Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 9

03:09, 01/09/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26-10-1987 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chính sách khoa học - kỹ thuật để thực hiện bốn chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, các cấp ủy đảng và chính quyền đã quan tâm chỉ đạo về công tác khoa học - kỹ thuật. Một số thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và vào y tế, giáo dục, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được mở rộng ở một số ngành và cơ sở. Hoạt động khoa học - kỹ thuật cải tiến, vận dụng tốt theo phương thức ký kết hợp đồng kinh tế - kỹ thuật ở các ngành, địa phương và cơ sở. Hệ thống cơ quan quản lý khoa học - kỹ thuật từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, góp phần đưa hoạt động khoa học - kỹ thuật vào nền nếp, thúc đẩy quá trình gắn khoa học - kỹ thuật với sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, hoạt động khoa học - kỹ thuật của tỉnh chưa đều, chất lượng và hiệu quả còn thấp. Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật của tỉnh đông nhưng cơ cấu không phù hợp, cán bộ khoa học - kỹ thuật giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề còn quá ít. Công tác thông tin khoa học - kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, việc tổng kết và nhân điển hình tiên tiến thực hiện chưa thường xuyên và thiếu kịp thời.

Triển khai thực hiện 12 chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu và phong trào “Năm dứt điểm” về y tế được tỉnh chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các cấp, các ngành chủ động phòng ngừa dịch bệnh, kịp thời phát hiện, bao vây, giải quyết các ổ dịch, không để lây lan và hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh gây ra. Các huyện như Hải Hậu, Nam Ninh, Xuân Thủy đã triển khai hiệu quả, thiết thực việc bảo vệ và tăng cường sức khoẻ cho nhân dân, góp phần tích cực và trực tiếp đẩy mạnh sản xuất và các mặt hoạt động khác. Một số bệnh xã hội như phong, lao, đau mắt hột, đục thủy tinh thể... giảm rõ rệt. Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được chỉ đạo triển khai tốt. Hằng năm có trên 90% các cháu trong độ tuổi được tiêm phòng theo quy định. Công tác khám, chữa bệnh ở các bệnh viện, trạm y tế có nhiều cố gắng; nhiều tấm gương tốt về tinh thần trách nhiệm và thái độ tận tình của thầy thuốc đối với bệnh nhân được nhân dân khen ngợi. Việc giải quyết thuốc cho ngành y, cả thuốc nam và tân dược có nhiều cố gắng, từng bước đáp ứng theo yêu cầu chữa bệnh của nhân dân. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố và tăng cường về số lượng cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, cả về y và dược. Đến năm 1990 toàn tỉnh có trên 11.000 cán bộ y tế, trong đó 1.400 người có trình độ đại học. Nhiều đồng chí rất nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu Lương y như  từ mẫu; ba cán bộ y tế tỉnh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn, nhưng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cơ sở vật chất kỹ thuật của các bệnh viện, phòng khám đa khoa, đặc biệt là các trạm y tế ở xã phường được tăng cường. Nhiều trạm y tế đảm nhiệm tốt việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, khám chữa bệnh thông thường cho nhân dân tại cơ sở. Dưới sự chỉ đạo của sở Y tế các huyện đã xây dựng được mạng lưới y tế nhân dân, các tủ thuốc gia đình; nhiều địa phương sử dụng đội ngũ cán bộ y tế về hưu và những người am hiểu các bệnh thông thường, sử dụng các loại thuốc thông thường để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công tác y tế cũng trực tiếp góp phần thực hiện công tác kế hoạch hoá gia đình, giảm tỷ lệ tăng dân số, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Tuy vậy, phong trào quần chúng giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh ở một số nơi còn yếu; công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khoẻ trong nhân dân chưa được chú ý thường xuyên, đúng mức. Mạng lưới y tế cơ sở chưa đồng đều, một số nơi thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật; đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ sức khoẻ, điều trị bệnh cho nhân dân. Tình trạng xuống cấp ở các bệnh viện, nhất là trong việc khám chữa bệnh chậm được khắc phục.

Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện, ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành củng cố và tăng cường chỉ đạo hoạt động của uỷ ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và Ban chỉ đạo cuộc vận động kế hoạch hoá gia đình ở các huyện, thành, thị, các cơ quan, xí nghiệp; đồng thời đầu tư kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch. Tỉnh ủy xác định kết quả thực hiện công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức đảng và phân loại đảng viên; kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình. Nhờ vậy, tốc độ tăng dân số tự nhiên của tỉnh giảm từ 2,22% năm 1985 xuống còn 1,96% năm 1990. Song công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình vẫn còn hạn chế trong nhận thức của người dân, nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ của nhiều người. Do đó, tốc độ tăng dân số vẫn còn cao, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng tập trung đồng bào theo đạo Thiên Chúa.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com