Đồng chí Trường Chinh – Người học trò xuất sắc, ý hợp tâm đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Kỳ 3)

04:01, 04/01/2017

[links()]

Đại tướng Văn Tiến Dũng

(Tiếp theo)

    Qua chủ trương chiến lược vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của đồng chí Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã khái quát thành tư tưởng chỉ đạo làm cách mạng trong chiến tranh, bằng chiến tranh. Đồng chí chỉ rõ: "Phải thực hiện từng bước nhiệm vụ của cách mạng ngay trong quá trình đấu tranh vũ trang lâu dài". Đồng chí dự báo: "Trong lò lửa kháng chiến, một nước Việt Nam mới đang được rèn đúc: nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh - một nước Việt Nam dân chủ mới".

    Toàn bộ chiến lược kháng chiến chống Pháp cứu nước đã được đồng chí trình bày cặn kẽ trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi mà ngày nay với độ lùi thời gian, chúng ta mới cảm thấy hết cái hay, cái đặc sắc của nó.

Đồng chí Trường Chinh (bìa phải) chúc tết cán bộ, công nhân viên  Nhà máy Dệt Thành Công TP.HCM - nơi “xé rào” đột phá  về sản xuất công nghiệp, tháng 1-1985. Ảnh: T.L
Đồng chí Trường Chinh (bìa phải) chúc tết cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Thành Công TP.HCM - nơi “xé rào” đột phá về sản xuất công nghiệp, tháng 1-1985. Ảnh: T.L

    Đồng chí chỉ rõ vị trí cuộc kháng chiến của nhân dân ta là sự tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bằng hình thức đấu tranh, nên nhiệm vụ chống đế quốc vẫn phải đi đôi với nhiệm vụ chống phong kiến, nhưng nhiệm vụ giải phóng dân tộc là yêu cầu cấp bách, nóng bỏng nhất cho nên yêu cầu dân chủ không thể đặt ngang hàng với yêu cầu độc lập dân tộc. Trong cuộc kháng chiến này, nhân dân Việt Nam không chỉ chiến đầu để tự cứu mình mà còn vì hòa bình và dân chủ trên thế giới.

    Đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, đem sức ta giải phóng cho ta, "không nên ỷ lại sự giúp đỡ bên ngoài dù sự giúp đỡ đó thế nào đi nữa". Tuy nhiên, "nếu nhân dân Đông Dương có bổn phận giữ gìn cái pháo đài hòa bình ở Đông Nam châu Á này thì các lực lượng hòa bình dân chủ thế giới cũng có bổn phận tích cực giúp đỡ nhân dân Đông Dương hơn nữa". "Phải cổ động các dân tộc thuộc địa châu Phi của Pháp nổi dậy giành độc lập, đồng thời phối hợp chặt chẽ cuộc kháng chiến của các nước Đông Dương với phong trào phản chiến của nhân dân Pháp". Sau này chúng ta đã khái quát kinh nghiệm này thành quan điểm gắn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

    Tôi sẽ không đi sâu vào nội dung chiến lược kháng chiến theo quan niệm của đồng chí Trường Chinh mà muốn hướng sự chú ý vào những quan điểm đầy sáng tạo của đồng chí trên một số vấn đề có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực quân sự.

    Về so sánh lực lượng ta địch, phát triển tư tưởng của Hồ Chủ tịch, đồng chí chỉ rõ so sánh tương quan lực lượng không thể chỉ đơn thuần về quân số, vũ khí, và phải nhìn vào sự thay đổi. Phải xem xét cả thế và lực, phân biệt số lượng và chất lượng, phân biệt lực lượng vật chất và tinh thần, so sánh cả lực lượng bản thân và lực lượng đồng minh quân (trực tiếp và gián tiếp) của cả hai bên.

    Đồng chí kết luận: "Thế ta mạnh hơn thế địch. Lực của ta hiện còn kém địch về vật chất nhưng hơn địch về mặt tinh thần. Lực mạnh mà thế yếu thì cũng chưa hẳn là mạnh. Trái lại lực yếu mà thế tuyệt đối mạnh thì thế bổ sung lực. Về quân sự và chính trị cũng như về khoa học tự nhiên, nhiều khi lực kém mà thế mạnh cũng có thể thắng... Thế và lực liên quan ảnh hưởng lẫn nhau và biến hóa không ngừng. Thế mạnh có thể biến thành lực mạnh. Phải tăng cường cả thế và lực".

    Là một bậc thầy về nắm thời cơ, đồng chí chỉ rõ phải "Kịp thời chuyển sang tổng phản công trong khi thực dân Pháp lúng túng đến cực điểm và trước khi đế quốc Mỹ - Anh bố trí lực lượng, củng cố vị trí của chúng ở Đông Dương”.

    Điều đáng chú ý nữa là đồng chí vạch rõ "Toàn Đông Dương là một chiến trường duy nhất". Cho nên phải phối hợp toàn chiến trường Đông Dương, coi đó là một trong 10 nguyên tắc tác chiến. Phải xây dựng căn cứ địa chính cho Miên - Lào, mở rộng cơ sở quần chúng, tích cực xây dựng quân đội quốc gia cho Miên và Lào, đào tạo cán bộ cho họ, thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt - Miên - Lào chống đế quốc xâm lược.

    Ngoài ra, đồng chí còn xác định, đánh với kẻ địch mạnh, một mục đích quân sự là phải "đè bẹp ý chí xâm lược của địch" vì khi ý chí không còn thì dù quân có đông cũng không thể tiếp tục đánh được nữa.

    Đồng chí cũng dự đoán một đặc điểm của cuộc kháng chiến lâu dài của ta là sẽ có chuyện vừa đánh vừa đàm tức là "có những cuộc đàm phán mới xen vào" và thực tiễn đã chứng minh đó là một dự đoán chính xác.

    Không chỉ nghiên cứu, xây dựng lý luận, đường lối chỉ đạo chiến tranh cách mạng, đồng chí còn góp phần rất lớn, trực tiếp chỉ đạo việc bồi dưỡng, rèn đúc những công cụ bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, đó là Đảng Cộng sản, đội tiên phong dũng cảm và bộ tham mưu sáng suốt của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là Mặt trận dân tộc thống nhất chặt chẽ và rộng rãi trên cơ sở liên minh công nông, là chính quyền Nhà nước dân chủ nhân dân, là lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân.

    Không phải ngẫu nhiên mà phần lớn những nghị quyết, chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng về quân sự đều do đồng chí ký tên.

    Như vậy có thể khẳng định sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí là một trong những kiến trúc sư của nền quân sự cách mạng Việt Nam, là một nhà lý luận quân sự lỗi lạc.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com