Chuyện về người sưu tầm bình vôi cổ

07:03, 24/03/2017

“Khi sưu tầm đồ cổ, đặc biệt là các món đồ “thuần Việt”, tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức, hiểu biết về văn hóa dân tộc. Từ đó có cảm giác gần gũi với những giá trị tinh thần ngàn đời xưa. Sưu tầm đồ cổ cũng giúp cuộc sống của tôi “tĩnh” hơn”, anh Vũ Văn Khánh, số nhà 4/61 đường Tô Hiệu (TP Nam Định) chia sẻ về thú chơi của mình. Gần 20 năm rong ruổi để tìm kiếm, sưu tầm cổ vật, anh Khánh hiện có trong tay hàng nghìn đồ cổ đa dạng: cân, chú tễu, bình vôi, gốm sứ Bát Tràng, gốm đời nhà Thanh… Đặc biệt với khoảng trên 1.000 chiếc bình vôi, anh Khánh là một trong số ít người sở hữu bộ sưu tập bình vôi lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Thú chơi bình vôi
 
“Năm 10 tuổi, tôi đã lẽo đẽo theo bố đi khắp các chợ bán đồ cổ đất Thành Nam rồi đạp xe sang tận Thái Bình đi lùng mua các món đồ. Trên đường đi, bố kể cho tôi rất nhiều chuyện về những thứ ông sưu tầm được, những món đồ ông yêu thích, tâm đắc. Cứ như vậy, cái “máu” chơi đồ cổ của tôi thành hình, ăn sâu bén rễ vào tiềm thức. Năm 1998, khi bố tôi mất, tôi chính thức trở thành một người sưu tầm đồ cổ chuyên nghiệp, nối nghiệp bố”, anh Vũ Văn Khánh chia sẻ về thú chơi đồ cổ của mình. Trong rất nhiều món đồ cổ, với anh Khánh, những chiếc bình vôi có ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt là bởi, rất nhiều món đồ cổ có xuất xứ, nguồn gốc từ Trung Hoa do lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc, những chiếc bình vôi lại là hàng “made in Việt Nam” chính hiệu. Bởi thế, cũng có thể coi bình vôi là một sáng tạo, một nét văn hóa đậm chất dân gian. Cho đến nay, bỏ vài chục năm sưu tầm bình vôi, anh Khánh đã có bộ sưu tập “hoành tráng” cả về số lượng, chất lượng. Đó là những chiếc bình vôi với tuổi đời lên tới hàng nghìn năm thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Ở mỗi triều đại, thời kỳ lịch sử, những chiếc bình vôi lại mang dấu ấn thời gian, đặc điểm riêng biệt khác nhau. Trong đó, thời Trần, những chiếc bình vôi được người thợ thủ công đắp với quai thấp, bẹ cau cách điệu thành con rảo long. Thời Lê, đặc điểm dễ nhận diện ở những chiếc bình vôi là có men màu xanh lục, điểm phần trên tượng trưng cho lá trầu. Đến thời nhà Nguyễn, bình vôi được thiết kế với quai cầm cao, tiện cho việc di chuyển, đi lại của chị em phụ nữ… Trong bộ sưu tập bình vôi của anh Khánh, chiếc nhỏ nhất có kích thước như quả cau, to nhất thì bằng cái dành tích. Chất liệu để ông cha ta khi xưa làm bình vôi có thể là gốm, đất nung hoặc sứ… Để sưu tầm được chừng ấy cái bình vôi, anh Khánh cũng phải mất gần 20 năm lăn lộn ở các chợ bán đồ cổ, theo chân những người chạy hàng sứ khắp mọi nơi. Đi đến đâu anh cũng hỏi, ai bán bình vôi không? Mua món đồ gì, anh cũng không quên tìm hiểu chỗ nào có nhu cầu bán bình vôi. Ở đâu có người “mách” bán bình vôi quý, dù xa xôi, anh cũng lặn lội đến xem cho bằng được, không quản ngại đường xa, không quản ngại công sức tiền của. Anh Khánh có khá nhiều kỷ niệm vui buồn trong những lần đi sưu tầm, mua bình vôi. Trong đó, anh nhớ nhất lần mua chiếc bình vôi thời Trần của một thợ chạy sứ ở Thành phố Nam Định. Mới nhìn thấy chiếc bình vôi có kích thước chỉ nhỉnh hơn cái chén hoa hồng một chút, anh đã “mê” nó. Tuy nhiên, trước lúc đó, do dồn tiền để mua một món đồ khác, anh Khánh ở vào tình trạng “nhẵn túi”. Vì quá thích, anh quyết định vay lãi ngày để mang bằng được chiếc bình vôi này về nhà, góp thêm một cổ vật quý vào bộ sưu tập. “Mỗi chiếc bình của tôi, khi mua ít nhất cũng có giá vài triệu đồng/quả”, anh Khánh chia sẻ về giá trị kinh tế của những chiếc bình vôi. Tuy “đắt đỏ” là vậy, anh Khánh lại không có ý định buôn bán, trao đổi thị trường. Tâm nguyện lớn nhất của anh là được trưng bày bộ sưu tập của mình cho những người có cùng sở thích, quan tâm đến đồ cổ, đến một trong những vật dụng quen thuộc, thuần Việt của dân tộc bao đời. Và, anh đã nhiều lần đem trưng bày miễn phí tại Bảo tàng tỉnh Nam Định, các hội chợ, lễ hội để nhiều người có dịp thưởng lãm.
Anh Vũ Văn Khánh, số nhà 4/61, Tô Hiệu (TP Nam Định) giới thiệu về chiếc bình vôi đời Trần trong bộ sưu tập.
Anh Vũ Văn Khánh, số nhà 4/61, Tô Hiệu (TP Nam Định) giới thiệu về chiếc bình vôi đời Trần trong bộ sưu tập.
Và những bộ sưu tập “đắt giá” khác
 
