đấu và lao động sản xuất; đấu tranh chống văn hóa phản động, nô dịch của địch trong vùng tạm chiếm.

    Đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp giá trị vào việc hình thành đường lối lãnh đạo của Đảng về văn hóa, hình thành quan điểm tư tưởng lý luận của Đảng về văn hóa - văn nghệ.

(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com