Nghề nuôi cá cảnh ở Mỹ Thắng

06:10, 23/10/2020

Về thăm khu nuôi trồng cá cảnh của người dân xóm Kim, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), chúng tôi được “ngắm” những ao nuôi vuông vắn, rộng rãi được quy hoạch khoa học, đẹp mắt. Đến giờ cho cá ăn, dưới mỗi ao, hàng vạn con cá cảnh màu sắc sặc sỡ, “ngửi” thấy mùi cám quen thuộc chen chúc tìm thức ăn. Trong tiếng cá quẫy đuôi, đớp mồi ồn ã, ông Trần Văn Huy, một trong những người đầu tiên đưa con cá cảnh về xóm Kim hồ hởi cho biết: “Nuôi cá cảnh ngoài giá trị kinh tế còn có cái thú riêng. Lúc nông nhàn, ngồi ngắm những đàn cá đủ màu thi nhau bơi lượn, người nuôi cá cảm thấy vui vẻ, thư thái sau những giờ lao động căng thẳng, mệt nhọc”.

Ông Trần Văn Huy, xóm Kim, xã Mỹ Thắng kiểm tra quá trình sinh trưởng của cá cảnh.
Ông Trần Văn Huy, xóm Kim, xã Mỹ Thắng kiểm tra quá trình sinh trưởng của cá cảnh.

Về xóm Kim mùa này, không khí trở nên dịu mát hơn bao giờ hết. Làng xóm được ấp ôm bởi những dãy ao ngăn ô gọn gàng. Trên chục năm về trước, nếu thú chơi cá cảnh của người dân chỉ chủ yếu nhắm vào các “đại gia”, bởi những loại cá bày bán trên thị trường thường có giá khá đắt, có loại lên đến hàng triệu đồng, thì hiện nay, cá cảnh đã trở nên gần gũi với người dân. Ở mỗi lứa tuổi, đều tìm cho mình một loại cá để chơi. Các em nhỏ thường thích một bể cá loại nhỏ, người lớn có thể trang trí cho ngôi nhà của mình một bể thủy sinh. Người có thu nhập cao hơn thì chơi bể nước mặn như đại dương thu nhỏ trong nhà... Nắm bắt được nhu cầu đó, người dân xóm Kim đã chuyển từ nuôi cá thịt sang nuôi các loại cá cảnh. Ban đầu, họ nuôi cá chép cảnh, cá tam dương ngũ sắc, cá vàng bốn đuôi… Tuy nhiên, khoảng 5-7 năm trở lại đây, người dân xóm Kim tập trung vào nuôi các giống cá có giá trị kinh tế cao hơn là cá Koi và cá rồng. Theo ước tính của các hộ nuôi cá cảnh xóm Kim, tỷ lệ người nuôi cá Koi trong xóm chiếm khoảng 80%. Để nuôi được các giống cá cảnh cũng đòi hỏi lắm công phu. Đối với các loại cá cảnh như cá tam dương ngũ sắc, chép cảnh, người nuôi có thể tự nhân giống bằng cách bán cho nhau. Riêng đối với cá vàng bốn đuôi, phải mua giống từ Hải Phòng. Cá cảnh nói chung sau khi đẻ trứng 3, 4 ngày thì thành cá con. Lúc này thức ăn của cá là trứng luộc nghiền nát hòa với nước té xuống hồ cho cá ăn. Giai đoạn tiếp theo người nuôi cá nghiền bột gạo nấu loãng pha thêm nước thành thức ăn cho cá. Cá được 1 tuần tuổi thì lấy cám vịt, cám lợn ngâm cho nở hòa với nước làm mồi cho cá. Khi cá được 20 ngày tuổi trở lên thì mua cám hạt to làm thức ăn. Theo những người nuôi cá xóm Kim, giống cá cảnh ít khi bị mắc bệnh, có sức chịu đựng, chống chọi với mùa đông rất tốt. Tuy nhiên vào dịp cuối năm do cá ít vận động nên thường bị mắc một số chứng bệnh như thối mang cá. Đối với loài chép cảnh, người nuôi kỳ công hơn, phải bắt từng cặp bố mẹ lên để tiêm thuốc kích thích cho cá đẻ đồng loạt. Tháng 2, tháng 3 hàng năm là thời điểm cá cảnh đẻ rộ. Mặc dù là giống cá mới, nhưng theo ông Huy, cá Koi tương đối dễ nuôi. “Nuôi cá Koi quan trọng nhất là để ý đến nước trong bể, ao nuôi và phân phối lượng thức ăn hợp lý cho cá. Theo đó, nước trong bể, ao nuôi không được để quá sâu và phải sạch. Đặc biệt, con cá Koi rất kỵ với phèn, trong nguồn nước có dính phèn cá sẽ không sống được nên các bể, hồ, ao nuôi phải lọc thật sạch phèn trước khi thả cá. Là giống cá ăn tạp, thức ăn của cá Koi rất đa dạng từ sinh vật phù du, rong rêu, giun, loăng quăng cho đến các loại cám, bã đậu, phân xanh… Tuy nhiên, cá Koi vẫn thích hợp nhất với các loại thức ăn được chế biến từ gạo, bột mì, bột ngô… Vì thế, người nuôi cần phải hiểu rõ đặc tính của cá để cho ăn, điều tiết thức ăn hợp lý”, ông Huy chia sẻ. Để cá lớn nhanh, ngoài việc nuôi ở bể xi măng ông Huy còn nuôi cá ở trong các ao nuôi tự nhiên. Ao nuôi cá Koi càng rộng càng tốt vì sẽ có lượng thức ăn tự nhiên nhiều, như thế cá sẽ phát triển và đạt kích cỡ, màu đẹp. Mặc dù là giống cá dễ nuôi, sức đề kháng tốt nhưng cá Koi vẫn mắc một số bệnh về hô hấp, nấm da. Để phòng trừ các loại bệnh này, bên cạnh việc chăm sóc đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, ông Huy rất chú trọng đến việc giữ nhiệt độ ổn định trong các ao nuôi.

