Các di tích thờ danh nhân văn hoá của quê hương

08:09, 16/09/2016

Là vùng đất văn hoá giàu truyền thống hiếu học trong các triều đại phong kiến, tỉnh ta có nhiều danh nhân văn hoá với các vị đại khoa đỗ Trạng nguyên, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài… Để tưởng nhớ và vinh danh công lao nhằm giáo dục truyền thống khuyến học, khuyến tài cho các thế hệ con cháu, nhân dân các địa phương đã dựng đền, đình thờ các bậc hiền tài, đỗ đạt cao, có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước để thờ phụng.

Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu, xã Nam Hùng (Nam Trực).
Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đền thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu, xã Nam Hùng (Nam Trực).

Đất Thiên Bản xưa (nay là Vụ Bản) có 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 3 Hoàng giáp. Trong đó Trạng nguyên Lương Thế Vinh là danh nhân văn hóa tiêu biểu trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng “thần đồng” khắp vùng bởi tư chất thông minh, nhanh trí, thi đỗ Trạng nguyên khi mới 23 tuổi. Không chỉ đóng góp nhiều công trạng với đất nước, ông còn được biết đến là người tài hoa, uyên bác về âm nhạc, giáo dục, toán học, văn học… Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở thôn Cao Phương, xã Liên Bảo được xây dựng trên nền nhà cũ của gia đình - nơi ông đã từng sinh sống. Đền được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1990, gồm ba cung đệ tam, đệ nhị và đệ nhất nối tiếp nhau với nhiều họa tiết kiến trúc gỗ tiêu biểu. Đặc biệt tại đền còn giữ được một tấm hình vẽ chân dung Trạng nguyên ngồi bên án thư trên gỗ quý kích thước 1mx1m. Từ khi xây dựng (thế kỷ XVI) đến nay, ngôi đền đã được nhiều nhà khoa bảng như: Tiến sĩ Đỗ Quang Dần, Tiến sĩ Phạm Đạo Phú, Hoàng giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến… đến thăm viếng, đề thơ ca ngợi, làm câu đối phúng. Huyện Ý Yên là quê hương của 7 vị Hoàng giáp với các “làng khoa bảng” như Tam Đăng, La Ngạn, Thượng Đồng… Toàn huyện có 36 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có nhiều di tích thờ danh nhân văn hóa của quê hương, tiêu biểu như: Đền Phạm Xá (xã Yên Nhân), Từ đường Phạm Văn Nghị (xã Yên Thắng), Từ đường Khiếu Năng Tĩnh (xã Yên Cường), Từ đường họ Lã (xã Yên Tiến)… Từ đường họ Lã, xã Yên Tiến được xây dựng đầu thế kỷ XX thờ cụ Phó bảng Lã Xuân Oai - Người có công trong việc tổ chức khai khẩn lập nên tổng Tam Đồng tại vùng đất Nho Quan (Ninh Bình). Từ đường hiện còn một đại tự khắc gỗ, sơn son thếp vàng với 4 chữ “Lã thị từ đường” và đôi câu đối sơn son từ thế kỷ XIX có nội dung ca ngợi công đức, nền nếp của tông tộc dòng họ Lã ở địa phương… Từ đường thờ Phạm Văn Nghị, thôn Tam Quang, xã Yên Thắng được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1996. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị lần lượt đỗ Tú tài (1826), Cử nhân (1837) và Hoàng giáp (1838). Trong thời gian làm quan, ông vẫn vừa học vừa đào tạo nhân tài cho đất nước. Học trò của ông nhiều người đỗ đạt cao như: Tam nguyên Trần Bích San, Tam nguyên Nguyễn Khuyến, Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi… Tại di tích, nhân dân địa phương đã nhiều lần phát tâm công đức trùng tu tôn tạo nhằm gìn giữ giá trị kiến trúc gốc. Từ đường hiện có 2 tòa xây dựng theo kiểu chữ “Đinh”, tiền đường 3 gian, hậu cung 1 gian với nghệ thuật kiến trúc theo phong cách truyền thống. Xã Yên Cường có 2 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó Từ đường Khiếu Năng Tĩnh là di tích được Bộ VH, TT và DL xếp hạng. Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh là một học giả uyên thâm, một nhà giáo lỗi lạc làm tới chức quan Tế tửu Quốc tử giám. Ông là tác giả của các tác phẩm: Địa chí Hà Nội, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Đại An mạt khảo... Sau khi Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh qua đời (1915), con cháu dòng họ và học trò đã tu sửa ngôi nhà của ông thành nơi thờ tự. Trải qua bao biến động của lịch sử và thiên nhiên, từ đường đã bị xuống cấp, con cháu dòng họ đã 5 lần tu sửa, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nguyên trạng kiến trúc công trình. Bên cạnh giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hằng năm tại từ đường còn diễn ra lễ kỵ Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh vào ngày mùng 6 tháng tư âm lịch và nhiều sinh hoạt văn hoá của con, cháu trong họ. Huyện Nam Trực là quê hương của 3 vị Trạng nguyên, 1 Hoàng giáp, 15 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 1 Phó bảng và 86 Cử nhân, Tú tài. Trong số 51 di tích lịch sử - văn hóa của huyện được xếp hạng bảo vệ, tôn tạo, có hơn 20 di tích thờ các danh nhân văn hóa của quê hương có giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đền Giao Cù, xã Đồng Sơn thờ Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi. Tại khoa thi năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, từng giữ các chức vụ trong triều đình như: Quang lộc tự Thiếu khanh, Tả lý bộ binh... Năm 1881, ông được bổ làm Thượng biện tỉnh Nam Định. Ngày 27-3-1883, giặc Pháp đánh thành Nam Định lần thứ hai, Thượng biện Vũ Hữu Lợi lĩnh một đội quân đóng ở phía nam bến Đò Quan, trực tiếp cản giặc. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, tại quê nhà, Vũ Hữu Lợi chiêu mộ được gần 2.000 nghĩa binh, chủ động tổ chức đánh địch nhiều trận. Sau khi bị giặc giết hại, để tưởng nhớ một con người hết lòng vì dân vì nước, dòng họ đã lập từ đường thờ phụng ông, quê hương đã lập đền thờ ông. Đền Giao Cù được xây theo kiểu chữ Đinh, mặt quay hướng tây, trên một khu đất rộng, phía trước có một ao nhỏ; ngoài cùng là hệ thống nghi môn với hàng cột đồng trụ soi bóng xuống mặt ao xanh mát.