Ăn vào máu thú chơi đồ cổ từ cụ thân sinh Vũ Văn Tư, anh Vũ Văn Khánh hiện đang nắm giữ bộ sưu tập đồ cổ đa dạng. Nếu bố anh trước đây chỉ chuyên về đồ gốm sứ sâu tuổi với những bát đĩa, chum, lọ, thì nay bộ sưu tập của anh Khánh mở rộng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, theo sở thích riêng, anh Khánh mong muốn sưu tầm những món đồ cổ có nguồn gốc Việt Nam. “Bởi, đây chính là hồn cốt của dân tộc, thể hiện đời sống văn hóa, tài hoa của dân tộc. Khi muốn tìm hiểu để mua một món đồ, tôi lại có cơ hội đọc, mở mang hiểu biết liên quan đến thời đại, đặc điểm, cách thể hiện riêng biệt của thời đại đó. Qua đó, có thể cảm nhận được nét văn hóa độc đáo của con người vào những thời điểm lịch sử khác nhau. Càng tìm hiểu càng thấy cái hay, cái đẹp của dân tộc ta. Từ đó càng thêm yêu, thêm tự hào về tính sáng tạo trong lao động của ông cha. Đó cũng là lý do tôi thích sưu tầm cổ vật thuần Việt”, anh Khánh bộc bạch. Đồ cổ của anh hầu hết đều là đồ gốm, sứ. Trong đó, anh có bộ ống bút gốm Bát Tràng với gần 200 món với kích thước, chủng loại khác nhau. Đây là những chiếc ống bút có niên đại thế kỷ XVIII trở lại. Có những chiếc đắp nổi người men Tam Thái và men lam dòng quý hiếm lên đến vài triệu đồng/chiếc mua từ các thợ chạy đồ. Anh còn có cả bộ sưu tập quả cân bằng đồng, gang, đá, gốm tráng men từ thời nhà Hán (Trung Quốc), số lượng khoảng 40-50 quả. Bộ nậm rót rượu trên 100 cái từ đời nhà Thanh cũng là một trong những niềm tự hào của anh Khánh. Ngoài ra, anh có một số hoành phi, câu đối sơn thếp có tuổi đời khá cao. Trong câu chuyện với chúng tôi, ngoài bộ sưu tập bình vôi, anh Khánh còn đặc biệt tâm đắc với bộ sưu tập các chú Tễu thời Lê, Nguyễn. Mặc dù chưa sưu tầm được nhiều, chỉ khoảng 4-5 đôi song có được giá mấy anh cũng không bán. Bởi vì đây cũng là những món đồ cổ thuần Việt rất có giá trị về mặt lịch sử. Chơi đồ cổ, không chỉ cần ham mê mà còn cần phải có những hiểu biết đặc biệt về các món đồ mà mình định sưu tầm. Để công việc sưu tầm, tìm hiểu đồ cổ được dễ dàng, thuận lợi hơn, anh Khánh còn tự mày mò thường xuyên “lên mạng”. Nhờ mạng internet, việc trao đổi các món đồ của anh Khánh trở nên dễ dàng hơn, từ đó anh có thể mua được các đồ quý ở nhiều nơi trong cả nước. 
 
Với nhiều bộ sưu tập đồ cổ độc đáo, ngôi nhà nhỏ của anh Vũ Văn Khánh luôn mở rộng cửa cho những ai muốn vào tham quan, tìm hiểu. Và, nếu vào đây rồi, lạc vào thế giới của gốm, của sứ, của những màu men, chúng ta sẽ càng cảm thấy thích thú và khâm phục hơn sự tinh tế, khéo léo, bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công nước Việt xa xưa khi tạo tác tác phẩm. Để trân quý hơn những giá trị tinh thần dân tộc. Cũng quý trọng hơn những người đang góp phần lưu giữ, bảo tồn những giá trị bất biến đó./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com