Về một người đam mê lịch sử quê hương

09:12, 30/12/2016
Ngày 9-9-2013, lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL; đến ngày 1-12- 2016 “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự không chỉ đối với tỉnh Nam Định nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Một trong những người có công đưa di tích, lễ hội Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu được đánh giá đúng giá trị đích thực của nó là ông Bùi Văn Tam - người đã có 40 công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử văn hóa quê hương được đánh giá cao cùng hàng trăm bài nghiên cứu được đăng trên các báo, tạp chí và khoảng 60 bản báo cáo về khảo cổ học được các ngành chức năng chứng nhận về Thánh mẫu Liễu Hạnh, về tín ngưỡng thờ Mẫu và những di tích trên mảnh đất Thiên Bản lục kỳ xưa.  
 
86 tuổi đời, 40 công trình nghiên cứu khoa học
 
Sau nhiều lần đặt lịch, tôi và các cán bộ Sở KH và CN mới sắp xếp được buổi làm việc với ông - người được coi là “nhà sử học” của đất Thiên Bản lục kỳ. Đã sang tháng Một âm lịch nhưng tiết trời nắng gắt, cái nắng nóng dồn ép để chuẩn bị đón một đợt gió mùa mới càng gay gắt ngột ngạt chả khác giữa mùa hè khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn lo cho sức khỏe của ông khi chương trình phải làm việc dự tính sẽ mất cả ngày ngoài trời. Trái lại với băn khoăn của chúng tôi, ông hăng hái động viên chúng tôi đi cùng ông đến một số di tích trên địa bàn huyện Vụ Bản. Đến Chùa Thông Khê, xã Cộng Hòa (Vụ Bản), ông sôi nổi cho biết: Trong 40 công trình đã thực hiện, thì nghiên cứu về bia đá phủ Thông Khê là tôi tâm đắc nhất bởi qua việc nghiên cứu, dịch nội dung tấm bia đá cổ có niên hiệu Dương Hòa - đời nhà Lê năm thứ 6 (1640) đã thấy rõ công đức của bà chúa Thông Khê. Bà có tên thật là Trần Thị Ngọc Đài, sinh vào cuối thế kỷ XVI (tương truyền vào năm công chúa Liễu Hạnh mất, khoảng năm 1577). Được Chúa Trịnh Tráng (Văn tổ Nghị Vương) đưa về dinh lập thành Vương Phi rồi sinh ra Chúa Trịnh Tạc. Vì thế khi con trai làm chúa, bà được phong là Thái phi và mất năm Kỷ Dậu 1669, thọ 93 tuổi. Bà không chỉ là người tài, sắc vẹn toàn mà còn có nhiều công lao trong việc mở mang kinh tế, văn hóa cho quê hương Vụ Bản, được dân gian tôn vinh là một trong “lục kỳ” (sáu sự kỳ lạ) của đất Thiên Bản. Khi bà mất, người dân nơi đây đã đúc tượng đồng thờ bà cùng với Mẫu Liễu Hạnh và lập bia ghi lại công đức ấy. Đồng thời nội dung tấm bia đã khẳng định được nhiều điều còn băn khoăn trong lịch sử. Trong đó có việc chứng minh xác đáng tên thật của Thái phi Trần Thị Ngọc Đài, người làng Thông Khê, xã Cộng Hòa mang họ Trần chứ không phải họ Phùng như lời đồn đại trong dân gian bấy lâu. Hơn nữa cũng theo tấm bia này, khu đất này có tên “quần thể Phủ Thông” trước đây nằm trong hệ thống quần thể Di tích Phủ Dầy (thờ mẫu Liễu Hạnh). Đáng tiếc đến nay quần thể di tích Phủ Thông không còn. Từ những chứng tích này, huyện Vụ Bản, UBND xã Cộng Hòa và người dân trong vùng đã đầu tư tôn tạo lại nơi phát hiện ra tấm bia quý. Ngoài công trình nghiên cứu ý nghĩa này, trong suốt hành trình hàng chục năm nghiên cứu lịch sử, ông còn có nhiều tác phẩm giá trị như: Thiên Bản lục kỳ; Trạng Lường Lương Thế Vinh; Trạng Lường Lương Thế Vinh và hậu duệ; Phủ Dầy - Tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh; Thánh Mẫu Liễu Hạnh… Đây là những công trình được ông dày công nghiên cứu, thu thập tài liệu, chứng cứ lịch sử từ hàng chục năm trước và có giá trị lịch sử, văn hóa cao. Hầu hết các công trình nghiên cứu này đều được in thành sách và tái bản nhiều lần để phục vụ việc học tập, nghiên cứu lịch sử của công chúng. Trong đó, công trình Địa chí văn hóa Vụ Bản được coi là công trình nghiên