Phát triển vườn thuốc nam ở trạm y tế tuyến xã

08:03, 23/03/2017

Trạm Y tế xã Tam Thanh (Vụ Bản), là “điểm sáng” của tỉnh trong xây dựng vườn thuốc nam với hơn 50 cây thuốc các loại. Vườn thuốc được cán bộ y tế chăm sóc chu đáo, luôn xanh tốt, là nguồn dược liệu hỗ trợ điều trị đông tây y kết hợp cho người bệnh.

Chỉ vào từng cây thuốc, đồng chí Trần Văn Niên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Cây mạch môn chữa ho; cúc tần chữa cảm sốt, ho; xạ can chữa viêm họng, amidan; ké đầu ngựa chữa sẩn ngứa; cây ráy dại chữa cảm, sốt vi-rút rất hiệu quả... Nhờ những cây thuốc này mà người dân đến với trạm để khám, điều trị bệnh ngày càng nhiều, nhất là những người cao tuổi mắc bệnh mãn tính, không dùng được thuốc tây y do tác dụng phụ. Chị Vũ Thị The ở thôn Phú Thứ thường xuyên sử dụng thuốc nam thì chia sẻ: “Cán bộ trạm y tế luôn căn dặn chúng tôi mỗi khi đến khám bệnh về những loại cây thuốc nam và cách sử dụng. Nếu bị sốt vi rút, có thể dùng cây ráy dại để chữa trị bằng cách lấy rễ, củ sao vàng hạ thổ sắc với nước đậu đen uống; nếu sốt cao thì lấy lá đắp lên trán trẻ để hạ sốt và tránh co giật. Bệnh đau khớp của mẹ tôi bớt cũng nhờ những bài thuốc nam từ trạm y tế”. Trạm Y tế xã Hải Nam (Hải Hậu) dành hơn 150m2 để làm vườn thuốc mẫu và trồng đủ 60 loại cây thuốc với 9 nhóm thuốc. Mỗi loại cây thuốc đều có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi, bộ phận sử dụng và công dụng. Việc chăm sóc được tiến hành thường xuyên đảm bảo cây thuốc phát triển tốt. Trạm cũng đã có phòng chẩn trị y học cổ truyền, y sĩ y học cổ truyền và đủ trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho công tác khám, điều trị như máy châm cứu, đèn hồng ngoại, tủ thuốc đông y. Trạm tích cực đẩy mạnh tuyên truyền khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền nên người dân trên địa bàn xã đều có ý thức tốt về hiệu quả của việc khám chữa bệnh bằng đông y và sử dụng cây thuốc nam trong chữa bệnh. Đến nay, tỷ lệ người dân khám chữa bệnh y học cổ truyền đạt khoảng 35% so với tổng lượt bệnh nhân. Trạm Y tế xã Nam Hồng (Nam Trực) hiện có vườn thuốc nam với các loại cây thuốc thường gặp, dễ trồng như: Ngải cứu, hương nhu, chanh, sả, tía tô, gừng, hẹ, đinh lăng… Những loại cây thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm mạo, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, đau nhức cơ, xương khớp... Cùng với xây dựng vườn thuốc nam, trạm y tế xã tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng của các cây thuốc nam chữa các bệnh thông thường...

Cán bộ Trạm Y tế xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh.
Cán bộ Trạm Y tế xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng) hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam chữa bệnh.

Hiện tại, việc phát triển vườn thuốc nam là một trong những tiêu chí bắt buộc khi chấm điểm xã đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế. Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi vườn thuốc nam mẫu phải có diện tích từ 50-60m2, với trên 40 loại cây thuộc 9 nhóm dược liệu để chữa một số bệnh thường gặp; có bảng hướng dẫn về công dụng của từng cây thuốc để người dân tìm hiểu… Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã chỉ đạo phát triển các vườn thuốc nam tại các trạm y tế trên toàn tỉnh. Hầu hết các trạm y tế đều đã quy hoạch khu vực vườn thuốc nam; nhiều trạm y tế đã xây dựng được vườn thuốc nam khá đầy đủ, quy mô. Hiện toàn tỉnh đã có 210/229 trạm y tế có vườn thuốc nam (đạt tỷ lệ 91%). Các vườn thuốc nam đều đa dạng nhóm cây thuốc chữa các bệnh thông thường như: tiêu chảy, viêm gan, mụn nhọt, sốt xuất huyết, đau nhức cơ, xương khớp, cảm sốt và ho... Mỗi nhóm cây thuốc đều có bảng ghi rõ tên, công dụng chữa các bệnh thường gặp để người dân dễ tìm hiểu. Để vườn thuốc nam phát triển tốt, cán bộ các trạm y tế thường xuyên sưu tầm thêm cây thuốc. Đặc biệt, một số trạm còn hướng dẫn cho người dân biết được ý nghĩa của nhiều loại cây thuốc từ đó vận động người dân nhân giống trồng tại nhà. Việc phát triển các vườn thuốc nam tại các trạm y tế trong tỉnh đã và đang góp phần vào công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, vì trên thực tế, việc sử dụng các bài thuốc nam để chữa các bệnh thông thường có rất nhiều ưu điểm so với tây y. Chữa bệnh bằng thuốc nam không chỉ có lợi vì nguồn thuốc dễ tìm, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ mà còn ít tốn kém, tránh được hiện tượng kháng thuốc như trong tây y. Bên cạnh đó, các vườn thuốc nam còn tạo cảnh quan, tăng không gian xanh, trong lành cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh bằng cây thuốc cho nhân dân mà còn nâng cao hiểu biết cho người dân về cây dược liệu cũng như bảo vệ, gìn giữ các loại cây dược liệu quý tại địa phương. Tiêu biểu trong công tác xây dựng và phát triển vườn thuốc nam mẫu là trạm y tế các xã: Xuân Thượng, Xuân Tiến, Thọ Nghiệp (Xuân Trường); Nam Thanh, Nam Hồng (Nam Trực); Tam Thanh (Vụ Bản); Hải Nam, Hải Thanh, Hải Đường (Hải Hậu).

Tuy nhiên, công tác phát triển các vườn thuốc nam tại trạm y tế xã còn gặp khó khăn. Thành phố Nam Định có 25 trạm y tế phường, xã nhưng chỉ khoảng một nửa số trạm y tế có vườn thuốc nam theo đúng quy định bởi thiếu quỹ đất xây dựng; một số trạm có vườn thuốc nam, nhưng không đầy đủ số cây thuốc theo quy định. Việc ứng dụng thuốc nam vào điều trị ở nhiều trạm y tế còn khó khăn do thiếu trang thiết bị và thiếu đội ngũ cán bộ chuyên khoa y học cổ truyền…

Để khắc phục tình trạng trên, ngoài công tác tuyên truyền, các trạm y tế cần tăng cường sử dụng thuốc nam để điều trị một số bệnh thông thường có hiệu quả để người dân tin tưởng. Quan tâm củng cố đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tuyên truyền hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng…

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com