"Góc sáng" trong cách nhìn của phương Tây về Triều Tiên

08:07, 29/07/2013

Triều Tiên lâu nay vẫn bị dư luận phương Tây nhắc đến như một quốc gia khép kín, cô lập hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Nhưng không phải mọi con mắt hướng về Bình Nhưỡng đều mang một gam màu tối. Có những người nhờ được “mắt thấy, tai nghe” cuộc sống ở Triều Tiên đã nhìn nhận một cách tích cực về quốc gia này.

Đầu tháng 5-2013, trang web news.com.au đã có bài viết nói về những trải nghiệm đầy mới lạ của Giáo sư Xti-uốt Lơn thuộc Học viện Quốc phòng Ô-xtrây-li-a về con người và cuộc sống ở Triều Tiên. Từng làm việc trong khoảng thời gian 2010-2012 tại Triều Tiên với tư cách là một giáo viên dạy tiếng Anh cho thanh, thiếu niên, vị giáo sư này đã có những miêu tả hiếm có, thậm chí là lãng mạn về cuộc sống ở Triều Tiên trong cuốn sách với tựa đề: “Những bài học ở Bình Nhưỡng: Triều Tiên nhìn từ một lớp học”. Theo Giáo sư Xti-uốt Lơn, những điều mà chúng ta thường nghe thấy về Triều Tiên như một quốc gia nghèo khổ, một xã hội bị đàn áp nhất trên thế giới, là hoàn toàn không chính xác.

Cuộc sống thanh bình ở Thành phố Kê-xâng của Triều Tiên. Ảnh: Internet
Cuộc sống thanh bình ở Thành phố Kê-xâng của Triều Tiên. Ảnh: Internet

Trong cuốn sách của mình, Giáo sư Xti-uốt Lơn viết: Đất nước này tiến bộ hơn nhiều so với người ta vẫn nghĩ. Ở Triều Tiên, bạn thậm chí có thể tìm thấy những loại nước hoa mang thương hiệu của các ngôi sao thế giới như Kylie Minogue hay David Beckham trong các cửa hiệu, mặc dù ít người biết hai nhân vật này là ai. Phim hoạt hình “Tom và Jerry” cũng được phát trên truyền hình, còn điện thoại di động và các loại xe hơi nước ngoài rất phổ biến tại Bình Nhưỡng.

Quãng thời gian dài đồng hành cùng 400 thanh, thiếu niên Triều Tiên trên giảng đường cũng đã giúp Xti-uốt Lơn gạt bỏ suy nghĩ rằng, mọi người dân Triều Tiên luôn phải sống trong lo sợ và thiếu thốn. Trái lại, theo ông, những người trẻ ở đất nước này luôn cảm thấy an toàn, hài lòng và tự hào về xã hội nơi họ đang sống. Cũng giống như hàng triệu trẻ em trên thế giới, trẻ em ở Triều Tiên rất yêu bóng đá. Nhiều em còn thần tượng các ngôi sao sân cỏ như Rô-nan-đô, Mét-xi hay vua bóng đá Pê-lê.

Cuối năm ngoái, tờ Bưu điện Oa-sinh-tơn cũng đã từng trích lời Phê-lích Áp-tơ, một doanh nhân Thụy Sĩ có 7 năm sống và làm việc ở Triều Tiên, nói rằng, những điều mà thế giới phương Tây nghĩ về cuộc sống của người dân Triều Tiên là hoàn toàn khác xa với thực tế. Trước đó, trong một bài viết đăng trên tờ GlobalPost của Mỹ, Phê-lích Áp-tơ đã làm nhiều người ngạc nhiên khi viết rằng, người dân Triều Tiên không hề nghèo khổ và bị áp bức như chúng ta thường nghĩ.

"Khi tôi đi tới khu vực nông thôn, các học sinh Triều Tiên kể cho tôi những câu chuyện dân gian, chứ không phải là những lời tuyên truyền về chế độ... Ở nhà và đôi khi ngay tại trường đại học, họ vẫn xem các bộ phim nước ngoài như Cuốn theo chiều gió và Titanic”, doanh nhân người Thụy Sĩ kể lại trong bài báo.

Từng là Đại sứ Anh tại CHDCND Triều Tiên từ năm 2006 đến 2008, nên ông Giôn E-vơ-rát cũng là người hiểu khá rõ về Triều Tiên. Chia sẻ trên tờ The Independent, cựu Đại sứ Anh cho rằng, thật là sai lầm khi nhiều người, trong đó có cả các chuyên gia, lâu nay vẫn xem người dân Triều Tiên như “những cỗ máy giống hệt nhau”, chỉ biết tuân theo mọi chỉ thị của các nhà lãnh đạo. Theo ông, Triều Tiên là một quốc gia thực sự với những con người rất thực. Họ cũng có những mối quan tâm thường nhật như bất cứ ai trong số chúng ta. Nhưng trên hết, người dân Triều Tiên rất dễ chịu và có khướu hài hước. Trang phục mà họ mặc không quá hào nhoáng, nhưng lại rất phù hợp. Người Triều Tiên cũng luôn biết cách tận dụng mọi thời gian để giao tiếp, trò chuyện cùng nhau, tìm hiểu thêm thông tin về đất nước của họ cũng như thế giới bên ngoài.

Hiện là Tổng giám đốc của Cty Du lịch Koryo Tours chuyên tổ chức các chuyến du lịch tới Triều Tiên, bản thân cũng đã tới Triều Tiên trên dưới 120 lần, Xi-môn Cốc-cơ-reo đã quá đỗi quen thuộc với cuộc sống ở quốc gia được coi là khép kín nhất thế giới này. Theo nhận xét của doanh nhân này, Triều Tiên ngày nay đã có nhiều thay đổi, cho dù sự thay đổi đó diễn ra khá chậm rãi. Riêng về du lịch, đã có thêm nhiều nơi, từ vùng rừng núi xa xôi đến các thành phố công nghiệp rộng lớn, mở cửa chào đón du khách. Tham vọng của Xi-môn Cốc-cơ-reo là sẽ tiếp tục tiếp cận và mở các tour du lịch tới các khu vực khác của Triều Tiên cũng như Thủ đô Bình Nhưỡng, nơi đã trải qua một thời gian xây dựng khá dài khiến một phần của thành phố này hoàn toàn “thay da đổi thịt” so với 5 năm trước. Theo Xi-môn Cốc-cơ-reo, để đến Triều Tiên du lịch không khó như mọi người vẫn tưởng.

Xi-môn Cốc-cơ-reo cũng đưa ra một thông tin đầy thú vị khi cho biết, các công dân Mỹ chiếm tới 25% tổng số khách phương Tây đến du lịch tại Triều Tiên. Tuy nhiên, các Cty du lịch ở đây không chấp nhận những người mang hộ chiếu Hàn Quốc hoặc các nhà báo đi theo tour. Còn lại, Triều Tiên luôn mở cửa đón bất cứ ai có nhu cầu đến thăm đất nước này.

Cựu Đại sứ Anh tại Triều Tiên Giôn E-vơ-rát đã nói, có lẽ vì Triều Tiên rất lạ lẫm và khác biệt, nên cuộc sống ở đó đôi khi mang đến những khoảnh khắc thật kỳ diệu. Điều đó tới nay vẫn thực sự là một bí ẩn mà có lẽ đa số chúng ta đều mong muốn dù chỉ một lần được khám phá./.

Theo: qdnd.vn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com