Nghĩa Hưng - Mảnh đất anh hùng

07:09, 08/09/2016

Trong không khí cả nước hướng tới kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2-9, chúng tôi về huyện Nghĩa Hưng - vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Được trò chuyện với các cán bộ lão thành cách mạng, chúng tôi cảm nhận được sự gian khổ hy sinh và ý chí kiên cường bất khuất chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược của người dân nơi đây.

Thị trấn Liễu Đề hôm nay.
Thị trấn Liễu Đề hôm nay.

Trong những năm chống Pháp, thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã từng bước phát triển, bền bỉ, kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và liên tiếp giành thắng lợi, mà đỉnh cao là phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương trong thời kỳ “Hai năm bốn tháng” (từ tháng 10-1949 đến tháng 2-1952). Ngày ấy, trong kế hoạch mở rộng đánh chiếm đồng bằng Bắc Bộ, ở tỉnh ta, cùng với Hải Hậu, Xuân Trường và Giao Thuỷ, địch chọn huyện Nghĩa Hưng là địa điểm đánh phá. Nơi đây là vùng đất trù phú, đất rộng, ba mặt là sông và biển, thuận tiện cho việc dùng thuỷ quân bao vây, chia cắt. Trung tuần tháng 10-1949, địch mở cuộc hành quân mang tên Ăng-tơ-ra-xít, tập trung 3 binh đoàn cơ động chiếm đóng, lập chốt ở các vị trí xung yếu hai bên triền sông Đào, sông Đáy. Chúng đổ bộ bằng đường sông Đào, đóng chốt ở những vị trí xung yếu hai bên triền sông Đào và sông Đáy; lập bốt ở Phù Sa Thượng (Hoàng Nam), Hải Lạng (Nghĩa Thịnh) và Đống Cao thuộc xã Yên Phúc (Ý Yên)… Trước tình hình trên, Đảng bộ Nghĩa Hưng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện kế hoạch “Vườn không nhà trống” ở những nơi địch đến, đắp nhiều ụ đất trên sông Đào, đào hào cắt ngang đường 55, đường 56 và đường Đen. Nhằm ngăn chặn bước tiến của địch, huyện đã đặt 3 trạm liên lạc ở 3 miền: Vạn Thắng (miền Thượng), Hồng Thái (miền Trung), Hồng Phong (miền Hạ) để chỉ đạo, liên hệ. Ngày 20-10-1949, quân ta bố trí đánh thuỷ lôi trên sông Đào, Phù Sa Thượng tiêu diệt 8 ca nô, tàu chiến của địch. Tháng 11-1949, địch mở cuộc tiến công với nhiều máy bay, tàu chiến đánh chiếm 3 miền Thượng, Trung, Hạ của huyện. Một số vùng như: Liễu Đề, Quần Liêu, Lạc Đạo, Giáo Phòng, Giáo Lạc, Quỹ Nhất, Quần Vinh, Văn Giáo… bị địch chiếm đóng hoàn toàn. Ngày 10-12-1950, địch dùng một lực lượng lớn lính Âu phi mở hai mũi tiến công, ồ ạt vào càn quét khu du kích Đồng Nguyên. Sau hơn một ngày đánh phá ác liệt, trước sự chống trả quyết liệt của quân dân địa phương, 140 tên địch đã bị ta tiêu diệt, buộc chúng phải rút quân. Để phối hợp chiến đấu cùng với quân dân Đồng Nguyên, Huyện ủy Nghĩa Hưng đã chủ trương mở những trận tiến công lớn vào những căn cứ quan trọng của địch trong toàn huyện, đồng thời đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích. Tối ngày 6-2-1951, bộ đội địa phương và quân du kích các xã Bắc Sơn, Minh Châu đã bố trí tiến công vị trí Đại Tám. Đúng 23 giờ 30 phút, tiếng súng tấn công bốt Đại Tám bắt đầu nổ. Quân ta phục kích đánh bất ngờ làm cho chúng không kịp trở tay, phải huy động quân ở bốt Liễu Đề xuống chi viện. Trong trận “Vây điểm, diệt viện”, bộ đội địa phương và quân du kích các xã đã tiêu diệt 21 quân địch trong đó có 1 tên quan hai Pháp, bắt sống 18 tên, tịch thu nhiều vũ khí trang bị chiến tranh. Ngày 19-2-1951 địch tiếp tục huy động thuỷ, lục, không quân với hơn 2.000 tên thuộc binh đoàn viễn chinh chủ lực của Pháp ở Thành phố Nam Định cùng lực lượng ngụy quân đóng ở các bốt xung quanh làng kháng chiến kéo về bao vây khu căn cứ Đồng Nguyên. Trên đường đi, chúng đốt phá hàng nghìn nóc nhà, cướp bóc trâu, bò, lợn, gà và nhiều tài sản của nhân dân Đồng Nguyên. 