Đồng chí Trường Chinh – Người học trò xuất sắc, ý hợp tâm đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kỳ 2)

02:01, 03/01/2017

[links()]

Đại tướng Văn Tiến Dũng

(Tiếp theo)

    Ở đây tôi muốn đề cập một mặt ít được nhắc đến trong sự nghiệp của đồng chí - đó là cống hiến xuất sắc vào công cuộc xây dựng nền quân sự cách mạng Việt Nam.

    Mối quan tâm đặc biệt của đồng chí trước hết dành cho việc xây dựng nền lý luận quân sự Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương tháng 1-1949 do đồng chí chủ trì đã nói như sau:

    "Cuộc chiến đấu anh dũng trong mấy năm của quân và dân ta là một kho kinh nghiệm vô cùng phong phú, kinh nghiệm ấy mới được tổng kết một phần, cho nên lý luận quân sự Việt Nam còn ở trong thời kỳ phôi thai. Cho nên cần khuyến khích và tổ chức phong trào tổng kết kinh nghiệm để góp sức vào công cuộc xây dựng một nền lý luận quân sự Việt Nam".

Từ phải sang: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc. Ảnh Tư liệu
Từ phải sang: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc. Ảnh Tư liệu

    Có lý luận chỉ đạo thì những hoạt động tác chiến của quân dân ta mới trở thành những hoạt động tự giác, có mục đích, có phương pháp đúng đắn và đạt hiệu quả mong muốn.

    Mọi người đều biết, lĩnh vực quân sự của cách mạng Việt Nam bao gồm cả khởi nghĩa và chiến tranh. Và đóng góp của đồng chí vào thực tiễn và lý luận khởi nghĩa là rất lớn, rất đặc sắc.

    Rút kinh nghiệm cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, đồng chí đã chỉ rõ Khởi nghĩa Bắc Sơn phải quán triệt tinh thần tấn công, dùng chiến tranh du kích để lan tỏa phong trào cách mạng ra các nơi khác, nhưng nó lại rút về phòng ngự, mà phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa.

    Không thể không nhắc tới Chỉ thị lịch sử ngày 12-3-1945: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, Chỉ thị này thể hiện nội dung của Hội nghị Đình Bảng của Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng dưới sự chủ trì của đồng chí, dự kiến những trường hợp làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa có thể mở ra thắng lợi, chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Chỉ thị này là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng trong cao trào này, dẫn tới thắng lợi trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám.

    Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, hội nghị quân sự đầu tiên của cách mạng đã họp nhằm giải quyết những vấn đề quân sự đã được hội nghị nói trên nêu ra như tích cực phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa chống Nhật, phát triển lực lượng vũ trang, thành lập Việt Nam Giải phóng quân, xây dựng bảy chiến khu làm bàn đạp cho Tổng khởi nghĩa. Đồng chí Trường Chinh đã chỉ đạo thực hiện một sáng tạo độc đáo của Đảng ta là tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nhiều nơi, thành lập các khu giải phóng. Đồng chí viết: "Nước Việt Nam mới phôi thai từ đó...".

    Điều quan trọng nhất mà đồng chí nhắc nhở là không được ỷ lại vào người mà tự bó mình khi tình thế biến chuyển thuận lợi. Khi phát xít Đức tắt thở, đồng chí đã kêu gọi "Dù sao nhân dân Đông Dương không thể bị động trông chờ những ngày may mắn từ đâu đưa lại" mà phải sẵn sàng phát động Tổng khởi nghĩa giành hẳn lại đất nước.

    Và như đồng chí đã chỉ rõ, cuộc Tổng khởi nghĩa đã nổ ra "đúng lúc cần phải nổ", sớm quá hoặc muộn quá đều có nguy cơ mất hết.

    Vai trò của đồng chí Trường Chinh đối với thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa là vai trò quyết định trực tiếp của một người đã dự báo đúng thời cơ, chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ thực hiện khởi nghĩa để hành động chủ động, quyết đoán khi thời cơ đến.

    Là người cộng sự gần gũi nhất, thân cận nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn ai hết, đồng chí là người nắm vững, hiểu thấu tư tưởng của Người về chiến tranh nhân dân, do đó đã góp phần rất quan trọng đặt nền móng cho lý luận quân sự Việt Nam thời hiện đại, làm cơ sở cho sự phát triển đến đỉnh cao của nó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

    Đồng chí đã chỉ ra tính tất yếu của đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai của chúng, cũng tức là phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù.

    Đồng chí là một trong những người đầu tiên đã nghiên cứu và vạch rõ mối quan hệ giữa chiến tranh và cách mạng ở Việt Nam, coi chiến tranh cách mạng là một phương tiện quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng, nghĩa là mục tiêu cách mạng cũng là mục đích chính trị của chiến tranh.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com