Độc đáo điêu khắc củ đinh lăng

08:10, 23/10/2020

Cây đinh lăng của tỉnh ta nổi tiếng cả nước không chỉ bởi những vùng trồng lớn có quy mô hàng trăm ha như Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, sản lượng cao giá trị dược tính trong cây đinh lăng tốt hơn hẳn các khu vực khác. Thời gian gần đây, người tiêu dùng cả nước còn biết đến sản phẩm điêu khắc củ đinh lăng hội tụ tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc, kỹ nghệ làm vườn và sự năng động, sáng tạo của người làm nghề.

Điêu khắc củ đinh lăng tại gia đình ông Trần Văn Hài, xóm 18 xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Điêu khắc củ đinh lăng tại gia đình ông Trần Văn Hài, xóm 18 xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Không ngừng sáng tạo

Đến thăm xưởng chế tác củ đinh lăng của gia đình ông Trần Văn Hài, xóm 18, xã Trực Hùng (Trực Ninh), chứng kiến những người thợ lành nghề thoăn thoắt xoay vần, cắt tỉa, chạm trổ gốc đinh lăng thành những tác phẩm nghệ thuật mới thấy hết sự năng động, tài hoa của người thợ. Từ củ đinh lăng đơn thuần, qua bàn tay người thợ điêu khắc đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sản phẩm nào cũng sắc nét với kích thước to, nhỏ tùy vào nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Ông Trần Văn Hài cho biết: Mỗi bình rượu đinh lăng là một tác phẩm nghệ thuật. Củ đinh lăng phát triển tự do, rất giòn, dễ gẫy, nên phải thật khéo léo trong quá trình tạo hình, vào bình. Để có được một tác phẩm hoàn hảo, các nghệ nhân không những phải có tư duy sáng tạo, bàn tay khéo léo, tỉ mỉ mà còn cần nguyên liệu vừa ý để có thể cho ra tác phẩm đẹp. Theo đó củ để điêu khắc phải là đinh lăng nếp, lá nhỏ, rễ thơm, càng lâu năm càng tốt. Nguyên tắc chế tác là tôn trọng tối đa hình dáng tự nhiên của củ đinh lăng, có như vậy tác phẩm mới mềm mại và “có hồn”. Người thợ sẽ dựa theo dáng củ để định hình, sáng tạo tác phẩm. Chủ đề ý tưởng thường là các nhân vật, tích truyện cổ điển truyền thống như linh vật, tứ quý… Nếu củ có bộ rễ nhỏ nhưng dài, đều sẽ được dành để chạm trổ thành hình long, phượng, cá chép, 12 con giáp…; củ có bộ rễ to, mập mạp sẽ được chọn để tạo hình quan Thần tài, tam đa Phúc, Lộc, Thọ… Đối với những tích truyện cần nhiều chi tiết như “Bát tiên quá hải”, “Long phượng sum vầy”, “Vinh quy bái tổ”… người thợ sẽ chọn củ đinh lăng phù hợp cho đục chạm từng chi tiết, sau đó dùng đinh tre ghép lại để tạo nên hoạt cảnh lớn. Khác với chạm khắc gỗ, điêu khắc củ đinh lăng cần 2 yếu tố đó là kỹ thuật tạo hình ngay khi củ còn tươi để giữ nguyên dược tính của nó trước khi ngâm rượu và vào bình sao cho khéo để không bị gẫy. Đây cũng chính là cái khó của nghề điêu khắc củ đinh lăng không phải bất cứ ai biết đục chạm là có thể làm được. Đặc biệt đối với những củ mọc tự nhiên, rễ xòe rộng, không thể cho vào chiếc bình hình trụ đứng, người thợ phải dùng đến “thuật xoay rễ” bằng cách cắt rễ vát chéo rồi xoay chiều, ghép hướng vào trong và dùng đinh tre cố định lại. Thông thường, một tác phẩm điêu khắc củ đinh lăng chỉ mất vài giờ, những tác phẩm phức tạp cần chỉnh sửa nhiều có khi phải mất vài ngày mới xong, phải kết hợp hai, ba người cùng làm để đảm bảo hoàn thiện tác phẩm khi củ còn tươi. “Với cách làm này không riêng gì sản phẩm củ đinh lăng điêu khắc của gia đình tôi mà các cơ sở khác trên địa bàn đều được thương lái đánh giá cao. Hiện tại trung bình mỗi tháng gia đình tôi sản xuất hàng trăm sản phẩm xuất bán thị trường toàn quốc” - ông Hài cho biết. Ngoài gia đình ông Hài, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục cơ sở điêu khắc củ đinh lăng ở các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, thành phố Nam Định. Cùng với sự sáng tạo của người thợ điêu khắc, người trồng cây cũng nhanh nhạy áp dụng kỹ thuật định hình củ đinh lăng ngay từ khi trồng theo 2 xu hướng cơ bản là khối dài và bản rộng, củ to mập cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Theo đó, người trồng cây sẽ không để rễ đinh lăng phát triển tự do trong đất vườn như trước đây mà sẽ làm khuôn định hình cho đinh lăng tạo củ. Những sáng tạo này đã giúp cho sản phẩm đinh lăng Nam Định nổi tiếng trên toàn quốc bởi hội tụ đủ 2 yếu tố thẩm mỹ và chất lượng hơn hẳn sản phẩm cùng loại trên thị trường. 

