Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

09:04, 05/04/2017
Theo số liệu của Sở VH, TT và DL, toàn tỉnh hiện có 4.000 lao động du lịch trực tiếp và khoảng 10 nghìn lao động du lịch gián tiếp tập trung chủ yếu ở khu vực Thành phố Nam Định và hai khu du lịch biển Thịnh Long (Hải Hậu), Quất Lâm (Giao Thủy). Lao động trực tiếp làm việc trong 544 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (trong đó có 326 cơ sở lưu trú du lịch) với nghiệp vụ: lễ tân, buồng, bàn... còn lao động gián tiếp tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch như chụp ảnh lưu niệm, trông giữ phương tiện, cho thuê phao bơi, bán quà lưu niệm... Chất lượng lao động du lịch của tỉnh còn thấp; chỉ 8,5% lao động có trình độ đại học, 15-20% trình độ trung cấp, 30% trình độ sơ cấp, còn lại gần 50% lao động phổ thông làm việc chủ yếu tại các cơ sở tư nhân tại các khu du lịch biển. 
 
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, hằng năm, Sở VH, TT và DL phối hợp với Tổng cục Du lịch (Bộ VH, TT và DL), Hiệp hội Du lịch tỉnh, các huyện, thành phố, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh mở các lớp học, tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, quản lý các cơ sở lưu trú, lễ tân, buồng, bàn. Sau các lớp học, các khóa tập huấn, học viên đều được cấp chứng chỉ chuyên môn. Ở các khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long, trước mỗi mùa du lịch biển, Ban quản lý các khu du lịch đều phối hợp với cơ quan chức năng của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng kiến thức lễ tân, buồng, bàn cho đội ngũ lao động tại các cơ sở kinh doanh lưu trú. Cùng với sự “vào cuộc” của ngành chức năng, Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ (Sở LĐ-TB và XH) vẫn duy trì đào tạo các ngành nghề: quản trị, hướng dẫn tổ chức và điều hành du lịch; lễ tân phục vụ, quản lý khách sạn; kỹ thuật chế biến món ăn và văn hóa ẩm thực... Bên cạnh đó, trường tích cực tham mưu cho Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Sở VH, TT và DL, các huyện, thành phố thực hiện việc đào tạo nghề du lịch cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Trường đã phối hợp các ngành, địa phương khảo sát nhu cầu lao động của các cơ sở kinh doanh du lịch, nhu cầu học của các đối tượng, từ đó xây dựng khung đào tạo nghề du lịch ngắn hạn 3 tháng về nghiệp vụ: lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bar, kỹ thuật chế biến món ăn... Từ năm 2011 đến nay, Trường Trung cấp nghề Thương mại - Du lịch - Dịch vụ tỉnh đã tổ chức 9 lớp đào tạo nghề du lịch cho 315 lao động nông thôn, trong đó Thành phố Nam Định mở 3 lớp với 105 học viên, Khu du lịch biển Quất Lâm mở 3 lớp với 105 học viên, Khu du lịch biển Thịnh Long mở 2 lớp với 70 học viên và mở 1 lớp với 35 học viên cho huyện Vụ Bản. Trong quá trình đào tạo, nhà trường đều gắn việc giảng dạy lý thuyết đơn giản, dễ hiểu với việc thực hành tại các cơ sở kinh doanh du lịch nên sau khi học, phần lớn học viên đều được các cơ sở kinh doanh du lịch tiếp nhận. Cùng với sự “vào cuộc” của các ngành, các cấp, các cơ sở kinh doanh du lịch trong tỉnh đã có nhiều hình thức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đổi mới công tác tuyển dụng lao động bằng việc tuyển nhân viên có bằng cấp, trình độ; cử nhân viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo của các địa phương, ngành chức năng; tổ chức các hoạt động thi nghiệp vụ nội bộ để nâng cao tinh thần tự học, tự hoàn thiện cho cán bộ, nhân viên... 
Nhân viên phục vụ tại Nhà hàng Cánh diều vàng (TP Nam Định).
Nhân viên phục vụ tại Nhà hàng Cánh diều vàng (TP Nam Định).
Tuy nhiên, thực tế số lượng lao động du lịch qua đào tạo, có trình độ vẫn còn ít, lao động chưa qua đào tạo còn nhiều. Các ngành, các địa phương mới chỉ quan tâm đến đào tạo, nâng cao chất lượng lao động trực tiếp, việc đào tạo lao động gián tiếp còn bỏ ngỏ. Lao động du lịch của tỉnh nhiều nơi còn thiếu chuyên nghiệp, yếu về kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ phục vụ; lao động có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp với khách du lịch nước ngoài hầu như không có. Tình trạng “nhảy việc” của nhân viên lành nghề giữa các cơ sở du lịch trong tỉnh, giữa tỉnh ta và tỉnh bạn cũng gây khó khăn cho duy trì ổn định của các doanh nghiệp.
 
Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã đề ra chỉ tiêu: Đến năm 2020 thu hút 17.640 lao động, trong đó có 6.000 lao động trực tiếp, có chất lượng lao động cơ bản để đáp ứng sự phát triển ngành du lịch. Để xây dựng nguồn nhân lực du lịch đạt chuẩn về số lượng và chất lượng, các ngành, các địa phương cần bổ sung lao động từ nguồn học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, đồng thời làm tốt việc đào tạo nghề du lịch cho lao động nông thôn. Hoạt động hướng nghiệp nghề du lịch cần được thực hiện cho học sinh từ các trường THPT, thậm chí từ năm cuối cấp THCS để thu hút học sinh theo học. Việc đào tạo các ngành nghề du lịch phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Chương trình đào tạo nghề du lịch cần đổi mới về nội dung giáo trình giảng dạy và phương pháp đào tạo phù hợp với đối tượng và nhu cầu hiện đại; tăng cường liên kết với các trường, mời giảng viên có uy tín chuyên ngành du lịch truyền đạt, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch để các học viên dễ tiếp cận và tiếp thu. Sở VH, TT và DL, các huyện, thành phố cần mở nhiều các khóa đào tạo, nâng cao nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ du lịch trực tiếp và gián tiếp; trang bị các kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách du lịch đối với lao động ở các khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước về phát triển nguồn nhân lực. Các cơ sở kinh doanh du lịch cũng cần bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và ngoại ngữ tại chỗ cho lao động; quan tâm đến tiền lương phù hợp với công sức của người lao động để họ yên tâm làm việc; qua đó nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong giai đoạn hội nhập và phát triển./.
 
Bài và ảnh: Thanh Ngọc


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com