Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) - Kỳ 19

08:12, 27/12/2016

[links()]

(Tiếp theo)

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là: Địa giới hành chính của hai tỉnh khi chia tách sẽ thực hiện theo nguyên tắc "hợp nhất thế nào nay tách ra như vậy". Các doanh nghiệp nằm trên địa bàn tỉnh nào giữ nguyên tại địa bàn tỉnh đó. Về cán bộ: trước mắt không lấy cán bộ từ khu vực sản xuất kinh doanh về khu vực hành chính sự nghiệp. Cán bộ quê quán ở đâu, cán bộ trước khi hợp nhất tỉnh công tác ở tỉnh nào nay chuyển về công tác ở tỉnh đó. Tài sản, tài chính khi chia được bàn bạc tập thể, dân chủ, công khai. Đề cao tinh thần tương trợ, giúp tỉnh có khó khăn, tạo điều kiện để mỗi tỉnh cùng có cơ hội phát triển. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng đề cương thống nhất để tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm ổn định tư tưởng.

Để giúp công tác chia tỉnh được tiến hành nhanh gọn, đúng tiến độ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra các quyết định thành lập Ban chỉ đạo và các tiểu ban chịu trách nhiệm từng mặt công tác chính, gồm các tiểu ban công tác tư tưởng, tổ chức cán bộ, phân chia tài sản tài chính, chuẩn bị địa điểm trụ sở làm việc, địa giới hành chính. Nghị quyết của Tỉnh ủy được phổ biến đến các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc để tổ chức thực hiện theo phương châm: "Tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết và tiết kiệm".

Ngày 25-12-1996, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Hà (khoá IX) tiến hành Hội nghị lần thứ 6 để nghe thông báo Quyết định số 120-QĐ/TW, ngày 12-12-1996 của Bộ Chính trị về việc thành lập và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời hai tỉnh.

Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Nam Định gồm 37 đồng chí; Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Trần Minh Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Phúc Tựu là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Trần Quang Ngọc là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.

Huyện Bình Lục tiến hành bàn giao 7 xã (thuộc huyện Mỹ Lộc cũ) về thành phố Nam Định theo Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10. Ngày 28-12-1996, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định đã tổ chức lễ tiễn các đồng chí lãnh đạo và cán bộ của tỉnh Hà Nam về địa điểm làm việc mới trong bầu không khí đoàn kết, trang trọng và đầy kỷ niệm.

Từ năm 1991 đến năm 1996, dưới ánh sáng Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, lần thứ VIII của Đảng và sau 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ Nam Hà tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện, sâu sắc trên lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3. Chỉ trong 6 năm, tỉnh hai lần chia cách, trong khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhất là sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Song, Đảng bộ, quân và dân Nam Hà đã đoàn kết, trụ vững, vượt qua những khó khăn, thử thách và tiếp tục phát triển, tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước.

Với những chủ trương và giải pháp đúng đắn, từ năm 1991 đến năm 1996, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi những mục tiêu cơ bản do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, lần thứ IX đề ra. Cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được nâng cấp và xây dựng mới. Hệ thống đường giao thông (nhất là giao thông nông thôn) được tỉnh chú trọng đầu tư nâng cấp. Tỉnh Nam Hà, huyện Xuân Thuỷ nằm trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về giao thông nông thôn. Sản xuất nông nghiệp phát triển và có những tiến bộ vượt bậc. Nam Hà là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về sản xuất lúa, liên tục giành đỉnh cao về năng suất và tổng sản lượng với trên 1 triệu tấn/năm. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh có bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng, giữ vững và phát huy được truyền thống hiếu học, dạy tốt, học tốt. Tỉnh nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu ngành giáo dục toàn quốc. Hệ thống chính trị được đổi mới, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được tăng cường. Trình độ lãnh đạo, năng lực tổ chức quản lý của cán bộ thích ứng dần với cơ chế, tình hình mới... Những thành tựu trên là kết quả sự phấn đấu, nỗ lực của tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành; của cán bộ, đảng viên, quân và dân trong tỉnh đã khắc phục mọi khó khăn, vươn lên bằng chính sức mình.

Những kết quả đạt được, những kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý trong quá trình đổi mới toàn diện, sâu sắc 6 năm (1991-1996) là tiền đề để Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước (1997-2000).

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com