Nếu năm 2014 là thời điểm giá các loại cá chép cảnh, cá Koi biến động, rớt đáy thấp nhất xuống còn khoảng 30-40 nghìn đồng/kg thì từ năm 2015 đến nay, giá cá ổn định, thị trường rộng mở hơn. Do đó, những hộ nuôi cá cảnh ở xóm Kim yên tâm đầu tư nuôi. Hiện, cá vàng đang được các hộ xuất bán dao động ở mức 5-10 nghìn đồng/đôi, tùy trọng lượng to nhỏ. Cá chép Nhật được bán với giá 70-100 nghìn đồng/kg. Cá Koi hiện có mức giá 180-200 nghìn đồng/kg; thời điểm cao nhất có thể xuất bán được với giá trên 300 nghìn đồng/kg. Khác với cá thịt, cá cảnh có thời gian nuôi ngắn hơn, 2,5 tháng, trọng lượng vài lạng là có thể xuất bán. Đối với cá giống, mỗi năm người nuôi xuất bán từ 2-3 lứa. Cá thương phẩm, do thời gian nuôi lâu hơn nên trung bình mỗi năm người nuôi xuất bán từ 1-2 lứa. Cá cảnh ở xóm Kim hiện được bán ở khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc và vào đến tận Đà Nẵng, Nha Trang. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ mạnh nhất vẫn là Thủ đô Hà Nội. Một số hộ nuôi nhiều trong xóm như gia đình ông Huy, ông Hiền, ông Sự…, nhà nhiều có tới 7 mẫu ao, nhà ít cũng khoảng hơn 1 mẫu. Đối với người nuôi cá cảnh như ông Huy, những tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất. “Từ khoảng 20 tháng Chạp trở đi, xe cộ khắp nơi đổ về nhập cá cảnh, buôn bán tấp nập diễn ra từ đầu làng đến cuối xã”, ông Huy cho biết thêm. Những ngày này, ông có thể xuất bán 1-2 tạ cá/ngày. Nghề nuôi cá cảnh của xóm Kim đã giúp cho kinh tế nhiều hộ gia đình trong đó có nhà ông Huy dư dả hơn so với trước. “Theo tính toán của tôi, mỗi gia đình nếu làm 1 mẫu ao nuôi cá cảnh mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng; trừ chi phí giống, điện nước, thức ăn, thuốc phòng bệnh… còn gần 70 triệu đồng tiền lãi. Số tiền này giúp các hộ gia đình có thêm chi phí trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành, sửa chữa nhà cửa. Con cá cảnh đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xóm, của xã”, ông Huy phấn khởi cho biết. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trừ các khoản chi phí, gia đình ông Huy thu về gần 200 triệu đồng tiền lãi từ việc nuôi, kinh doanh cá cảnh.

Rời xóm Kim khi chiều muộn, chúng tôi vẫn còn nghe thấy tiếng cá đớp mồi, quẫy đuôi. Nuôi cá cảnh đã trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế trong gia đình các hộ nông dân ở đây. Có lẽ vì thế, trên những vùng đất chuyển đổi ở Mỹ Thắng, nhiều ao nuôi vẫn đang ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu nhập chính cho các hộ nông dân nơi đây./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com