Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) - Kỳ 17

03:12, 20/12/2016

[links()]

(Tiếp theo)

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tỉnh chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp, củng cố các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các xí nghiệp mũi nhọn ra đời, phát triển tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện cho công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Căn cứ Chỉ thị số 500/TTg và Nghị định số 50/CP của Chính phủ, Tỉnh ủy giao cho Ban đổi mới doanh nghiệp của tỉnh hoàn chỉnh đề án rà soát lại phương án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 1996-2000 trình Chính phủ xem xét. Quá trình tổ chức, sắp xếp lại sản xuất đã giúp ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn; công nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là khu vực tư nhân, cá thể phát triển. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1996 đạt 950 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 1995. Trong đó công nghiệp Trung ương trên địa bàn đạt 380 tỷ đồng, tăng 9,5%. Công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 345 tỷ đồng, tăng 10,8%- Nhiều ngành tăng khá như bia, nước giải khát tăng 119,6%, thịt đông lạnh tăng 15,9%, vải các loại tăng 15,6%, gạch nung tăng 19,5%... Nhìn chung, lực lượng sản xuất có bước phát triển, quan hệ sản xuất từng bước được củng cố, nền kinh tế nhiều thành phần được hình thành. Kinh tế quốc doanh bước đầu được tổ chức sắp xếp lại. Kinh tế ngoài quốc doanh được chú trọng. Nhiều doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, tổ hợp sản xuất đã được thành lập. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển chậm so với bình quân cả nước, ở nhiều đơn vị, công nhân không đủ việc làm, nhiều sản phẩm chất lượng còn thấp, không đủ sức cạnh tranh, hiệu quả thấp.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh đã khai thác và huy động các nguồn vốn để tập trung cho xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1996, tỉnh dành 450 tỷ đồng vốn đầu tư cho thủy lợi, giao thông, công trình công nghiệp, công trình phúc lợi xã hội... Việc triển khai chương trình “Ba năm làm đường giao thông” theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đạt kết quả khá. Trong hai năm 1995-1996, tỉnh huy động nguồn vốn và ngày công quy ra tiền là 344,5 tỷ đồng, trong đó 78% là do nhân dân tự nguyện đóng góp; nâng cấp và làm mới 2.381 km đường (trong đó có 703 km đường nhựa) trong tổng số đường giao thông của tỉnh là 5.633 km. Với kết quả đó, tỉnh Nam Hà nói chung, huyện Xuân Thuỷ nói riêng trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về giao thông nông thôn. Cùng với chiến lược tăng tốc của bưu chính viễn thông quốc gia, tỉnh được đầu tư trang thiết bị công nghệ, cải tạo mạng lưới thông tin, bưu điện, liên lạc thuận lợi. Các công trình thủy lợi, điện được chú trọng đầu tư, cải tạo và nâng cấp. Toàn tỉnh có 450 trạm bơm điện, 1.668 km đường điện cao thế và hơn 24.000 km đường điện hạ thế. Hạ tầng cơ sở văn hóa, xã hội có bước phát triển rõ rệt. Toàn tỉnh xây mới và cải tạo 7.652 phòng học, trong đó 50% là phòng học kiên cố... Những công trình kỹ thuật hạ tầng được xây dựng đã phát huy tác dụng, tạo đà cho sự phát triển nhanh hơn trong những năm tiếp theo.

Thị trường hàng hóa ngày càng phong phú, lưu thông thuận tiện, giá cả ổn định. Công tác xuất khẩu có cố gắng, giá trị hàng xuất khẩu năm 1996 đạt 37,3 triệu USD, tăng 20% so với năm 1995; giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt 18 USD/người/năm, thấp hơn so với bình quân toàn quốc. Lĩnh vực quản lý tài chính, ngân hàng từng bước được đổi mới góp phần vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường. Mặc dù nguồn thu hạn chế, yêu cầu chi tăng nhưng ngành tài chính đã cố gắng khai thác nguồn thu, đảm bảo yêu cầu chi thiết yếu. Ngân sách xã thường xuyên được quan tâm phát triển. Ngành ngân hàng và kho bạc đáp ứng thu chi tiền mặt trên địa bàn, huy động tạo nguồn vốn để cho các thành phần kinh tế vay phát triển sản xuất kinh doanh. Thu ngân sách trên địa bàn năm 1996 đạt 150,5 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 1995. Trong đó, thu từ xí nghiệp quốc doanh Trung ương tăng 6,2%, từ xí nghiệp quốc doanh địa phương tăng 24%, thu ngoài quốc doanh tăng 43,6%, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tăng 6%. Tổng thu ngân sách địa phương cả năm đạt 370 tỷ đồng, tăng 17,7% so với năm 1995.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng. Tỉnh giữ vững và phát huy tốt truyền thống hiếu học, dạy tốt, học tốt; nhiều năm liền là đơn vị dẫn đầu ngành giáo dục toàn quốc, số người đi học mỗi năm tăng bình quân 4,6%. Toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; 116 xã, phường, thị trấn đã phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Công tác y tế, chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được triển khai rộng khắp. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được các cấp ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo, từ đó giảm được nhịp độ tăng dân số. Năm 1996, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,41%.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com