Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, thực hiện và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng (1986-1990) - Kỳ 10

03:09, 06/09/2016

[links()]

 (Tiếp theo)

    Thực hiện Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 9-6-1988, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 17-NQ/TU về thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hoá - văn nghệ. Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cấp ủy và chính quyền các cấp, lực lượng trực tiếp hoạt động văn hoá và các tầng lớp nhân dân đã nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ; xác định vị trí quan trọng của văn hoá, văn nghệ trong sự nghiệp cách mạng, trong xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Hoạt động văn hoá, thông tin có nhiềụ khởi sắc, luôn luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, củng cố niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Nam Định.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Nam Định.

Trong những năm 1987-1990, hoạt động văn hoá, thông tin, phát thanh, truyền hình, thể thao có nhiều hình thức sôi nổi, phong phú, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ kinh tế - xã hội và công cuộc đổi mới ở địa phương. Hoạt động văn hoá, báo, đài chú trọng phát hiện và biểu dương cái mới, cái tốt; mạnh dạn phê phán những tiêu cực cản trở quá trình đổi mới đất nước; góp phần tích cực mở rộng dân chủ hoá, công khai hóa, đổi mới tư duy, nâng cao phẩm chất đạo đức con người mới, làm cho đời sống văn hoá của địa phương ngày càng phong phú và lành mạnh. Các hoạt động văn nghệ chú trọng phát huy truyền thống, khai thác tiềm năng; vừa phát triển toàn diện các loại hình hoạt động cả chuyên nghiệp, nghiệp dư và phong trào quần chúng; vừa có trọng tâm, trọng điểm nhằm giữ gìn, khai thác những thế mạnh truyền thống độc đáo của địa phương. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, mang đậm tính nhân văn được dư luận đồng tình ủng hộ và hoan nghênh.

Ngày 8-9-1988, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Thông tri số 18-TT/TU về việc mở đợt sinh hoạt chính trị “Gia đình cách mạng gương mẫu, người công dân kiểu mẫu”, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh các hoạt động thông tin cổ động, xoay quanh chủ đề xây dựng nếp sống mới, người công dân kiểu mẫu. Phong trào đọc sách báo, hoạt động câu lạc bộ ở cơ sở xã, phường, thị trấn được tăng cường, đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hoạt động mê tín dị đoan và những văn hoá phẩm độc hại được hạn chế. Năm 1990, từ huyện, thành, thị đến tỉnh đều tổ chức thành công Ngày hội văn hoá - thể thao tại địa phương. Tỉnh cử đoàn vận động viên tham dự Đại hội văn hoá - thể thao toàn quốc và giành được thành tích xuất sắc. Huyện Hải Hậu 10 năm liên tục giữ vững lá cờ đầu xây dựng đời sống văn hoá cấp huyện của cả nước. Tỉnh Hà Nam Ninh 3 năm liền được nhận cờ Đơn vị xuất sắc của Bộ Văn hoá.

    Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TU ngày 13-1-1986 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện tốt chính sách thương binh - xã hội, mặc dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã cố gắng chăm lo thực hiệc tốt các chế độ đối với các đối tượng chính sách. Nhiều địa phương, đơn vị quan tâm giải quyết việc làm, xây dựng quỹ bảo trợ xã hội, trợ cấp cho những gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Hoạt động xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, đón thương binh nặng về nuôi dưỡng tại gia đình trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Vào các dịp lễ, tết hằng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp đều tổ chức tới thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình liệt sĩ, thương binh, lão thành cách mạng. Trong khi nguồn kinh phí từ bảo hiểm xã hội mới trang trải được 40% kế hoạch, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã cố gắng tạo nguồn để chi trả lương, trợ cấp cho các gia đình chính sách và những đối tượng hưởng lương hưu đúng kỳ hạn, giảm bớt tình trạng khất nợ, chậm trả lương như những năm trước đây. Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số105 của Hội đồng Bộ trưởng, công tác hậu phương quân đội trên địa bàn tỉnh có nhiều cố gắng. Từ tháng 1-1988 đến tháng 9-1990, tỉnh tiếp nhận 62 thương binh nặng về điểu trị an dưỡng tại Đoàn 586; tiếp nhận về bàn giao 318 hồ sơ liệt sĩ; điều tra xác minh 192 trường hợp mất tích, trong đó đã báo tử được 78 trường hợp; hoàn thành xét duyệt 5 vạn huân, huy chương các loại; hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, hàng nghìn sổ tiết kiệm, hàng trăm nghìn gói quà được trao tận tay gia đình liệt sĩ, thương binh và những người có công với cách mạng.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com