Hơn 100 năm nay Đền Giao Cù vẫn ngày ngày hương khói thể hiện nghĩa tình và đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân địa phương. Cùng với di tích Đền Giao Cù, ngày nay nhiều di tích ở Nam Trực đã trở thành một trung tâm văn hóa làng xã nhằm tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học, tôn vinh công lao to lớn của các vị đại khoa có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước ở các thời kỳ như: Đền Thượng Lao, Đền Xối Thượng, xã Nam Thanh là di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 2001 thờ anh em sinh đôi là Bảng nhãn Lê Hiến Giản và Tiến sĩ Lê Hiến Tứ. Xã Nam Thắng có Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi, khi mất được Vua Trần cho lập đền thờ tại quê hương và phong là Thượng Đẳng Thần, được nhân dân tôn là Thành hoàng làng. Xã Tân Thịnh có Đền Đá thờ hai vị đại khoa họ Hoàng và họ Lưu. Xã Nam Hùng có Đền thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu đỗ Trạng nguyên khi đã 55 tuổi, làm quan tới chức Lại bộ tả thị lang với phẩm chất thanh liêm, cương trực. Huyện Nghĩa Hưng là địa phương có truyền thống hiếu học gắn liền với thân thế và sự nghiệp của các vị đại khoa như: Phạm Văn Nghị, Phạm Cự Lượng, Phạm Đạo Phú, Phạm Nguyên Bảo, Doãn Khuê, Vũ Huy Trác, Bùi Văn Phan… Trên địa bàn huyện có 6 di tích thờ danh nhân văn hoá được Bộ VH, TT và DL, UBND tỉnh công nhận, xếp hạng là: Đền Chùa Hưng Thịnh (xã Hoàng Nam) thờ hai vị Tiến sĩ thời Lê là Phạm Đạo Bảo và Phạm Đạo Phú; Đền thờ Hoàng Giáp Tam đăng Phạm Văn Nghị (xã Nghĩa Lâm); Đình Hưng Lộc, Đình Chùa Hải Lạng (xã Nghĩa Thịnh) thờ Thái uý Phạm Cự Lượng; Đền thờ Tiến sĩ Doãn Khuê (xã Nghĩa Thành); Chùa Lộng Điền (xã Nghĩa Đồng) thờ Tiến sĩ Vũ Huy Trác và 6 vị đỗ cử nhân dưới triều Nguyễn...

Thời gian qua, các địa phương có di tích thờ danh nhân văn hóa quê hương đã phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Hằng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, các cơ sở giáo dục ở các địa phương thường tổ chức dâng hương, giáo dục truyền thống tại các di tích, thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập ngoại khóa tìm hiểu về di tích, thân thế sự nghiệp của các vị đại khoa. Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân địa phương cùng các con cháu mỗi dòng họ sau khi dâng hương ai có thành tích học tập xuất sắc sẽ được vinh danh tại di tích; qua đó, phát động khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm; các lễ hội được quản lý chặt chẽ góp phần gìn giữ và tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com