Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) - Kỳ 18

03:12, 22/12/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Các hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục – thể thao, báo chí, phát thanh, truyền hình tích cực đổi mối, góp phần đắc lực vào việc tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh được thực hiện tốt hơn. Tỉnh triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người có công trong kháng chiến. Phong trào xóa đói giảm nghèo và các hoạt động nhân đạo, từ thiện đạt nhiều kết quả thiết thực.

    Sau những năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là từ lăm 1991 đến năm 1996, đời sống nhân dân nói chung, nông thôn nói riêng thực sự đổi mới, 100% số xã trong toàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% số xã và 97,54% số hộ nông dân có điện thắp sáng; 100% số xã có trạm xá và trường tiểu học, trung học cơ sở; 92,38% số xã có trạm truyền thanh. Tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố là 84,17% (riêng nhà kiên cố là 31,3%); 48% số hộ có tivi; 35,5% số hộ có máy thu thanh; 5,5% số hộ có xe máy; 1,5% số hộ có điện thoại, trung bình 1 vạn dân có 2.251 học sinh phổ thông, 68 giáo viên, 10 y, bác sĩ, 19 giường bệnh... Các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết và có chuyển biến tích cực. Đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện, số hộ giàu tăng lên, hộ nghèo giảm dần (năm 1996, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,57%).

    Công tác xây dựng đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội được chú trọng và có những bước tiến bộ. Nhiều tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh được giữ vững. Hệ thống chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn. Các thủ tục hành chính từng bước được sửa đổi và điều chỉnh. Hiệu lực quản lý và điều hành của các cấp chính quyền có tiến bộ. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, động viên và tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững khối đoàn kết toàn dân.

    Các cấp ủy đảng, chính quyền chú trọng triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, huy động được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, của hệ thống chính trị và các lực lượng vũ trang, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Mặc dù các thế lực thù địch và phần tử xấu tăng cường hoạt động, cùng với tác động mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường làm nảy sinh những phức tạp mới nhưng an ninh chính trị vẫn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Thực hiện Hướng dẫn số 04-HD/BTCTW ngày 11-7-1995 của Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy cơ sở lựa chọn các tổ chức cơ sở đảng tiêu biểu đạt trong sạch, vững mạnh liên tục từ năm 1992 đến 1996 để Tỉnh ủy khen thưởng. Kết quả đã lựa chọn trong 57/1.250 tổ chức cơ sở tiêu biểu, trong đó 49 đơn vị xuất sắc.

    Các mặt công tác giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng đảng viên, công tác cán bộ, công tác kiểm tra đều được các cấp ủy coi trọng. Đến quý IV năm 1996, 18/18 đảng bộ trực thuộc tỉnh đã hoàn thành chương trình phổ cập chính trị phổ thông cho đảng viên. Năm 1996, toàn tỉnh kết nạp 2.109 đảng viên mới, tương đương với số đảng viên được kết nạp trong năm 1995 (2.188 đồng chí).

    Thực hiện Thông báo số 06-TB/TW ngày 7-10-1996 của Bộ Chính trị và Nghị quyết kỳ họp thứ 10 ngày 6-11-1996 của Quốc hội khoá IX về việc phân định, điều chỉnh lại địa giới một số tỉnh, trong đó có tỉnh Nam Hà, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 họp ngày 21-11-1996 triển khai quán triệt một số văn bản của Trung ương về chia và điều chỉnh địa giới tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ra Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 22-11-1996 về lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (khoá IX) kỳ họp thứ 10, chia địa giới hành chính tỉnh Nam Hà thành hai tỉnh Nam Định và Hà Nam. Nghị quyết nêu rõ mục đích, yêu cầu, một số quan điểm chỉ đạo nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chia tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 12-11-1996 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 857/TTg ngày 15-11-1996 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các ban, ngành chức năng của Trung ương. Nghị quyết cũng xác định: việc chia tỉnh là công việc lớn, được đặt thành công tác trọng tâm đột xuất của địa phương đến hết quý IV năm 1996, trong khi vẫn phải tập trung chỉ đạo mọi mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Nam Hà, do vậy cần phải tập trung sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh trên các khâu, các việc, đồng thời phải huy động sự chủ động, sáng tạo, làm việc với tinh thần trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com