Khủng hoảng kép ở xứ sở hoa hồng

07:07, 26/07/2013

Bất ổn kinh tế dẫn tới bất ổn xã hội đang đẩy Bun-ga-ri tới bờ vực cuộc khủng hoảng kép cả về kinh tế lẫn chính trị, nhấn Xô-phi-a chìm sâu vào những khó khăn còn tồn đọng chưa tìm được lối thoát.

Ngày 24-7, cảnh sát Bun-ga-ri đã phá vỡ hàng rào người biểu tình bao quanh Tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Xô-phi-a, “giải cứu” hơn 100 nghị sĩ và bộ trưởng bị mắc kẹt trong tòa nhà bởi sự phong tỏa của những người biểu tình chống chính phủ trong hơn 8 giờ đồng hồ, AP đưa tin.

Nguồn tin cho biết, cảnh sát được trang bị lá chắn đã đẩy những người biểu tình phản đối ra khỏi khu vực quanh Tòa nhà Quốc hội và lập một hàng rào chắn quanh tòa nhà, triển khai hàng loạt xe tải đến giải thoát các quan chức bị mắc kẹt. Sau đó, chính quyền triển khai máy kéo, máy xúc đến để dọn dẹp các vật cản mà người biểu tình “dàn trận” quanh khu vực này.

Trước đó, trong cả ngày 23-7, hàng nghìn người biểu tình đã bao vây Tòa nhà Quốc hội, ngăn cản các bộ trưởng, nghị sĩ và quan chức chính phủ rời khỏi trụ sở sau các cuộc thảo luận về kế hoạch sửa đổi ngân sách. Căng thẳng bùng phát khi cảnh sát dùng xe buýt để giải tán một số nhóm biểu tình. Khoảng 2.000 người biểu tình đã chặn xe cộ, hô vang các khẩu hiệu phản đối, yêu cầu chính phủ và nội các kỹ trị mới lên nắm quyền trong tháng 5 của Thủ tướng P.Ô-rê-sa-xki phải từ chức. Đám đông người biểu tình đã ném đá làm vỡ nhiều cửa kính xe buýt, đồng thời phớt lờ lời kêu gọi giải tán của cảnh sát. Các vụ đụng độ đã khiến ít nhất 7 người biểu tình và 2 cảnh sát bị thương.

Cảnh sát Bun-ga-ri chặn người biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội hôm 23-7. Ảnh: Internet
Cảnh sát Bun-ga-ri chặn người biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội hôm 23-7. Ảnh: Internet

Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri M.Mi-cốp đã chỉ trích các hành vi bạo lực và khẳng định “người biểu tình không thể biến các nghị sĩ thành mục tiêu vì tính mạng và sức khỏe của họ cần phải được bảo đảm”.

Từ ngày 14-6 đến nay, mỗi ngày có tới 10.000 người biểu tình đổ ra các đường phố trung tâm của Thủ đô Xô-phi-a để phản đối chính phủ. Phần lớn các cuộc biểu tình đều diễn ra hòa bình cho tới vụ đụng độ hôm 23-7. Đây được xem là vụ đụng độ mang tính bạo lực đầu tiên trong làn sóng biểu tình phản đối chính phủ quy mô lớn kéo dài 40 ngày qua tại xứ sở hoa hồng. Làn sóng biểu tình rầm rộ bắt nguồn từ việc Thủ tướng P.Ô-rê-sa-xki bổ nhiệm luật sư Đ.Pép-xki, 32 tuổi, làm người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia. Quyết định này gây bất bình trong dư luận vì người dân Bun-ga-ri cho rằng, ông Đ.Pép-xki không có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh để có thể lãnh đạo một cơ quan quyền lực như vậy. Mặc dù quyết định bổ nhiệm đã được rút lại, song ngày càng nhiều người dân Bun-ga-ri đổ ra đường để phản đối tình trạng tham nhũng, yếu kém của chính phủ.

Là nước nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU), Bun-ga-ri hiện có 7,3 triệu dân, nhưng có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 18%. Sáu năm sau khi gia nhập EU, gần 1/4 dân số Bun-ga-ri vẫn sống dưới mức nghèo theo quy chuẩn chính thức của EU, lạm phát tăng cao, tội phạm có tổ chức bùng phát mạnh. Trong 5 năm qua, vốn đầu tư tại Bun-ga-ri giảm tới 79%, gần một nửa các doanh nghiệp ngưng hoạt động. Phần lớn thanh niên và tầng lớp có trình độ cao đều phải di cư sang các quốc gia châu Âu giàu có tìm kiếm việc làm.

Giới phân tích lo ngại rằng, làn sóng biểu tình hiện nay có nguy cơ đẩy Bun-ga-ri rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới, tiếp sau các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối nghèo đói dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng B.Bô-ri-xốp hồi tháng 2 vừa qua. Vừa phải tiếp tục thực thi các biện pháp kinh tế khắc khổ, vừa đạt mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội, khôi phục tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân quả thực là một bài toán hóc búa không riêng gì với Bun-ga-ri mà còn của nhiều nước khác thuộc EU như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Vượt qua được "cơn bĩ cực" hiện nay thực sự không hề dễ dàng./.

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com