cứu tổng thể về mảnh đất, con người vùng đất Vụ Bản từ xưa đến nay. Với hai phần rõ rệt gồm 9 chương, dày trên 1.000 trang, Địa chí văn hóa Vụ Bản nêu bật đặc điểm địa lý, lịch sử, kinh tế và văn hóa của vùng đất Vụ Bản qua suốt chiều dài lịch sử; đồng thời phân tích chi tiết những thuận lợi, khó khăn cũng như thế mạnh đặc trưng căn bản, phổ quát, riêng biệt của đất và người Vụ Bản. Đọc Địa chí văn hóa Vụ Bản, người đọc sẽ thấy ở mỗi trang viết sự dày công, tâm huyết của tác giả trong những tìm tòi, khám phá về mảnh đất, con người, tín ngưỡng và tôn giáo, truyền thống học hành khoa cử, văn học, nghệ thuật và các sự tích, thần tích ở huyện Vụ Bản. Ông cũng đã dành nhiều thời gian và dày công nghiên cứu về lịch sử, truyền thống mở đất, mở làng của người xưa cùng với những thần tích gắn với địa danh lịch sử cụ thể: Quần thể di tích Lịch sử - Văn hoá Phủ Dầy (xã Kim Thái) thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh; Đền Giáp Nhất (xã Quang Trung), Đền Đông (xã Thành Lợi), Đền - Chùa Vĩnh Lại (xã Vĩnh Hào), Đền Vụ Nữ (xã Hợp Hưng); Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo), các nhà lưu niệm của nhạc sĩ Văn Cao (xã Liên Minh), nhà thơ Nguyễn Bính (xã Cộng Hoà), nhà sử học Trần Huy Liệu (xã Kim Thái)… Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu, tập hợp các tư liệu sưu tầm về hệ thống thần phả, tộc phả, truyền thuyết dân gian, ca dao, tục ngữ, các tác phẩm Hán Nôm, các di tích kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn huyện. Công trình nghiên cứu này là cẩm nang quý giúp cho không chỉ mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương mà cả ở nơi khác hiểu rõ điều kiện tự nhiên; quá trình lao động, chiến đấu kiên cường của mảnh đất và con người Vụ Bản; là luận cứ khoa học quan trọng cho Đảng bộ, chính quyền địa phương tham khảo để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, giảng dạy các vấn đề liên quan đến huyện Vụ Bản. Cùng với công trình Địa chí văn hóa Vụ Bản giá trị, trên kệ sách của ông Bùi Văn Tam còn hàng chục tập sách ghi chi tiết những địa danh văn hóa, lễ hội và trò chơi dân gian trong lễ hội xưa của các làng, xã trong huyện Vụ Bản xưa. Với cách viết kết hợp giữa truyền thuyết, huyền tích với cứ liệu sử học và kết quả khảo cổ, tư liệu trong sử sách và tư liệu còn bảo tồn trong lòng dân đầy khoa học, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam đã viết nên những câu chuyện sinh động, có sức thuyết phục về truyền thống dựng nước, giữ nước và những nét sinh hoạt của người dân Thiên Bản lục kỳ xưa trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ thời Vua Hùng Vương dựng nước (huyện Vụ Bản là đơn vị duy nhất trong tỉnh được hình thành từ thời Hùng Vương). Từ việc nghiên cứu, sưu tầm nhân chứng, vật chứng và ghi chép lại tỉ mỉ, ông đã hỗ trợ các địa phương trong huyện phục dựng lại lễ hội làng truyền thống theo đúng nếp cổ của cha ông ta ngày trước. Đồng thời tham gia vào cùng các đoàn làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng khoảng 10 bộ phim về các danh nhân văn hóa và lễ hội truyền thống trên địa bàn. Những cống hiến đó của ông ngoài sự ghi nhận của chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là sự trân trọng của người Vụ Bản xa xứ, còn có 18 giải thưởng của Hội Văn Nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử và 3 giải thưởng Văn học nghệ thuật cấp tỉnh. 
Nhà nghiên cứu sử học Bùi Văn Tam, giới thiệu ý nghĩa của các câu đối tại Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo (Vụ Bản).
Nhà nghiên cứu sử học Bùi Văn Tam, giới thiệu ý nghĩa của các câu đối tại Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo (Vụ Bản).
Tâm huyết với lịch sử văn hóa quê hương
 
Nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Văn Tam sinh năm 1932, ở thôn Cao Phương, xã Liên Bảo (Vụ Bản) - nơi có bề dày trầm tích văn hóa. Tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyên ngành Lịch sử, trong những năm 1960 của thế kỷ trước, ông Bùi Văn Tam chủ yếu làm công tác giảng dạy môn Lịch sử tại các trường học ở trong và ngoài tỉnh tới năm 1992. Sinh ra, lớn lên và được học tập, làm việc trong môi trường phù hợp nên niềm đam mê nghiên cứu khoa học lịch sử của ông ngày càng được nuôi dưỡng và phát triển. Những năm còn đứng trên bục giảng, niềm đam mê khoa học lịch sử khiến ông cứ rảnh rỗi lúc nào lại sách chiếc cặp da với lỉnh kỉnh bút sách, giấy dó, mực tàu cùng chiếc xe đạp cũ rong ruổi đến khắp các đình, chùa, miếu mạo ở khắp các thôn, làng để ghi chép tài liệu phát hiện được từ người dân địa phương, từ trong bia đá, câu đối, truyền thuyết, văn bản… Đến nay, không có di tích lịch sử, không có thôn, làng nào ở huyện Vụ Bản mà không có dấu chân ông. Đêm về, trong căn phòng nhỏ, ông lại thao thức, cặm cụi so sánh, đối chiếu, tìm hiểu, sắp xếp các tư liệu tìm được. Cứ thế, những cuốn sách có giá trị về lịch sử, về văn hóa của địa phương ra đời. Ông được kết nạp trở thành hội viên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Văn học Dân gian Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Ông tâm sự: “Tôi đã đi qua 160 thôn, làng của huyện Vụ Bản để thu thập dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử. Thuận lợi cũng nhiều nhưng không ít gian truân. Nhà báo biết đấy, thời kỳ “cao trào” chống mê tín dị đoan việc tôi đi lại hết đình, chùa, miếu, rồi gặp gỡ ông, bà đồng, ghi chép, dịch nghĩa những văn bia, câu đối của tôi rất dễ bị “ghép” tội mê tín dị đoan, liệt vào “đối tượng có vấn đề về tư tưởng”. Vài ba lần tôi bị công an, xã đội trưởng đưa về trụ sở xã để điều tra vì nghi ngờ có liên quan đến việc truyền bá mê tín, dị đoan… Thậm chí tại nơi công tác tôi cũng gặp không ít khó khăn trả giá cho niềm đam mê của mình”. Không nề hà khó khăn, ông vẫn chuyên tâm với niềm đam mê nghiên cứu tìm lại dấu tích xưa của mình, bởi theo ông vẫn còn rất nhiều nơi mà ông chưa đặt chân đến và còn nhiều văn tự cổ quý hiếm ông vẫn chưa có duyên được tiếp cận. Trong khi “mỗi năm, mỗi tuổi”, thời gian cứ đuổi sau lưng, nếu không sớm được dịch và lưu giữ cẩn thận rất dễ bị thất lạc hoặc mai một theo thời gian. Ông bộc bạch, quãng đời còn lại của mình, tôi vẫn muốn tranh thủ sưu tầm và dịch tài liệu mong có đủ thời gian để viết tiếp những công trình khoa học còn dang dở, những bộ phim tài liệu về văn hóa chưa hoàn thành.
 
Ngót nghét “cửu thập”, quá tuổi “xưa nay hiếm” đã lâu, chân đã mỏi, sức đã yếu, đi lại khó khăn nhưng ông Bùi Văn Tam vẫn chưa muốn nghỉ. Ông vẫn miệt mài và đam mê với công việc sưu tầm, nghiên cứu địa chí, lịch sử quê nhà. Hơn 50 năm rong ruổi khắp các thôn, làng, đình, chùa, đền, miếu… không quản công sức, thời gian lân la, “đeo bám” các ông, bà đồng để tìm hiểu thông tin, tư liệu về lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, sau mỗi công trình nghiên cứu, ông thường dành một phần ấn phẩm gửi tặng những người con quê hương Vụ Bản đang làm ăn công tác xa xứ với mong muốn phổ biến, truyền bá những giá trị cội nguồn dân tộc, lịch sử quê hương luôn đến trong mỗi con người, mỗi nếp nhà. Nhiều khi tư liệu đã hoàn thành, ông sợ thất lạc đành bỏ tiền túi ra in sách, rồi tự mình sửa bản bông, soát lỗi mo-rát chứ chẳng giám mượn ai, bởi một phần do kinh phí ít, phần khác sợ người chỉnh sửa làm sai hỏng ngữ nghĩa mà ông đã cân nhắc từng câu, từng chữ. Lặng lẽ với công việc nghiên cứu lịch sử, ông được người dân trong vùng phong danh pho từ điển sống về đất Thiên Bản lục kỳ xưa./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com