Làm giàu trên cánh đồng mẫu lớn

06:10, 16/10/2020

Với sự linh hoạt trong việc thuê, mượn lại đất nông nghiệp của các hộ dân trong xã, vợ chồng chị Đỗ Thị Thảo, ở thôn Trung Cấp, xã Tam Thanh (Vụ Bản) đã xây dựng các vùng sản xuất quy mô lớn, đưa nhiều diện tích đất trồng lúa “thoát” cảnh bỏ hoang, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cánh đồng lớn trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của vợ chồng chị Đỗ Thị Thảo, xã Tam Thanh (Vụ Bản).
Cánh đồng lớn trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của vợ chồng chị Đỗ Thị Thảo, xã Tam Thanh (Vụ Bản).

Là người nông dân chăm chỉ nên khi chứng kiến người dân địa phương, nhất là những lao động trẻ không còn mặn mà với đồng ruộng, nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang gây lãng phí nên chị Thảo đã bàn với chồng đề xuất với Ban chi ủy thôn, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tam Thanh cho gia đình thuê ruộng của các hộ không trồng cấy để sản xuất quy mô lớn. Đồng thời, chị đã đến “gõ cửa” 250 gia đình có ruộng ở cánh đồng ngoài thôn Dư Duệ để vận động cho mượn ruộng trồng lúa và chịu trách nhiệm trả sản cho Nhà nước. Tháng 10-2016, chị đã vận động được toàn bộ các hộ dân cho mượn đất và tiến hành cấy trên diện tích 10ha. Với lợi thế của gia đình có máy móc nông nghiệp, cùng sự hỗ trợ của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) trong việc ký kết hợp đồng cung cấp giống lúa, phân bón và đầu ra sản phẩm, vợ chồng chị đã cải tạo lại cánh đồng, đưa máy xúc làm bờ to, đào kênh sâu để tiêu thoát nước. Do số ruộng là của nhiều hộ nên dàn trải, manh mún, cốt đất không đều, khu thấp trũng, chỗ lại cao, nhiều bờ thửa, nhiều chỗ cỏ lác mọc quá đầu người..., vợ chồng chị phải mất nhiều công sức để quy gọn vùng, phá bờ thửa không cần thiết, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố bờ vùng, xây dựng hệ thống kênh tưới, tiêu nước hợp lý. Vụ đông xuân 2016, giống lúa đặc chủng Bắc thơm 67 Nam Định  của Công ty Toản Xuân được anh chị đưa vào gieo cấy. Đây là giống lúa có khả năng kháng bệnh bạc lá và có giá trị hàng hóa cao, đang được thị trường ưa chuộng. Toàn bộ lúa thương phẩm được Công ty TNHH Toản Xuân hợp đồng thu mua với giá bán theo thỏa thuận. Thời gian đầu, cũng có mùa vụ gia đình chị Thảo bị thiệt hại khoảng 200 triệu đồng/vụ do lúa mắc bệnh vàng lùn và chưa có nhiều kinh nghiệm trong xử lý chuột phá hoại. Anh chị đã tìm gặp cán bộ kỹ thuật và đi tham khảo ở một số cánh đồng mẫu lớn nên đã kịp thời khắc phục được những hạn chế trong những vụ tiếp theo. Nhờ cấy tập trung một giống, cơ giới hóa nhiều khâu, đảm bảo trong khung thời vụ và chăm sóc đồng đều, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa luôn ổn định, bình quân đạt 7,8 tấn/ha. Sau 2 năm sản xuất thành công mô hình sản xuất lúa sạch trên cánh đồng mẫu lớn, vụ xuân năm 2019 anh chị đưa vào thử nghiệm giống lúa ST24 trên diện tích 7ha, đặc điểm cây lúa cao hơn đặc chủng Bắc thơm 67 Nam Định, giá trị dinh dưỡng cao hơn Bắc thơm, khả năng xuất khẩu giá trị cao, cho năng suất 60-70 tạ/ha. Hiện tại, gia đình anh cấy trên diện tích 12ha, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình mỗi vụ khoảng 130 triệu đồng và giải quyết lao động thời vụ cho 15 phụ nữ trong thôn với tổng chi phí thuê 3,5 triệu đồng/người/vụ. Được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các tổ chức, cá nhân từ tỉnh đến cơ sở và đặc biệt Công ty TNHH Toản Xuân về hướng đi và cách làm chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tháng 8-2019 vợ chồng chị Thảo đã bàn bạc và quyết định kết hợp với các hộ sản xuất nông nghiệp tại các thôn Tiền và Trung Cấp thành lập HTX Đại đoàn kết do chồng chị làm chủ nhiệm, nhằm liên kết cấy lúa sạch theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bước đầu thành lập tổ hợp tác, gia đình chị đã vận động thành lập Ban quản lý gồm 7 người và thành viên tổ hợp tác là những người nông dân có ruộng. Với số vốn lưu động trên 300 triệu đồng, có 2 máy cày, 1 máy gặt, các thành viên tự nguyện tham gia và thực hiện tốt quy chế của HTX. Tổ hợp tác hướng dẫn các tổ viên từ khâu làm đất, kỹ thuật gieo sạ, phân bón, thuốc trừ sâu… kiểm tra đôn đốc việc sản xuất của tổ viên. Khi tham gia vào tổ hợp tác, tổ viên có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên đồng ruộng, thay đổi tập quán sản xuất cũ, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro, tăng thu nhập cho mỗi hộ dân, giảm tình trạng bỏ ruộng, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao. Với mô hình này, bước đầu đã thu hút được 16 hộ liên kết cấy lúa trên diện tích gần 17ha, cho năng suất trên 60 tạ/ha. Cùng với giống lúa ST24, vợ chồng chị Thảo đã tìm hiểu và khuyến khích các hộ dân đưa giống lúa Adi 30 của Công ty Cổ phần Điện tử thương mại và Phát triển Adi30 (Hà Nội) vào thử nghiệm và đến nay lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch, dự kiến sẽ cho năng suất cao, cây có khả năng chống đổ tốt. Thời gian tới, HTX tiếp tục đưa thêm 30 hộ dân tham gia vào chuỗi liên kết, giúp nông dân trong xã thực hiện liên kết chuyển dần sản xuất tự phát sang sản xuất có tổ chức chặt chẽ về sử dụng giống lúa, phân bón, phòng trừ sâu bệnh đến bao tiêu sản phẩm.

Với nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, vợ chồng chị Thảo đã góp phần thay đổi tập quán canh tác cũ, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng thu nhập và gắn bó với đồng ruộng để ổn định cuộc sống. Vì thế, thời gian qua, mô hình sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn của gia đình chị thường xuyên trở thành nơi tham quan, trao đổi kinh nghiệm sản xuất của nông dân trong và ngoài địa phương. Năm 2019, gia đình chị đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com