5 giờ sáng, pháo của địch từ các vị trí: Giáp Tư, Lạc Chính, Đống Cao, Gôi, cùng máy bay các loại thay nhau nhả đạn, dội bom vào làng kháng chiến Đồng Nguyên. Bầu trời, mặt đất của Đồng Nguyên chìm ngập trong tiếng gào thét của máy bay, bom đạn và khói lửa. Lính bộ binh của địch nấp sau những chiếc xe tăng, xe bọc thép ùn ùn kéo vào Đồng Nguyên. Chờ cho địch đến gần khoảng 15-20m vào địa đạo đã được đặt sẵn, mệnh lệnh tấn công của ta bắt đầu. Mìn, địa lôi, súng của ta bắt đầu nổ với hoả lực mạnh. Những tổ cứu thương, tải đạn lao vun vút trên khắp các chiến hào, dưới bom đạn. Sau hơn 2 ngày chiến đấu với 8 cuộc tấn công vô cùng ác liệt, quân dân Đồng Nguyên đã bắn hạ được hàng chục máy bay và xe tăng, tiêu diệt được trên 400 tên địch, những tên sống sót hoảng loạn tháo chạy. Trước những thắng lợi to lớn trên mặt trận kháng chiến, Tỉnh uỷ đã quyết định trao tặng danh hiệu “Đồng Nguyên bất khuất” để biểu dương tinh thần và ý chí của Chi bộ Đảng và nhân dân Đồng Nguyên. Trong khoảng thời gian từ tháng 11-1951 đến tháng 2-1952, Đảng bộ huyện đã phát động nhiều cuộc chiến tranh du kích, triệt phá cơ sở tề nguỵ tại Nhân Hậu, Liễu Đề, Quần Liêu, Phù Sa, Hải Lạng. Bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương và quân du kích các xã đã giành chính quyền tại các bốt mà địch chiếm đóng như: Tam Toà, Lạc Đạo, Giáo Phòng, Âm Sa, Quỹ Nhất… Đến ngày 30-2-1952, ta đã nhổ sạch các bốt của địch chiếm đóng, giải tán các ban tề, xoá bỏ bộ máy nguỵ quyền trên địa bàn toàn huyện, mở ra khu du kích bao gồm miền Trung, miền Hạ Nghĩa Hưng nối liền với Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu, Giao Thuỷ và Xuân Trường, hình thành khu du kích và căn cứ du kích rộng lớn. Giai đoạn từ năm 1952-1954, quân và dân Nghĩa Hưng đã chiến đấu trên 300 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 762 tên địch, làm bị thương 300 tên, bắt sống 200 tên, thu 145 khẩu súng các loại và nhiều đạn dược, quân trang của địch.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghĩa vụ cao cả của nhân dân Nghĩa Hưng là chi viện hết sức mình cả về người và của cho tiền tuyến. Trong điều kiện vừa phải xây dựng kinh tế vừa trực tiếp chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhân dân Nghĩa Hưng đã làm hết sức mình để góp phần cùng đồng bào miền Nam chiến đấu. Với khẩu hiệu “Miền Nam kêu gọi miền Bắc trả lời” và “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”, lớp lớp thanh niên trong huyện đã lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Khí thế tòng quân của thanh niên Nghĩa Hưng trong thời kỳ này vô cùng sôi nổi. Trong vòng 10 năm (1963-1973), toàn huyện có 35 đợt tuyển quân, hàng chục đợt tuyển thanh niên xung phong, dân công phục vụ tiền tuyến, đợt nào huyện cũng đảm bảo 100% quân số. Các thôn, xã trong huyện đều dấy lên phong trào “Bình cử người đi đánh Mỹ”, “Toàn dân làm việc nước”, “Dòng họ ra quân”… Phong trào “Ba sẵn sàng” và tình nguyện lên đường đánh giặc đã trở thành động lực thúc đẩy hoạt động trong các tổ chức Đoàn từ cơ sở tới các trường học, xí nghiệp. Nhiều đoàn viên thanh niên đã hăng hái tình nguyện lên đường, hàng trăm người đã lấy máu của mình ký vào đơn đi bộ đội. Thanh niên Nghĩa Hưng lên đường với một ý nguyện: Ra đi giữ trọn lời thề/Chưa hết giặc Mỹ chưa về quê hương. Và lần lượt lớp lớp thanh niên trong huyện liên tiếp lên đường, có mặt trên khắp chiến trường miền Nam, hăng hái giết giặc lập công. Nhiều đồng chí đã trở thành dũng sĩ, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng, hàng nghìn đồng chí đã được thưởng Huân chương Chiến công. Ngoài đóng góp về sức người, huyện Nghĩa Hưng còn đóng góp về sức của với nhiều đoàn thuyền vận tải chở hàng hóa vào các chiến trường miền Nam. Với khẩu hiệu “Đầu đội tọa độ, chân đạp bom bi, mở đường mà đi, đưa hàng tới đích”, các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Nam, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải… đều tổ chức những đoàn thuyền trọng tải lương thực hàng trăm tấn, tổ chức hàng chục lượt đi để đưa hàng hóa vào Quân khu 4. Nhiều người trong các đoàn thuyền đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ như các đồng chí: Hà Ngọc Lan, Nguyễn Văn Cốc, Lại Văn Quảng, Nguyễn Văn Tắc… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhân dân trong huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Để cuối cùng, ngày 30-4-1975, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Hưng có quyền tự hào cùng cả nước hoà trong niềm vui chiến thắng khi miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất hoàn toàn.

Những đóng góp to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của Đảng bộ, quân và dân Nghĩa Hưng đã góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT huyện Nghĩa Hưng đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Toàn huyện, có 13 xã, thị trấn được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com