Xcốt-len muốn tách khỏi Anh, gia nhập EU

08:05, 16/05/2017

Ngày 14-5, Thủ hiến Xcốt-len Ni-cô-la Stu-gân cho biết nếu tách khỏi Anh, bà muốn vùng lãnh thổ này là thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu (EU), nhưng không sử dụng đồng tiền chung ơ-rô.

Phát biểu với hãng BBC, bà Stu-gân cho biết Xcốt-len sẽ phải đề ra tiến trình tiếp cận EU theo từng giai đoạn, với giai đoạn đầu tiên là gia nhập Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu cùng với Ai-xơ-len, Lếch-ten-xtin, Na Uy và Thụy Sĩ.

Thủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon. Ảnh: EPA/TTXVN
Thủ hiến Scotland, Nicola Sturgeon. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo Thủ hiến xứ Xcốt-len, bà sẽ kêu gọi cử tri lựa chọn đảng Dân tộc Xcốt-len của bà trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 tới để giúp vùng lãnh thổ này có tiếng nói có trọng lượng trong các cuộc đàm phán sắp tới về vấn đề Anh rời EU (còn gọi là Brexit) cũng như cơ hội tìm kiếm vị thế cho Xcốt-len tại thị trường chung châu Âu duy nhất này. 

Xcốt-len có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-xơ-len. Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 năm ngoái về Brexit, 52% người dân trên khắp Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-xơ-len ủng hộ việc này. Tuy nhiên, riêng tại Xcốt-len, có đến 62% người dân xứ này lựa chọn ở lại EU. Sau đó, Thủ hiến Stu-gân nhiều lần khẳng định Xcốt-len không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này. 

Chính quyền Ốt-ki-na-oa, Nhật Bản phản đối căn cứ Mỹ

Chính quyền tỉnh Ốt-ki-na-oa, phía Nam Nhật Bản, ngày 15-5 tiếp tục phản đối mạnh mẽ đối với sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ tại đảo này nhân dịp kỷ niệm 45 năm đảo Ốt-ki-na-oa trở lại sự quản lý của Nhật Bản sau thời gian bị quân đội Mỹ chiếm đóng thời hậu chiến.

Trong một thông cáo, Thống đốc tỉnh Ốt-ki-na-oa Ta-kê-si Ô-na-ga nhấn mạnh sau khi được trả lại Nhật Bản, Ốt-ki-na-oa vẫn tiếp tục phải chịu đựng những sự cố và tai nạn liên quan đến các căn cứ của Mỹ cũng như các vấn đề môi trường và nhiều vấn đề khác. Ông Ô-na-ga nêu rõ các căn cứ này là rào cản lớn nhất đối với phát triển của tỉnh. 

Ngày 14-5, khoảng 2.200 người dân Ốt-ki-na-oa đã tụ tập tại khu vực bờ biển gần Hê-nô-cô để phản đối kế hoạch trên, trước đó, một cuộc tuần hành cũng được tổ chức với cùng mục đích vào ngày 12-5. 

Ốt-ki-na-oa chỉ chiếm khoảng 0,6% tổng diện tích lãnh thổ Nhật Bản, nhưng lại là nơi chứa khoảng 70% các căn cứ quân sự của Mỹ tại nước này. Năm 1996, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí kế hoạch tái bố trí căn cứ không quân Phu-ten-ma trên đảo này, song quá trình triển khai đã bị trì hoãn vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân địa phương. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của người dân, ngày 25-4 vừa qua, Tô-ky-ô vẫn tiến hành các hoạt động cải tạo đất tại Hê-nô-cô. 

Ước tính thiệt hại “khủng” do làn sóng tấn công mạng toàn cầu

Viện Nghiên cứu hậu quả mạng “Cyber Consequences Unit”, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, ước tính tổn thất của vụ tấn công mạng quy mô toàn cầu hiện nay có thể lên tới hàng trăm triệu USD, nhưng sẽ không vượt quá con số 1 tỷ USD.

Làn sóng tấn công hơn 75 nghìn máy tính tại 150 nước trên toàn thế giới cuối tuần qua đã làm tê tiệt hệ thống máy tính của các ngân hàng, bệnh viện, trường học... theo đó, người sử dụng mạng sẽ không thể truy cập dữ liệu trừ phi đồng ý trả cho tin tặc một khoản tiền ảo Bitcoin, trị giá từ 300-600 USD. 

Đến thời điểm này, các Cty an ninh mạng xác định vi-rút gây ra vụ tấn công là loại mã độc WannaCry - có khả năng tự phát tán trên quy mô lớn bằng cách lợi dụng một lỗi phần mềm trong hệ điều hành Windows XP của Microsoft Corp./. 

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com