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Tỉnh ta có vùng trồng đinh lăng lên tới hàng trăm ha; nghề chạm trổ, điêu khắc cũng có truyền thống hàng trăm năm. Sự kết hợp đã làm nên những tác phẩm độc đáo nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm củ đinh lăng lên hàng chục lần, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, giúp nghề trồng cây đinh lăng phát triển bền vững. Củ đinh lăng được tạo hình thành rồng, phượng, cá chép, tiên ông, Thần tài… có giá bán từ 3 triệu đồng lên tới vài chục, vài trăm triệu đồng tùy vào độ tuổi của củ đinh lăng, tính chất phức tạp của các chi tiết và kích thước của sản phẩm. Những bình rượu ngâm củ đinh lăng điêu khắc vừa có giá trị sử dụng trong ẩm thực, vừa kết hợp trưng bày, làm đẹp cho không gian phòng khách, phòng ăn, tiền sảnh của các nhà hàng, khách sạn, tư gia. Ông Phạm Quốc Hoàn, xã Giao An (Giao Thủy) - tỉ phú với vườn đinh lăng hơn 4 mẫu cho biết: Gia đình tôi trồng cây đinh lăng từ năm 1994. Trước đây tôi chỉ cung ứng đinh lăng thô cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Traphaco chế biến thuốc. Từ khi phong trào điêu khắc củ đinh lăng phát triển, tôi áp dụng kỹ thuật định hình rễ cho vườn cây của mình. Theo đó, thay vì trồng trên nền đất vườn, tôi cố định cây vào chum sành, vỏ nhựa hoặc bao xi măng có kích thước nhất định để củ chỉ phát triển trong phạm vi đó, thuận tiện khi chế tác. Từ khi áp dụng kỹ thuật mới, giá trị kinh tế từ củ đinh lăng đã tăng lên gấp hơn nhiều lần so với giá bán nguyên liệu thô cho doanh nghiệp chế biến thuốc. Người trồng đinh lăng mở rộng thị trường tiêu thụ không bị phụ thuộc hoàn toàn đầu ra với doanh nghiệp.

Nhờ năng động sáng tạo kết hợp giữa kỹ thuật trồng cấy và nghệ thuật điêu khắc trong chế biến sản phẩm củ đinh lăng để tạo “một tác phẩm nghệ thuật” vừa là vị thuốc bồi bổ cơ thể, vừa dùng làm đồ trang trí, nông dân trong tỉnh đã thành công, thể hiện năng lực thích ứng với thị trường. Xu hướng này cần nhanh chóng khuyến khích nhân rộng và nghiên cứu áp dụng đối với các cây trồng thích hợp khác trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com